Thứ 7, 21/12/2024, 20:04[GMT+7]

Đổi thay nhờ phát huy dân chủ

Thứ 2, 07/09/2015 | 08:46:50
1,278 lượt xem
Từ điểm nóng toàn quốc về mất ổn định chính trị những năm 1997 - 1999, hiện nay, Thái Bình trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Kết quả đó ghi đậm dấu ấn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Làng quê Thăng Long (Đông Hưng).

 

Chúng tôi về Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) khi xã đã về đích nông thôn mới. Chứng kiến những đổi thay hôm nay, ít ai nghĩ rằng Quỳnh Hoa từng là một trong những điểm nóng của tỉnh về mất ổn định chính trị những năm trước đây mà nguyên nhân cơ bản là việc thực hiện dân chủ trong quản lý, điều hành của chính quyền địa phương chưa đầy đủ nên không tạo được sự thống nhất trong Ðảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Từ bài học xương máu trong quá khứ, Quỳnh Hoa hôm nay đã vươn lên trở thành xã nông thôn mới, đạt nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng lên. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hoàn, Phó Bí thư Ðảng ủy xã, đạt được kết quả đó là do cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân được phát huy quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mọi chủ trương sau khi được Ðảng ủy thống nhất, chính quyền tổ chức công khai đến nhân dân thông qua các kỳ họp HÐND, tiếp xúc cử tri, các cuộc họp thôn, niêm yết trên các bảng tin, thông báo trên hệ thống truyền thanh… Những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân đều do nhân dân tham gia bàn bạc, góp ý và đưa ra những giải pháp thực hiện. Chính vì vậy đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Cùng với Quỳnh Hoa, hầu hết các địa phương khác trong tỉnh đều thực hiện tốt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới đều được thực hiện công khai, minh bạch. Nhân dân được thảo luận, bàn bạc và thống nhất xây dựng phương án, đề án chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng, phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới. Ðồng chí Nguyễn Xuân Ðường, Bí thư Chi bộ thôn Tam Lạc 2, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình cho biết: Trong làm đường giao thông nông thôn, sau khi tổ chức khảo sát, quy hoạch, xây dựng chương trình cụ thể đã tổ chức nhiều cuộc họp thôn để nhân dân tham gia bàn bạc và đóng góp ý kiến, từ đó phát huy vai trò chủ thể của nhân dân. Nhờ đồng thuận, thống nhất với chủ trương, nhân dân đã gương mẫu hoàn thành các khoản đóng góp, tự nguyện tháo dỡ tường bao, hiến hàng trăm mét vuông đất, rải nhựa tuyến đường dài 1.080m với kinh phí gần 1 tỷ đồng và bê tông hóa 10 tuyến đường trong khu dân cư, góp phần đưa Vũ Lạc về đích nông thôn mới cuối năm 2014 (hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch).

 

Có thể nói, chính sự đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân là yếu tố then chốt quyết định tiến độ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh. Ðến nay, tỉnh ta đã có 85 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 165 xã về đích, vượt 95 xã so với mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

 

Cùng với chú trọng phát huy dân chủ trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, các địa phương còn tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, các đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Người dân được tham gia đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên và công chức về đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Ðảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay”; tham gia xây dựng hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng đều được lấy ý kiến nhân dân. Các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trước khi HÐND, UBND quyết định, nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến, vì vậy khi triển khai các nghị quyết, quyết định đều được nhân dân đồng tình ủng hộ và có tính khả thi cao.

 

Nhìn chung, việc thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua đã góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn trong đời sống xã hội ở cơ sở từng bước được mở rộng, các quyền làm chủ của người dân không ngừng được nâng lên, niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng được củng cố; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh, quốc phòng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo tiền đề cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 

Đào Quyên - Thanh Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày