Chủ nhật, 05/05/2024, 22:31[GMT+7]

Thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở Yếu tố quan trọng tạo sự đồng thuận xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 19/12/2014 | 09:09:29
1,082 lượt xem
Ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành “Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”. Ngay sau khi Pháp lệnh được ban hành, 100% cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên đã tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú đa dạng.

Xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Ngọc Linh

Để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức tập huấn cho hàng nghìn lượt cán bộ Mặt trận và thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng về những nội dung mới, nhiệm vụ mới trong hoạt động giám sát của Mặt trận. Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các quy định về thủ tục hành chính, các chế độ chính sách với người có công, những vấn đề nhạy cảm như đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, bình xét hộ nghèo đã được nhiều địa phương công khai dưới nhiều hình thức để nhân dân biết, nhân dân bàn, nhân dân thực hiện.

Với đặc thù là một tỉnh thuần nông, 90% dân số là nông dân, chương trình xây dựng nông thôn mới là cơ hội để Thái Bình bứt phá, tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp, nông dân Thái Bình phát triển bền vững. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của nhân dân đã có chuyển biến căn bản: từ chỗ coi xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước thành nhận thức xây dựng nông thôn mới là “công việc của dân, do dân làm chủ, dân thực hiện và dân hưởng lợi”. MTTQ đã tổ chức trên 5.000 cuộc họp ở khu dân cư để lấy ý kiến nhân dân tham gia vào quy hoạch tổng thể, quy hoạch đất đai, quy vùng sản xuất hàng hóa. Những vấn đề liên quan đến lợi ích trực tiếp của nông dân như “dồn điền, đổi thửa” có khu dân cư đã tổ chức từ 5 đến 6 cuộc họp mới tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao.

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn ngân sách, bên cạnh việc kiến nghị với UBND tỉnh đổi mới các cơ chế chính sách hỗ trợ cho phù hợp với thực tiễn (các Quyết định số 02, 09, 19 của UBND tỉnh), MTTQ cùng với các tổ chức thành viên đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy cao độ tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tranh thủ người có uy tín ở địa bàn dân cư phụ trách các thôn, các hộ gia đình, tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người dân “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” người hiến kế, người hiến công, người hiến tiền của, vật liệu. Một trong những phương pháp hiệu quả để huy động sức dân là phát huy dân chủ ở cơ sở, khuyến khích lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân, mọi công việc đều do nhân dân bàn bạc, dân quyết định mức đóng góp, các nguồn lực do dân đóng góp, dân trực tiếp quản lý, giám sát, thi công, thu chi tài chính minh bạch, công khai, dân được hưởng thụ thành quả do chính mình làm ra tránh được những hoài nghi, bức xúc, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi ở khắp các địa phương. Thông qua hoạt động giám sát của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng 286 xã, phường, thị trấn đã thu thập được nhiều thông tin, tổng hợp ý kiến phản ánh với Ban chỉ đạo cùng cấp. Việc thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng các công trình đào đắp giao thông thủy lợi, các công trình phúc lợi công cộng, việc sử dụng các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nguồn lực đóng góp của nhân dân, các công trình dân sinh được giám sát đảm bảo chất lượng, tiến độ, hạn chế thất thoát sai phạm.

Từ những thành công ban đầu và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, MTTQ các địa phương đã ra lời kêu gọi vận động các doanh nghiệp, con em xa quê ủng hộ xây dựng nông thôn mới: xã Thanh Tân (Kiến Xương), xã Đông Sơn (Đông Hưng) con em ủng hộ hàng chục tỷ đồng... xã Bình Định (Kiến Xương) hoàn thành 19 tiêu chí, về đích năm 2013, trong khi nguồn lực do nhân dân đóng góp còn dư trên 4 tỷ đồng...  Nhiều xã đã lập sổ vàng truyền thống ghi công, cổ vũ, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm, nhân dân các địa phương đóng góp 71,7 triệu ngày công, 283,5 tỷ đồng, con em xa quê đóng góp 462,7 tỷ đồng, tự nguyện hiến trên 2.000ha đất để xây dựng đường giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi. 72 xã đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí, hàng trăm xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí; diện mạo nông thôn Thái Bình đang từng bước khởi sắc, đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động nhân dân thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, các hoạt động tiếp xúc cử tri thường xuyên được đổi mới theo chuyên đề, theo nhóm đối tượng, tiếp xúc trực tiếp tại khu dân cư, theo địa bàn, ưu tiên người trực tiếp lao động sản xuất... qua đó nắm bắt được nhiều ý kiến, góp ý, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, họ chính là chủ thể của công cuộc đổi mới, động viên, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mọi người dân, khu dân cư trong triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, củng cố niềm tin và mối quan hệ gắn bó với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Diện mạo nông thôn mới khởi sắc, quốc phòng an ninh được tăng cường, khẳng định Pháp lệnh ban hành đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy được hiệu quả thiết thực. Thực hiện Pháp lệnh dân chủ đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, nâng cao vai trò, uy tín của MTTQ các cấp, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh.

Nguyễn Thị Hoa

(Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày