Chủ nhật, 05/05/2024, 01:11[GMT+7]

Dấu ấn văn hóa nông thôn mới ở Thành Tân

Thứ 2, 24/08/2015 | 09:04:11
1,670 lượt xem
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 20% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Bên cạnh những nét chung mà bất cứ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới nào cũng có, ở xã Thanh Tân (Kiến Xương) có những nét văn hóa rất riêng, không dễ tìm ở những địa phương khác.

Thư viện xã Thanh Tân.

Phát huy hiệu quả tuyên truyền của hệ thống loa truyền thanh xã
Ở Thanh Tân, vào mỗi sáng sớm hay chiều muộn, trước khi loa truyền thanh xã phát đi những bản tin, những bài phản ánh, những thông báo tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, người dân trong xã lại được nghe ca khúc “Thanh Tân biết mấy yêu thương” hay “Thanh Tân khúc hát nghĩa tình”. Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đây là những bài hát có nội dung ca ngợi quê hương Thanh Tân đổi mới, được các ca sĩ nổi tiếng thể hiện. Việc phát thanh những ca khúc này ngoài mục đích thông báo đến người dân đã đến giờ phát thanh của Đài Truyền thanh xã còn nhằm khơi dậy tình yêu quê hương của nhân dân địa phương, hướng mỗi người dân Thanh Tân vào việc ra sức lao động, học tập, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Bên cạnh những ca khúc trữ tình, ngợi ca quê hương Thanh Tân giàu đẹp, khi một người trong xã qua đời, trước khi thông báo nội dung tin buồn, từ hệ thống loa truyền thanh của xã sẽ phát đi khúc nhạc đàn bầu trầm buồn. Người dân trong xã cho biết, mỗi khi nghe âm thanh ấy, họ thường dừng các công việc để lắng nghe, đến thăm hỏi, động viên gia đình có người quá cố.

Nhà văn hóa lưu giữ thành tựu nổi bật
Xây dựng nhà văn hóa truyền thống lưu giữ những thành tựu nổi bật của địa phương là việc rất ít xã trên địa bàn tỉnh làm được. Song thông qua nguồn ngân sách của địa phương, của nhân dân trong xã và con em xa quê đóng góp, năm 2006, nhà văn hóa truyền thống xã Thanh Tân chính thức khởi công xây dựng. Năm 2009, công trình khánh thành và đi vào sử dụng. Đây là công trình có thiết kế vừa truyền thống vừa hiện đại, nội dung trưng bày chia làm 3 phần: truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học và truyền thống xây dựng phong trào. Trong phần truyền thống cách mạng có lưu ảnh các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ, những người có công lớn với cách mạng và danh sách các thương binh, bệnh binh, những người bị nhiễm chất độc da cam/điôxin của xã. Trong phần truyền thống hiếu học lưu ảnh con em của địa phương thành đạt trên các lĩnh vực và danh sách những người trong xã đỗ đại học, cao đẳng. Phần truyền thống xây dựng phong trào lưu ảnh cán bộ lãnh đạo xã qua các thời kỳ và những bằng khen, giấy khen, cờ thi đua… xã đạt được từ khi thành lập (năm 1955) đến nay.

Ông Phan Đại Hạ, cán bộ văn hóa xã Thanh Tân cho biết: Qua 7 năm khánh thành và đi vào sử dụng đã có 700 - 800 đoàn khách trung ương và địa phương, khách quốc tế đến tham quan, học tập xây dựng nhà văn hóa truyền thống của xã. Với người dân địa phương khi đến với nhà văn hóa truyền thống, nhìn thấy tên mình, ảnh mình, người thân trong gia đình mình được treo trân trọng, ghi nhận công lao, đóng góp cho quê hương, đất nước đều rất xúc động, từ đó tích cực góp công, góp của, góp sức, phấn đấu lao động, học tập, phát huy truyền thống của gia đình, quê hương, xứng đáng với thế hệ cha anh đi trước.

Thư viện xã góp phần phát triển văn hóa đọc ở nông thôn
Với trên 2.000 cuốn sách, tạp chí bao gồm các loại: chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, tiếng Anh, văn học, y học, truyện tranh… thư viện xã Thanh Tân luôn thu hút rất đông người dân địa phương đến đọc sách, mượn sách, góp phần phát triển văn hóa đọc ở nông thôn. Ông Phạm Đức Thành, người quản lý thư viện cho biết: Là xã có số lượng giáo chức về hưu khá đông nên khi thư viện  ra đời, xã đã thành lập được câu lạc bộ đọc sách với gần 50 hội viên. Cứ vào 14 - 16 giờ thứ ba và thứ năm hàng tuần, các thành viên phụ trách, thành viên tích cực trong câu lạc bộ đọc sách ở các thôn sẽ lên thư viện xã mượn, trả sách cho thành viên trong thôn. Thời gian tới, xã có kế hoạch mở rộng thư viện, tạo không gian đọc tại chỗ cho các độc giả thuộc mọi lứa tuổi.

Là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, Thanh Tân ngày nay mang một diện mạo mới, sức sống mới. Điều đó có được là do cấp ủy, chính quyền nơi đây luôn sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đến chất lượng cuộc sống của nhân dân địa phương, đặt nhiệm vụ phát triển văn hóa của địa phương ngang hàng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.

Vũ Hường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày