Chủ nhật, 19/05/2024, 04:15[GMT+7]

Tây Lương Chuyển mình vươn lên

Thứ 7, 06/09/2014 | 08:14:36
1,604 lượt xem
Xã Tây Lương (Tiền Hải) là một trong những địa phương có nhiều người dân bị chết trong nạn đói năm 1945. Giờ đây, Tây Lương có nhiều đổi mới, cuộc sống của người dân ngày được nâng cao cả về vật chất và tinh thần.

Những đổi thay trên quê hương Tây Lương.

 

Trong cuốn “Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Thái Bình”, xuất bản năm 1986 có ghi: “Năm 1945, cả tỉnh có 280.000 người chết đói, chiếm 25% tổng dân số. Nhiều địa phương bị chết đói trên 50% dân số như xã Tây Lương có 67% dân số bị chết. Cụ thể, thôn Lương Phú số người chết đói lên đến 594 người/1.374 người; xóm Trại thôn Thượng bị “xóa sổ” hoàn toàn với 103 người chết; xóm Bối Xuyên có 40 hộ/51 hộ có người chết đói, trong đó 18 hộ chết cả gia đình. Lần giở những trang sử, những cái tên ở Tây Lương như Lương Phú, Bối Xuyên trong những ngày kinh hoàng của năm Ất Dậu 1945 như lời nhắc nhở hậu thế phải cố gắng vươn lên.

 

Về Tây Lương, xã nằm phía Tây Bắc huyện Tiền Hải, được con sông Trà Lý bồi đắp phù sa, mảnh đất của tận cùng cái đói hơn nửa thế kỷ trước, nay là một vùng quê trù phú, nhà cửa khang trang, san sát bên nhau. Những cánh đồng lúa xanh ngút mắt, thẳng cánh cò bay. Năm 2013, giá trị sản xuất nông nghiệp của Tây Lương đạt 55,18 tỷ đồng, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt 61,03 tỷ đồng, thương mại, dịch vụ đạt 50,99 tỷ đồng.  Vụ xuân năm 2014, xã gieo cấy được 240ha, trong đó lúa lai chiếm tỷ lệ 19,67%, lúa thuần là 40,58%, giống lúa chất lượng cao và nếp các loại chiếm tỷ lệ 39,75%, năng suất bình quân đạt 65,9 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 2.000 tấn. Cây vụ đông như khoai lang, khoai tây, bí và rau màu các loại được Tây Lương quy vùng cụ thể như cây bí trồng ở thôn Trung Tiến, rau màu được phát triển ở thôn Lương Phú, thôn Hiên...

 

Cơ giới hóa nông nghiệp luôn được chú trọng, hiện toàn xã có 4 máy gặt đập liên hợp và 31 máy làm đất cày bừa phục vụ sản xuất. Ðàn gia súc, gia cầm tăng mạnh với tổng đàn hơn 65.000 con, không xảy ra dịch bệnh lớn. Nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước 250.000m2, phần lớn ao hồ được cải tạo và đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, năm 2013, sản lượng cá thịt đạt 180 tấn. Ngành nghề truyền thống của địa phương và sản xuất tiểu thủ công nghiệp được duy trì ổn định, thường xuyên giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động như nghề mộc, nề và cơ khí, góp phần tăng thu nhập, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân. Hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế của Tây Lương trong những năm qua luôn được duy trì và phát triển. Tỷ lệ học sinh đạt thành tích khá, giỏi trong học tập ở các cấp học luôn ở mức cao, riêng cấp THCS tỷ lệ học sinh thi đỗ và đạt học sinh giỏi cấp huyện xếp thứ 7/30 trường trong huyện. Công tác xã hội hóa giáo dục phát huy hiệu quả, 5/5 thôn và 15 dòng họ đã xây dựng được quỹ khuyến học, hội khuyến học xã duy trì nền nếp sinh hoạt và hoạt động tích cực. Toàn xã có trên 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, 5/5 thôn duy trì thường xuyên tổ thu gom rác thải sinh hoạt. Trung tâm học tập cộng đồng đã phối hợp với hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, cùng hội nông dân và các cơ sở thôn, tổ chức triển khai nhiều lớp hướng dẫn, tuyên truyền kiến thức về pháp luật, khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho người dân. Thực hiện chính sách xã hội thông qua công tác “Ðền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc, phụng dưỡng người có công, người tàn tật, hộ nghèo luôn được bảo đảm. Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn 2,93%, thu nhập bình quân của người dân đạt 23,4 triệu đồng/người/năm. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

 

Về xóm Bối Xuyên nay là thôn Trung Tiến, gặp cụ Lại Văn Hằng, năm nay đã 86 tuổi, một trong những nhân chứng cuối cùng của dòng họ Lại trong nạn đói, nghe kể về những câu chuyện cũ như mới xảy ra ngày hôm qua. Cụ tâm sự: Nếu không có Cách mạng, không có Ðảng, không có Bác Hồ thì chắc chắn nhân dân không thoát khỏi nạn đói, không thoát khỏi nạn ngoại xâm, không có cuộc sống ấm no, không được thấy quê hương ngày một đổi mới như ngày hôm nay. Thôn Lương Phú, một trong những địa danh được nhắc đến trong nạn đói năm xưa, giờ đây đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Trong thôn rộn rã tiếng máy bào, máy cưa của những xưởng mộc, ngoài bến tấp nập xe vận tải, thuyền chở cát đá, những ngôi nhà tầng khang trang của người dân mọc lên, những cửa hàng kinh doanh nhộn nhịp mua bán bên đường 39B dẫn lên cầu Trà Lý. Phòng khám Ða khoa Lương Phú và Trung tâm Kinh doanh dịch vụ  - Thương mại tổng hợp đang được gấp rút xây dựng để đi vào phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế của xã.

 

Ðến hết năm 2013, Tây Lương đã hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Tây Lương đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ về đích NTM. Ông Tạ Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tây Lương chúng tôi phải cố gắng, quyết tâm và còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng thành công NTM, mang lại đời sống ấm no cho người dân, nhưng chắc chắn với truyền thống quê hương cách mạng, với nỗ lực, ý chí trong lao động sản xuất chúng tôi sẽ thành công.

 

Tây Lương đang chuyển mình mạnh mẽ, thực hiện xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, xây dựng thành công NTM. Nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai. Ðó cũng là bài học nhắc nhở mỗi chúng ta ngày hôm nay luôn có ý thức, trách nhiệm giữ gìn và phát huy những thành quả cách mạng mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp.

Trịnh Cường

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày