Chủ nhật, 19/05/2024, 05:04[GMT+7]

Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 29/08/2014 | 09:08:33
1,492 lượt xem
Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án “Công tác Công an thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020” sát với tình hình thực tế ở địa phương. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng thế trận an ninh nhân dân với thế trận lòng dân vững chắc ngay từ cơ sở, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Lãnh đạo Công an tỉnh kiểm tra công tác bảo đảm an ninh trật tự tại Hưng Hà.

Để thực hiện hiệu quả tiêu chí số 19 về an ninh trật tự, những năm qua, ngành Công an đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Thông tư số 23 của Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Lực lượng công an toàn tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) trong tình hình mới.

Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban, công an các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, không để xảy ra các hoạt động chống Đảng, chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại các mục tiêu, công trình kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng; hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp trong nội bộ nhân dân và các sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Công an tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành tập trung giải quyết dứt điểm khiếu kiện liên quan đến giải phóng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường góp phần ổn định tình hình, không để trở thành điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự xã hội. Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt nhiều chủ trương, giải pháp, tăng cường quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đấu tranh ngăn chặn các vi phạm Nghị định 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ, tết Quý Tỵ năm 2013 và tết Giáp Ngọ năm 2014 toàn tỉnh không xảy ra tình trạng đốt pháo, hai năm liên tục Thái Bình được Chính phủ tặng Bằng khen.

Sau khi Ban Chấp hành  Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02 về “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020” và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh ở khắp các địa phương trong tỉnh. Đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã công nhận 14 xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới; 99 xã đạt từ 13 đến 18 tiêu chí; 149 xã đạt từ 6 đến 12 tiêu chí; 248 xã trong toàn tỉnh (chiếm 93,58%) đạt tiêu chí số 19 về an ninh trật tự. Nhiều xã đạt được những tiêu chí cơ bản, làm thay đổi diện mạo nông thôn, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; tình hình khiếu kiện giảm, không có điểm nóng về ANTT, tội phạm giảm 12,8%, tai nạn giao thông giảm góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Theo đánh giá của Đại tá Hoàng Văn Thái, Phó Giám đốc Công an tỉnh, yếu tố quyết định sự thành công việc xã hội hóa nhiệm vụ bảo vệ ANTT gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Ở đơn vị, địa phương nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết những vướng mắc của nhân dân thì các phong trào phát triển hiệu quả, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, thực hiện nhanh gọn. Ngược lại ở những xã chưa quan tâm đến công tác bảo đảm ANTT thì khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới thường khó khăn, nảy sinh nhiều yếu tố phức tạp.       

Thời gian tới, ngành Công an tiếp tục tham mưu cho các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó nòng cốt là xây dựng mô hình quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải, các mô hình này được duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục, mang tính lâu dài, hiệu quả bền vững. Ngoài ra, lực lượng công an chủ động nắm bắt tình hình, đề xuất các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát với thực tế để giải quyết những tiêu cực nảy sinh trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Nguyễn Tùng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày