Chủ nhật, 24/11/2024, 11:28[GMT+7]

Thanh Tân Sau nông thôn mới là đô thị loại V

Thứ 4, 11/06/2014 | 09:00:48
3,706 lượt xem
Năm 2013, Thanh Tân (Kiến Xương) không chỉ là một trong 4 xã đầu tiên của tỉnh được cấp Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới (NTM) mà còn là một trong 3 xã được Bộ Giao thông Vận tải tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, được đề nghị Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động.

Nhân dân thôn Tử Tế (xã Thanh Tân) tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới.

Để có được bảng thành tích đáng tự hào này, cấp ủy, chính quyền xã đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua xây dựng NTM với nhiều cách làm sáng tạo nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn thể nhân dân.

Làm thế nào để tạo được sự đồng thuận, phát huy được vai trò chủ thể của người dân? Làm thế nào để huy động được nguồn lực to lớn đáp ứng nhu cầu xây dựng NTM? Làm thế nào để đạt được các tiêu chí khó? Làm thế nào để về đích NTM theo mục tiêu đã đề ra?... Đó là những câu hỏi mà lãnh đạo xã Thanh Tân tự đặt ra khi được tỉnh chọn làm điểm xây dựng NTM.

Nhớ lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Thanh Tân đã phát động phong trào “Mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng NTM”. Biết phát huy dân chủ ở cơ sở, khuyến khích, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân, các câu hỏi khó đã dần tìm ra lời giải đáp. Vì thế, các phong trào thi đua được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, hiệu quả đạt được rất cao.

Tiêu biểu và thành công nhất là phong trào “Hiến đất mở đường, xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp”. Ông Trần Bình, Trưởng thôn An Thọ cùng gia đình tự tháo dỡ tường gạch và cổng hiến 70m2 đất nói với chúng tôi: “Là đảng viên, thấy việc gì ích nước, lợi dân thì phải cố gắng làm, không suy tính thiệt hơn, có như vậy quần chúng mới tin, mới làm theo”. Chính sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn dân. Kết quả, nhân dân toàn xã đã hiến trên 5.300m2 đất, thu dỡ 3.000m tường dậu xây, 90 cổng, 27 nhà bếp, 6 nhà, 22 công trình phụ, 2 miếu, 4 mộ tổ phục vụ làm mới 25km đường theo tiêu chí NTM. Có những con đường trục thôn dù mặt cắt đã đủ 6m nhưng nhân dân vẫn hiến đất để mở rộng tới 7m, có nơi 9m, xây cống thoát nước hai bên. Nhân dân cũng đã góp 9,9ha đất quỹ I, đào đắp trên 60.000m3 để hưởng ứng phong trào “Góp đất làm đường giao thông đồng ruộng”.

Yếu tố quan trọng thúc đẩy xây dựng thành công NTM là nguồn lực nhưng trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, Thanh Tân đã khai thác nguồn lực tại chỗ, nguồn lực từ con em xa quê bằng cách tập trung tuyên truyền, đánh thức, khơi dậy tinh thần thi đua trong mỗi tập thể, cá nhân gắn thi đua với khen thưởng, với quyền lợi và nghĩa vụ, từng bước đẩy lên thành cao trào thi đua giữa các thôn. Thông qua phong trào này, các thôn đã năng động, chủ động tìm nguồn kinh phí, làm tốt việc huy động sự ủng hộ từ con em xa quê để xây dựng các công trình của thôn. Tổng kinh phí nhân dân đóng góp trên 26 tỷ đồng, con em xa quê ủng hộ 10 tỷ đồng. Tại lễ đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn quốc gia NTM, Thanh Tân đã tặng biểu tượng cho 300 hộ gia đình, hàng chục tập thể, cá nhân tích cực tham gia xây dựng NTM. Khen thưởng kịp thời, đúng người cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy phong trào thi đua của Thanh Tân.

Để đạt 2 tiêu chí khó về thu nhập và cơ cấu lao động, Thanh Tân vừa coi trọng sản xuất nông nghiệp vừa tập trung đầu tư phát triển công nghiệp, ngành nghề truyền thống. “Cán bộ nào, phong trào đấy”, các đồng chí lãnh đạo xã không ngại khó, không ngại khổ, chủ động tìm, gặp gỡ, khuyến khích các doanh nghiệp, con em xa quê có điều kiện đầu tư hoặc giới thiệu doanh nghiệp về địa phương đầu tư sản xuất kinh doanh. Kết quả là tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp rất nhanh, nhân dân đã tiếp cận được với phương thức sản xuất hàng hóa hiệu quả cao; lao động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp chiếm 50%, thương mại, dịch vụ chiếm 29%, nông nghiệp giảm còn 21%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 24,4 triệu đồng (năm 2009) lên 28 triệu đồng (năm 2013).

Nhiều giải pháp bằng cơ chế, chính sách, phát động phong trào thi đua hình thức phong phú được cấp ủy, chính quyền xã triển khai đã nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, giữ vững an ninh trật tự của địa phương. Để phong trào “Xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh”, Đảng ủy xã chọn mỗi thôn xây dựng một mô hình điểm và mỗi đoàn thể đảm nhiệm làm nòng cốt một nhiệm vụ. Nhiều năm qua, các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể của xã đều đạt trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau khi hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, Đảng ủy xã ra nghị quyết, UBND xã đã hoàn thành Đề án “Xây dựng xã Thanh Tân trở thành đô thị loại V giai đoạn 2014 - 2020” với mục tiêu “nông nghiệp hiện đại, nông thôn đô thị, nhân dân chuyên nghiệp”. Hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Thanh Tân đang đồng sức, đồng lòng tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, hướng đến những mục tiêu cao hơn, nối dài những kết quả, thành tích đã đạt được.

Đỗ Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày