Thứ 6, 22/11/2024, 00:46[GMT+7]

Thôn Khống “Dân vận khéo” để xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 30/10/2014 | 09:03:49
1,274 lượt xem
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền thôn Khống, xã Phúc Khánh (Hưng Hà) luôn chú trọng công tác “Dân vận khéo”, phát huy hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở nên ngày càng tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đường giao thông thôn Khống, xã Phúc Khánh (Hưng Hà) xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới.

Thôn Khống có 117 hộ với gần 400 nhân khẩu, Chi bộ Đảng có 23 đảng viên. Nhân dân sống chủ yếu bằng cây lúa và cây màu vụ đông nên đời sống còn khó khăn. Trên cơ sở phát huy tinh thần dân chủ và tính gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, những năm qua, Chi ủy, Chi bộ thôn Khống đã gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tập hợp quần chúng nhân dân thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư.

Năm 2011, thôn Khống triển khai xây dựng NTM với nhiệm vụ dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng. Ngay khi có sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, Chi bộ thôn đã họp bàn và ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện. Chi bộ đã thành lập tiểu ban dân vận và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên phụ trách các hộ gia đình tập trung vận động, tuyên truyền theo hướng gần dân, sát dân nhằm giải thích chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM để bà con hiểu và tự giác thực hiện; tổ chức các cuộc họp dân để phổ biến chủ trương, bàn bạc, thống nhất phương pháp, cách thức tiến hành. Bên cạnh việc tuyên truyền, cấp ủy, chính quyền thôn còn quán triệt đến cán bộ, đảng viên phổ biến phương án dồn điền, đổi thửa, đồng thời đưa ra bàn bạc kỹ lưỡng tại nhiều cuộc họp chi bộ, họp thôn.

Lúc đầu, công tác vận động nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa gặp không ít khó khăn do chất lượng ruộng đất của thôn không đồng đều nên một bộ phận người dân chưa hiểu rõ, ngại khi dồn điền nhận phải thửa ruộng xấu. Trước khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền thôn kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích việc dồn điền, đổi thửa là để khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo điều kiện để hình thành các vùng sản xuất tập trung, thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất. Với phương châm “dễ làm trước”, Chi ủy, Chi bộ thôn chọn các gia đình cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh và những người dễ vận động giải thích cho bà con hiểu, ủng hộ chủ trương rồi từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa sang các hộ dân khác. Sau khi có sự đồng thuận của nhân dân, thôn xây dựng kế hoạch chuyển đổi, tiến hành đo đạc, đánh giá phân loại các hạng đất, sau đó sắp xếp trên sơ đồ, kịp thời giao ruộng cho nhân dân, bảo đảm không ảnh hưởng đến mùa vụ. Bằng cách làm trên, nếu như trước đây, mỗi hộ có trung bình 7 - 8 thửa ruộng rải rác ở nhiều xứ đồng thì nay giảm còn 1 - 2 thửa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên toàn thôn đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 20ha, bình quân mỗi hộ có 1,76 thửa. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp mỗi khẩu 16m2 đất nông nghiệp, 200.000 đồng để làm bờ vùng, bờ thửa.

Không chỉ làm tốt công tác dân vận trong dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, cấp ủy thôn Khống còn vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng. Bằng việc huy động nguồn lực to lớn từ nhân dân, tranh thủ sự hỗ trợ xi măng của tỉnh, đến nay toàn thôn đã cứng hóa được 969m đường trục thôn; 1,7km đường giao thông nội đồng 454m máng; huy động từ nhân dân 1.280 triệu đồng, 5.762m2 đất nông nghiệp và 917 ngày công lao động.

Đồng chí Phạm Văn Ảnh, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khống cho biết: “Qua tuyên truyền, vận động xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền thôn luôn đề cao quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân. Trước khi thực hiện một chương trình, kế hoạch, thôn đều tổ chức họp để nhân dân bàn bạc; người dân thấy được trách nhiệm và quyền lợi của mình thì đồng tình, ủng hộ rất cao”.

Trong sản xuất nông nghiệp, Chi bộ thôn đã dành nhiều thời gian lãnh đạo, chỉ đạo, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và tổ chức gieo cấy đúng thời vụ. Năm 2014, thôn gieo cấy bằng các giống ngắn ngày như BC15, TBR1, Hương thơm, Bắc thơm, TBR 225, Thiên ưu 8. Kinh tế VAC phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Hầu hết các gia đình đã đầu tư vốn xây dựng chuồng trại, cải tạo vườn tạp, ao hoang để chăn nuôi gia súc, gia cầm và thả cá, mỗi năm thu lãi hàng chục triệu đồng. Điển hình có hộ gia đình các ông Đặng Văn Dung, Vũ Văn Tuệ, Đặng Văn Dũng, Phạm Văn Hùng phát triển gia trại chăn nuôi lợn với 50 đầu lợn/hộ, thu nhập hàng năm từ 50 - 80 triệu đồng. Cùng với phát triển nông nghiệp, thôn Khống đã mạnh dạn đưa nghề về. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phá thế độc canh cây lúa, đến nay thôn có 32 máy dệt vải, 1 guồng máy sợi, 30 máy may khăn xuất khẩu, 4 máy làm đất, 28 máy bơm xăng xách tay, 5 lò ấp trứng.

Nhờ thực hiện nghiêm phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đến nay cơ sở vật chất ở thôn Khống đã được xây dựng khang trang, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người/năm, số hộ khá, giàu ngày một tăng, số hộ nghèo giảm chỉ còn gần 2% số hộ trong thôn; tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, Chi bộ Đảng nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh.

Nguyễn Hậu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày