Thứ 3, 23/07/2024, 05:33[GMT+7]

“Dân vận khéo” để xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 04/08/2014 | 07:56:37
2,084 lượt xem
Là thôn còn nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn nhưng sau gần 3 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), cơ sở hạ tầng của thôn Lam Sơn, xã Ðông Thọ (thành phố Thái Bình) đã cơ bản hoàn thành. Ðể có được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền và Ban công tác Mặt trận thôn đã sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng con em xa quê tham gia ủng hộ xây dựng quê hương.

Xây dựng đường giao thông nội đồng theo tiêu chí nông thôn mới ở xã Vũ Hội (Vũ Thư).

Ðến nay, tổng số tiền ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chí NTM của thôn là 1,357 tỷ đồng (chưa kể tiền nhân dân đóng góp theo khẩu).

Về Lam Sơn vào một ngày cuối tháng 7, chúng tôi được đồng chí Phạm Văn Thăng, Bí thư Chi bộ thôn dẫn đi tham quan nhà văn hóa và một số tuyến đường mới được xây dựng theo tiêu chí NTM. Ðược biết, toàn thôn có 1.226m đường trục chính, đến nay đã xây dựng được 1.156m, còn 70m đã giải phóng xong mặt bằng và đang trong quá trình hoàn thành. Với một thôn còn nhiều khó khăn như Lam Sơn, những kết quả đạt được in đậm dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cũng như sự vào cuộc tích cực của Ban công tác Mặt trận thôn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Sau khi triển khai xây dựng NTM, Chi bộ đã họp và ban hành nghị quyết về xây dựng NTM, trong đó có riêng nghị quyết chuyên đề về phát động phong trào toàn dân tham gia hiến đất, hiến công, hiến của xây dựng đường giao thông nông thôn. Sở dĩ có riêng nghị quyết chuyên đề là do Chi bộ xác định đây là tiêu chí khó, đòi hỏi phải huy động nguồn lực lớn, vì vậy cần sự chung tay, góp sức của toàn dân. Tuy nhiên, số hộ trong thôn ít (toàn thôn có 218 hộ với 668 nhân khẩu, trong đó có 10 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo) trong khi khối lượng công việc thì lại nhiều, do đó cần kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ thêm của con em xa quê.

Nhà văn hóa thôn Lam Sơn (xã Ðông Thọ, thành phố Thái Bình).

Sau khi có chủ trương, Chi bộ thôn thống nhất phương pháp thực hiện. Theo đó, ban kiến thiết dưới sự chủ trì của Ban công tác Mặt trận thôn họp bàn, vận động con em xa quê có điều kiện kinh tế ủng hộ bằng cách gửi thư kêu gọi, đến gia đình trao đổi, vận động; Chi bộ, Ban công tác Mặt trận thôn tập trung tuyên truyền vận động, tổ chức họp dân, công khai kế hoạch huy động sự đóng góp của nhân dân; gia đình cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể gương mẫu chấp hành trước, tạo động lực để nhân dân làm theo; tổ chức đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, dỡ bỏ tường dậu, cây lâu năm để mở rộng đường, ủng hộ ngày công, tiền của để xây dựng đường giao thông. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, sau một thời gian tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền thôn đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân (ngoài khoản đóng góp theo khẩu, nhân dân còn hiến 690m2 đất và tham gia 3.270 ngày công lao động).

Ðặc biệt là sự ủng hộ của con em xa quê, tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Huy ở Hà Nội ủng hộ 485 triệu đồng xây dựng tuyến đường dài 350m và xây dựng nhà văn hóa thôn; ông Phạm Văn Ðắc ở Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ 260 triệu đồng; ông Phạm Văn Vận ở thành phố Vũng Tàu ủng hộ 250 triệu đồng; ngoài ra còn rất nhiều gia đình ủng hộ từ 5 triệu đồng trở lên góp phần chia sẻ với người dân trong thôn vốn còn nhiều khó khăn.

Sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và con em xa quê là “chìa khóa thành công” trong xây dựng NTM ở thôn Lam Sơn. Ðây cũng chính là kết quả của quá trình tuyên truyền, vận động hiệu quả của cấp ủy, chính quyền và Ban công tác Mặt trận thôn. Nói về “bí quyết”, đồng chí Bí thư Chi bộ thôn tâm sự: Làm dân vận phải kiên trì, phải luôn sâu sát để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Ðã là cán bộ thì phải chú trọng công tác dân vận. Không khi nào cần đến chúng ta mới làm dân vận. Phải làm dân vận mọi lúc, mọi nơi. Bất cứ khi nào người dân gặp khó khăn, vướng mắc cán bộ phải xuống giải quyết, giúp đỡ kịp thời từ đó mới tạo được lòng tin trong nhân dân, sau này nếu có triển khai nghị quyết hay công việc gì nhân dân mới tin tưởng, ủng hộ. Trong xây dựng NTM cũng vậy!

Cũng giống như nhiều địa phương khác, thôn Nam Hưng, xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn, thách thức. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền thôn, đặc biệt là việc tập trung làm tốt công tác dân vận đã góp phần thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn nơi đây.

Ðường giao thông thôn Nam Hưng (xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình) xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới.

Năm 2011, Nam Hưng triển khai xây dựng NTM với công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Không ít khó khăn, thách thức đặt ra liên quan đến thói quen canh tác của bà con cũng như chất ruộng tốt - xấu, khoảng cách xa - gần. Ngoài ra, khi thực hiện quy hoạch cánh đồng theo tiêu chí mới, có nhiều bờ vùng rộng 6 mặt cắt ngang nên mất nhiều diện tích. Ðây cũng là một trở ngại trong vận động nhân dân hiến đất làm giao thông nội đồng. Trước thực tế đó, Ban Chi ủy, Chi bộ thôn xác định để hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa cần phải làm tốt công tác dân vận. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, Ban Chi ủy đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên phụ trách từng hộ gia đình tập trung tuyên truyền, giải thích chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước về xây dựng NTM để bà con hiểu và tự giác thực hiện.

Bên cạnh việc tuyên truyền, các đảng viên còn có nhiệm vụ phổ biến phương án dồn điền, đổi thửa, đồng thời thảo luận trước một bước để tạo sự đồng thuận nhất định trước khi đưa ra hội nghị toàn thôn. Từ sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhân dân, Ban Chi ủy, Chi bộ thôn đã thống nhất được phương án dồn điền, đổi thửa.

Theo đó, đất được chia làm 3 loại A, B, C. Ðất A là đất màu, nếu hộ gia đình nào lấy đất loại A buộc phải lấy kèm đất loại C. Ðất loại B là đất cấy 2 vụ lúa và có thể làm được cả cây màu. Những hộ gia đình có từ 3 sào trở xuống chỉ được nhận 1 mảnh đất loại B, trên 3 sào được chia 2 mảnh đất loại A và đất loại C. Phương án này giải quyết được tình trạng nhiều hộ gia đình yêu cầu phải có đất làm màu. Các hộ gia đình nhận ruộng loại C và chua trũng, chân tre thì không phải bốc thăm. Quá trình chia ruộng được tổ chức công khai, khách quan, không để xảy ra nhầm lẫn phải bốc thăm lại. Cán bộ, đảng viên gương mẫu, không gắn quyền lợi cá nhân, không làm sai lệch hoặc thiên vị cho gia đình, anh em hoặc bản thân. Hầu hết các hộ gia đình nhận ruộng xong đều yên tâm, phấn khởi. Toàn thôn có 320 hộ nhận ruộng, tỷ lệ hộ nhận 1 mảnh là 131 hộ (đạt 41%), nhận 2 mảnh là 189 hộ (đạt 59%). Tổng số diện tích nhân dân tự nguyện đóng góp để đắp bờ vùng, bờ thửa là 34.832m2, số tiền thuê máy đào đắp trên 100 triệu đồng. Hiện nay cánh đồng thôn Nam Hưng là cánh đồng mẫu của tỉnh với hệ thống bờ vùng, bờ thửa, mương tưới, mương tiêu được xây dựng hoàn chỉnh.

Không chỉ làm tốt công tác dân vận trong dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, cấp ủy thôn Nam Hưng còn sáng tạo trong vận động nhân dân hiến đất, hiến công, hiến của làm đường giao thông nông thôn. Tiêu biểu là việc xây dựng tuyến đường dẫn ra nghĩa trang dài 250m, rộng 3,5m. Ðây là tuyến đường mà cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn mong đợi từ lâu nhưng chưa xây dựng được. Khi triển khai xây dựng con đường, cấp ủy, chính quyền thôn cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng kinh phí đóng góp quá cao. Trước tình hình đó, Chi bộ đã tổ chức nhiều kỳ sinh hoạt để bàn về vấn đề này. Phát huy hiệu quả công tác dân vận, Ban Chi ủy, Chi bộ thôn phân công cho các đồng chí đảng viên trong Chi bộ phụ trách các dòng họ, các hộ gia đình nắm bắt tâm tư, nguyện vọng đồng thời trao đổi, tiếp thu ý kiến đóng góp của bà con; giao nhiệm vụ cho các đảng viên trong các dòng họ phải gương mẫu đi đầu; mời trưởng các dòng họ trong thôn tham gia vận động con cháu ủng hộ việc làm đường. Ðiểm mới trong công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền thôn Nam Hưng đó là đã phát huy được sức mạnh của dòng họ, vai trò, uy tín của các ông trưởng tộc. Nhờ làm tốt công tác dân vận nên chỉ sau 12 ngày vừa vận động vừa tiến hành thi công, con đường đã hoàn thành với tổng số tiền nhân dân đóng góp là 100 triệu đồng. Ngoài việc vận động 100% các hộ của 18 dòng họ đóng góp xây dựng đường ra nghĩa trang, thôn còn vận động được 3 gia đình tự nguyện tháo dỡ 2 cổng, 40m tường bao, hiến 50m2 đất, mỗi khẩu góp 200.000 đồng để mở rộng và làm con đường dẫn vào hội trường thôn.

Kinh nghiệm công tác dân vận trong xây dựng 2 tuyến đường trên tiếp tục được cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận thôn Nam Hưng vận dụng vào quá trình xây dựng nhiều tuyến đường cũng như trong thực hiện các tiêu chí khác của chương trình NTM, góp phần từng bước thay đổi diện mạo làng quê nơi đây.

Ðào Quyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày