Thứ 6, 22/11/2024, 00:33[GMT+7]

Điện lực Quỳnh Phụ chung sức xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 24/03/2015 | 08:19:35
1,959 lượt xem
Ðể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trên địa bàn huyện, Ðiện lực Quỳnh Phụ đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.

Công nhân Ðiện lực Quỳnh Phụ chuẩn bị vật tư phục vụ công tác sửa chữa, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn.

 

Sau 7 năm tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LÐHANT), Ðiện lực Quỳnh Phụ đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để thay công tơ chết kẹt, xử lý các mối tiếp xúc, thay các dây nèo không bảo đảm tiêu chuẩn, thay xà sứ nứt vỡ, dây dẫn, bổ sung tiếp địa lặp lại, giải phóng hành lang và sửa chữa, cải tạo một phần đường dây quá cũ nát, mất an toàn. Theo Giám đốc Ðiện lực Quỳnh Phụ Vũ Nhâm Thành, từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Ðiện lực Quỳnh Phụ đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện 0,4 kV của 19 xã với nguồn vốn từ 5 - 7 tỷ đồng/xã từ các dự án RE2.2, RE2.3, RE2.5; các xã còn lại, bằng nguồn vốn sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên cũng đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ 30% trước tiếp nhận xuống còn 11% năm 2014. Một trong những thay đổi dễ nhận thấy sau khi LÐHANT được bàn giao cho ngành điện quản lý bán lẻ đến hộ dân là số lần cũng như thời gian mất điện của khách hàng giảm; trước khi cắt điện đều có thông báo trên hệ thống loa truyền thanh; người dân được mua điện đúng với giá điện do Chính phủ quy định…

 

Trước tháng 12/2013, tình trạng mất an toàn lưới điện trên địa bàn xã Quỳnh Ngọc xảy ra khá thường xuyên, như dây điện mắc chằng chịt, chồng chéo, mắc tạm bợ trên các cột tre, nứa. Nhiều đường dây điện do các cột đã xuống cấp nên nằm sát bụi cây ven đường hoặc sát mái nhà dân. Do đó tỷ lệ tổn thất điện năng rất cao, từ 25 - 30%, trong khi tỷ lệ tổn thất trung bình toàn tỉnh khoảng 11%. Chất lượng điện áp yếu không bảo đảm cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân, nhất là vào giờ cao điểm. Trước thực trạng đó, nhân dân và chính quyền xã Quỳnh Ngọc có nguyện vọng bàn giao lưới điện cho Công ty Ðiện lực Thái Bình quản lý, đầu tư nâng cấp và bán điện trực tiếp xuống hộ gia đình. Ngay sau khi tiếp nhận, đầu năm 2014, Công ty Ðiện lực Thái Bình đã đầu tư trên 8,5 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp, thay mới hệ thống đường dây, cột điện, hòm công tơ… đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ổn định, liên tục, an toàn của người dân. Tỷ lệ tổn thất giảm từ 24,14% trước tiếp nhận xuống còn dưới 10% năm 2014. Quỳnh Ngọc đã đạt tiêu chí điện trong xây dựng NTM. Ông Nguyễn Văn Hoàng (thôn Bương Hạ Tây) cho biết: Trước đây, việc sử dụng điện ở khu dân cư thường xuyên mất ổn định, nhất là vào các giờ cao điểm. Việc xử lý sự cố cũng không được kịp thời, dây dẫn lại cũ nát nên gây mất an toàn. Từ khi lưới điện được bàn giao về cho ngành điện quản lý, những hạn chế trên đã được khắc phục. Hơn 1 năm trước, điện rất yếu, giờ cao điểm nấu cơm không chín, quạt không quay, đèn điện không sáng. Giờ đây, với hệ thống đường dây, cột điện được đầu tư mới, chất lượng điện được cải thiện, không còn hiện tượng chập chờn như trước. Sau hơn 3 năm xây dựng, An Ðồng đã cán đích xã NTM. Theo đồng chí Bùi Mạnh Ưu, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã, một trong những đổi thay dễ nhận thấy nhất của nông thôn An Ðồng là hệ thống điện, đường, trường, trạm. Với khoản đầu tư hơn 7 tỷ đồng của ngành điện, đến nay chất lượng điện áp của An Ðồng luôn ổn định, không chỉ phục vụ thắp sáng mà còn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Ðến nay, thu nhập bình quân của người dân An Ðồng đạt gần 30 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,95%, thấp nhất huyện.

 

Chất lượng lưới điện ở các địa phương của huyện Quỳnh Phụ đã thực sự đổi thay, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ðến nay, 100% các xã do ngành điện quản lý đều đạt tiêu chí điện trong xây dựng NTM.

Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày