Thứ 6, 03/05/2024, 08:33[GMT+7]

Thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Từ mục tiêu đến hiện thực

Thứ 4, 31/12/2014 | 09:49:13
1,599 lượt xem
Với sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cùng với những cách làm chủ động, sáng tạo với quan điểm chỉ đạo “dân là chủ thể”, quá trình xây dựng nông thôn mới đã có bước phát triển đột phá, tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn NTM, vượt xa mục tiêu Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đề ra.

Trụ sở hành chính xã Minh Quang (Vũ Thư).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh ta đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, quy định quan trọng; trong đó phải kể đến Nghị quyết chuyên đề - Nghị quyết số 02 ngày 28/4/2011 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh. Với sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cùng với những cách làm chủ động, sáng tạo với quan điểm chỉ đạo “dân là chủ thể”, quá trình xây dựng nông thôn mới đã có bước phát triển đột phá, tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn NTM, vượt xa mục tiêu Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đề ra.

 

Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 đặt mục tiêu đến năm 2013 toàn tỉnh có 8 xã đạt chuẩn NTM, đến năm 2015, tất cả các xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, trong đó có 70 xã trở lên hoàn thành xây dựng NTM. Song thực tế, năm 2013 toàn tỉnh có 14 xã đạt chuẩn NTM (vượt 6 xã so với mục tiêu đề ra); hết năm 2014 có thêm 71 xã đạt chuẩn NTM (vượt cả về tiến độ thời gian - vượt trước 1 năm và cả về số lượng xã - vượt 15 xã).

 

 

Ðể đạt được kết quả vượt trội này, từ những kinh nghiệm của 8 xã điểm, tỉnh ta đã triển khai xây dựng NTM ở tất cả các xã còn lại. Năm 2013, nhiều xã không nằm trong 8 xã điểm nhưng đã bứt phá vươn lên về đích sớm. Một trong những kinh nghiệm quan trọng thực hiện thành công xây dựng NTM rút ra từ kết quả bước đầu chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt ở cơ sở được nâng cao. Ngay từ đầu năm 2014, tỉnh đã tổ chức rà soát, tổng hợp 78 xã yếu trong xây dựng NTM, phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên, lãnh đạo các sở, ngành phụ trách và trực tiếp theo dõi, phối hợp chỉ đạo, giúp đỡ. Từ huyện tới xã đều xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu cụ thể, phân công cán bộ trực tiếp phụ trách, kiểm tra, đôn đốc xây dựng NTM ở từng cơ sở, lấy kết quả xây dựng NTM để đánh giá cán bộ.

 

Từ đầu năm 2014, tỉnh đã chỉ đạo các huyện rà soát, tổng hợp các xã đăng ký về đích trong năm, trên cơ sở đó có kế hoạch bố trí nguồn lực phù hợp. Cùng với chính sách hỗ trợ xi măng cho các địa phương, tỉnh đã phân bổ 194,3 tỷ đồng hỗ trợ 59/76 xã đăng ký về đích năm 2014 đầu tư xây dựng NTM. Hai buổi đối thoại trực tiếp trên truyền hình được tổ chức để các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NTM ở các địa phương. Ðồng thời, tỉnh ta sớm ban hành các quy chế, chính sách, kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện của tỉnh. Quyết định số 09/2011/QÐ-UBND ngày 16/8/2011, Quyết định số 02/2013/QÐ-UBND, đặc biệt là Quyết định số 19/2013/QÐ-UBND ngày 7/11/2013 của UBND tỉnh cho thấy cơ chế, chính sách xây dựng NTM ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; tình trạng trông chờ, ỷ lại được khắc phục, huy động nội lực của người dân, tạo phong trào rộng khắp, phát huy những nhân tố tích cực, cách làm sáng tạo ở các địa phương.

 

  • Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới năm 2014 (bao gồm cả tiền, ngày công, đất, tài sản, hiện vật quy ra tiền) khoảng 6.323 tỷ đồng
  • Từ năm 2011 đến tháng 10/2014 đã xây mới, chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp

- 4.713,8km đường giao thông các loại

- 28 trạm bơm, 248 cống đập

- 20 trạm cấp nước sạch, 22 bãi xử lý rác thải

- 43 trường trung học cơ sở, tiểu học, 51 trường mầm non

- 14 trụ sở xã, 27 nhà văn hóa xã, 867 nhà văn hóa thôn

- 171 trạm y tế xã

- 44 chợ nông thôn

 

Cùng với 770.000 tấn xi măng hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã phát huy dân chủ cơ sở, huy động nguồn lực trong dân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Khối lượng các công trình được xây dựng trong năm 2014 ước bằng 3 lần khối lượng các công trình xây dựng trong 3 năm (2011 - 2013) cộng lại. Song song với phát triển hạ tầng, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân thường xuyên được quan tâm. Ðến nay, toàn tỉnh đã hình thành 143 cánh đồng mẫu với diện tích 6.072ha, trong đó 115 cánh đồng mẫu với diện tích 4.808ha có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. 99 xã quy hoạch 137 khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 1.964ha, hiện có 690 trang trại trong đó có 69 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tăng 37 trang trại so với năm 2010. Về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 898 máy gặt, 630 máy làm đất, 15 máy cấy, 21 máy gieo sạ lúa, 22 máy gieo đậu tương, 13 máy lên luống, 1.650 công cụ sạ hàng, 18 kho lạnh với tổng kinh phí hơn 130 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 còn 3,32%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 1,9 triệu đồng/tháng, tăng 1,66 lần so với năm 2010, trong đó có 222 xã đạt tiêu chí về thu nhập, 110 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo.

 

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay các tiêu chí NTM ở các xã đã tăng lên đáng kể, bình quân đạt 13 tiêu chí/xã, tăng 8 tiêu chí/xã so với năm 2010. Ðể hoàn thành mục tiêu năm 2015 toàn tỉnh có 130 xã trở lên và 1 huyện đạt chuẩn quốc gia về NTM, cùng với việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, tổ chức rà soát các xã đăng ký về đích năm 2015, tỉnh tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế hỗ trợ xi măng phù hợp với tình hình thực tế.

 

Diện mạo nông thôn đã bừng sáng trên khắp các làng quê. Một mùa xuân mới sắp đến, Thái Bình cũng đang tiến dần tới đích trở thành tỉnh nông thôn mới.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh

Quyết định số 19/QÐ-UBND ngày 7/11/2013 của UBND tỉnh về hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới được nhân dân trong tỉnh phấn khởi và tích cực đón nhận. Các địa phương chưa được đầu tư nhiều trong xây dựng nông thôn mới coi đây như “cơ hội vàng”, là cú hích mạnh mẽ giúp các xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí còn lại, tạo tiền đề cho việc hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 02 và Ðề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020.

 

Ông Nguyễn Hữu Mạnh, Chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Vũ Thư

Tuy không nằm trong 59 xã được tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng nông thôn mới nhưng với sự sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; có cách làm sáng tạo để phát huy phong trào quần chúng, quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện tốt các nguồn vốn lồng ghép và đặc biệt là đã huy động được sự tham gia ủng hộ của các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, Minh Quang đã từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành xây dựng và được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đợt 1 năm 2014.

 

Bà Bùi Thị Tào, thôn Kinh Nậu, xã Ðông Kinh, huyện Ðông Hưng

Con đường dẫn ra đồng khi thực hiện xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới vẫn còn một đoạn dài 85m qua nhà tôi chưa được bê tông hóa. Mặc dù còn nợ 40 triệu đồng tiền xây nhà, song tôi đã vay mượn gần 10 triệu đồng, vận động thêm sự ủng hộ của nhân dân, cộng với khối lượng xi măng hỗ trợ của tỉnh để bê tông hóa đoạn đường trên. Tôi và bà con rất vui vì đã có một con đường hoàn thiện, vừa to đẹp, vừa phục vụ thuận tiện cho bà con đi lại, sản xuất.

Lưu Ngần

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày