Chủ nhật, 24/11/2024, 11:28[GMT+7]

Huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 30/06/2014 | 09:34:58
1,696 lượt xem
Qua hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng lên, nhiều vùng quê khởi sắc, đời sống nông dân được cải thiện rõ nét. Ðể có được thành công ấy, một trong những yếu tố quan trọng chính là sự lan tỏa và thành công trong thực hiện phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới.

Nhân dân xã Bình Thanh (Kiến Xương) tự nguyện phá dỡ tường bao, hiến đất làm đường giao thông.

 

Chúng tôi có dịp đến thăm xã NTM Thụy Văn (Thái Thụy). Tuy không được chọn làm điểm của tỉnh, huyện nhưng bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, chủ động, cuối tháng 1/2014, Thụy Văn đã được công nhận xã NTM. Hạ tầng cơ sở được nâng cấp, xây mới với 9,7km kênh mương; 33km đường giao thông các loại được bê tông và nhựa hóa; xây mới 7/7 nhà văn hóa thôn; xây mới phòng học và trạm y tế; nâng cấp đạt chuẩn hệ thống điện, chợ nông thôn, xây dựng khu xử lý rác thải tập trung, tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hóa và các hạng mục công trình kinh tế kỹ thuật khác đạt chuẩn NTM.

 

Ðể về đích NTM trong năm 2013, Thụy Văn xác định “làm từ đồng làm về, từ ngõ xóm làm ra, sau cùng mới đến công sở”. Nhiệm vụ đầu tiên là ưu tiên cho công trình giao thông thủy lợi nội đồng để tạo vùng sản xuất tập trung nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị thu nhập và giải phóng sức lao động của nhân dân. Kết quả, từ 2010 - 2011, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng của các thôn cơ bản được khép kín bằng bê tông hóa. Với mục tiêu: “không nóng vội, không vì thành tích mà chỉ có một động cơ duy nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, theo chủ trương của Ðảng, Nhà nước”, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, trong 3 năm (2010 - 2013), Thụy Văn đã huy động tổng nguồn kinh phí trên 92 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên và từ các dự án là 21,75 tỷ đồng, từ ngân sách xã và huy động đóng góp của nhân dân và con em xa quê là 70,29 tỷ đồng, bằng 76,3% (gồm ngày công lao động, hiến đất, tiền mặt).

 

Một góc khu dân cư xã An Ðồng (Quỳnh Phụ).

 

Không chỉ riêng Thụy Văn, trong 14 xã đạt chuẩn NTM của Thái Bình trong năm 2013, nhiều xã có những cách làm hay, sáng tạo, huy động tối đa sức mạnh, sự đồng thuận của nhân dân trong việc góp công, góp sức, tiền của, hiến đất, tự tháo dỡ các công trình để xây dựng NTM có bộ mặt khang trang, đẹp đẽ hơn: Thụy Phúc, Thụy An (Thái Thụy); Thanh Tân, Vũ Tây (Kiến Xương); Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ)… Ðể hoàn thành NTM phải tạo được nhận thức đúng và đồng thuận trong nhân dân. Các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tích cực, chủ động đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Các địa phương, cơ sở chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, nhiều hội nghị, hàng trăm nghìn tờ rơi, panô, áp phích, biển tường được dựng treo.

 

Nhiều tiểu phẩm thơ, văn, các hội diễn văn nghệ quần chúng về đề tài xây dựng NTM được tổ chức ở tất cả các cấp, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động, tạo được sự hưởng ứng, tự giác tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân. Từng nhà, từng người, ai cũng hiểu, trước hết cần phải lo cho chính mình, cho nhà cửa, vườn tược, đồng ruộng của mình; đẹp từ nhà ra cổng, sạch từ nhà ra đường; tham gia liên kết sản xuất, đồng thời tích cực hưởng ứng các phần việc của địa phương, tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động… để xây dựng các công trình. Nơi nào cũng có những tập thể, cá nhân nhiệt tình hưởng ứng phong trào, không còn ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước như trước đây mà tin tưởng, chủ động bắt tay vào từng việc làm cụ thể để xây dựng NTM. Tiêu biểu như cụ Bùi Thị Chén (80 tuổi) xã Ðông Thọ (thành phố Thái Bình) ủng hộ gần 400 triệu đồng; gia đình ông Trần Ðăng Lân, xã Nam Hà (Tiền Hải) đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn…

 

Trong 3 năm (2011 - 2013), cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân các địa phương trong tỉnh đã đóng góp được 506 tỷ đồng bằng tiền, ngày công lao động phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Nhân dân trong tỉnh cũng đã tự nguyện hiến 2.015,5ha đất để dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông và xây dựng các công trình phúc lợi. Nhờ đó, hạ tầng nông thôn có sự đổi thay đáng kể.

 

Ðến tháng 4/2014, trong toàn tỉnh, bình quân đã đạt xấp xỉ 12 tiêu chí/xã, tăng trên 7 tiêu chí/xã so với năm 2010, chỉ còn 52/263 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Mức độ đồng đều ở các xã tốt hơn, mức đầu tư của tỉnh cho 1 xã để đạt chuẩn 19 tiêu chí giảm dần từ hơn 30 tỷ đồng xuống dưới 5 tỷ đồng/xã. Cách làm, cách thức triển khai trong xây dựng NTM ngày càng hoàn thiện, đúng đắn, bền vững hơn do huy động được sức mạnh nội lực trong nhân dân, người dân được quyền quyết định. Tính dân chủ, công khai, minh bạch và đồng thuận trong nhân dân cao hơn. Từ thực tế xây dựng NTM ở Thái Bình cho thấy, muốn huy động mạnh mẽ sức dân, thì phải tuyên truyền vận động tốt, bảo đảm công khai, dân chủ, gần dân, lắng nghe ý kiến dân, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Lưu Ngần

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày