Thứ 4, 24/07/2024, 22:33[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Ðông Hưng- Càng khó càng quyết tâm

Thứ 2, 23/11/2015 | 09:25:04
1,197 lượt xem
Từ chỗ xếp ở tốp cuối của tỉnh, với tinh thần “Càng khó, càng quyết tâm”, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Ðông Hưng đã bứt phá vươn lên, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh trong xây dựng nông thôn mới.

Cơ giới hóa trên đồng ruộng Đông Hưng.

 

Nhiều cách làm sáng tạo

 

Ðồng chí Vũ Ðức Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Ðông Hưng cho biết: Năm 2009, 42 xã xây dựng NTM của Ðông Hưng mới đạt 214 tiêu chí. Ðể huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, Thường trực Huyện ủy giao Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện rà soát, dự kiến khả năng hoàn thành các tiêu chí của từng xã. Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức hội nghị đối thoại giải quyết khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản. Quá trình thực hiện, những đơn vị, cá nhân có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc, gây phiền hà cho cơ sở, Thường trực Huyện ủy phê bình, nhắc nhở hoặc điều chuyển sang làm công việc khác. Xác định chỉ đạo xây dựng NTM phải quyết liệt nhưng làm đến đâu phải chắc đến đó, không đầu tư dàn trải, không nóng vội, chạy theo thành tích, các xã của Ðông Hưng đăng ký về đích NTM trong năm 2014 với điều kiện phải đạt từ 15 đến 17 tiêu chí, cần ít ngân sách đầu tư. Ðịnh kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy, các ngành chức năng xuống từng xã nghe báo cáo các giải pháp thực hiện từng tiêu chí, hỗ trợ giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Huyện cũng phân công trách nhiệm cho đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, mỗi đồng chí phụ trách một số tiêu chí, tập trung vào 2 tiêu chí cần nhiều kinh phí và khó thực hiện là giao thông và thủy lợi. Quá trình thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy có những chủ trương chỉ đạo linh hoạt, mang tính đột phá như: Ðiều chỉnh cơ chế quản lý xây dựng cơ bản của công trình nhóm 2 sang nhóm 1 để nhân dân trực tiếp quản lý, thi công, vừa tiết kiệm khoảng 30% chi phí đầu tư vừa rút ngắn được thời gian xây dựng. Trích ngân sách huyện hỗ trợ những xã đăng ký về đích NTM năm 2014 là 400 triệu đồng/xã, năm 2015 là 500 triệu đồng/xã để hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông và tiêu chí số 3 về thủy lợi, đồng thời căn cứ điều kiện cụ thể từng xã để hỗ trợ xây khu xử lý rác thải tập trung, trường học, trạm y tế… Phát động cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang đóng góp ngày lương để ủng hộ xây dựng NTM, đến nay tất cả các cơ quan, đơn vị và 42 xã đã triển khai thực hiện.

 

Đậm dấu ấn sức dân

 

 

Cánh đồng 4 vụ của xã An Châu (Ðông Hưng).

 

Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sức dân chính là nội lực xây dựng NTM ở Ðông Hưng. Ðồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã An Châu khẳng định: Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền cộng với cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, quyết định của huyện điều chỉnh cơ chế quản lý xây dựng cơ bản của công trình nhóm 2 sang nhóm 1 đã giúp An Châu huy động tối đa sức dân xây dựng NTM. Nhân dân trực tiếp thi công, kiểm tra, giám sát các công trình không chỉ bảo đảm chất lượng mà còn giúp địa phương tiết kiệm khoảng 5 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM của An Châu đến thời điểm này là 139 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 90 tỷ đồng, chưa kể 5.000 công lao động. Cùng đồng chí Chủ tịch UBND xã An Châu, chúng tôi ra thăm cánh đồng 4 vụ được địa phương quy hoạch sản xuất hai năm nay. Không giấu được niềm vui, chị Nguyễn Thị Dung (thôn Kim Châu 2) chia sẻ: Sau 4 năm, nhân dân chung sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng NTM, làng quê ở An Châu “khoác lên mình tấm áo mới”, điện - đường - trường - trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Sản xuất trên cánh đồng mẫu, cánh đồng 4 vụ cho hiệu quả kinh tế cao, bà con ai cũng phấn khởi. Nhờ trồng luân canh các loại cây: dưa hấu, bí xanh, mướp đắng, ớt, rau màu các loại… mà thu nhập của gia đình tôi gấp 2 - 3 lần cấy lúa trước đây.

 

Rời An Châu, chúng tôi về Ðông Phong, cũng là xã về đích NTM năm 2014. Trong câu chuyện với đảng viên Phạm Văn Quyến (thôn Cổ Hội Ðông) chúng tôi cảm nhận niềm vui, phấn khởi, tự hào của ông khi quê hương có nhiều đổi mới. Ông chia sẻ: Tôi sống gần hết đời người thấy rằng xây dựng NTM thực sự là “cuộc cách mạng” toàn diện nhất, góp phần thay đổi từ diện mạo vùng nông thôn đến những yếu tố thuộc về “chất” bên trong cuộc sống. Câu chuyện càng trở nên sôi nổi khi ông dẫn tôi đi thăm tuyến đường của xóm vừa hoàn thành. Ông Quyến bảo: Tuyến đường này trước đây chỉ rộng hơn 1m, hai xe đi ngược chiều tránh nhau rất khó, trời mưa thì ngập lụt, đi lại rất khó khăn. Khi có chủ trương xây dựng NTM, được tỉnh hỗ trợ xi măng, mỗi hộ góp 2 triệu đồng làm đường. Với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, gia đình tôi tự nguyện hiến hơn 200m2 ao để lấp đất làm đường. Mình thiệt một chút nhưng đổi lại có đường giao thông sạch đẹp, bà con phấn khởi, tình làng nghĩa xóm đoàn kết còn gì bằng. Ước tính, hết năm 2015, tổng nguồn vốn huy động xây dựng kết cấu hạ tầng NTM của huyện Ðông Hưng là 2.055,8 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp và nguồn tài trợ 489,3 tỷ đồng. Nhân dân đã tự nguyện hiến 1.101.850m2 đất làm đường giao thông. Ðông Hưng cũng là huyện tiếp nhận khối lượng xi măng hỗ trợ nhiều nhất tỉnh với 113.781,5 tấn. 5 năm qua, toàn huyện đã xây dựng 853km đường giao thông các loại và 161km kênh mương cấp I loại 3, 418 phòng học ở 52 trường, 12 trụ sở UBND xã; xây dựng mới và cải tạo 22 trạm y tế, 7 nhà văn hóa xã, 58 nhà văn hóa thôn, 9 nhà máy nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt…

 

Bước tiến mới trong sản xuất

 

 

Diện mạo nông thôn mới ở Phong Châu. Ảnh: Ngọc Linh.

 

Ông Hoàng Ðức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðông Hưng cho biết: Cùng với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Ðông Hưng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trước hết là thay đổi tư duy, tập quán canh tác của nông dân góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trước đây, Ðông Hưng là một trong những huyện có nhiều diện tích cấy lúa dài ngày nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, có cơ chế hỗ trợ giống lúa ngắn ngày cho nông dân, đến nay, 98% diện tích canh tác của Ðông Hưng được gieo cấy bằng các giống lúa ngắn ngày. Bà con đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Toàn huyện hiện có 340 máy cày đa năng, tăng 282 máy và 175 máy gặt đập liên hợp, tăng 135 máy so với năm 2010; 90% diện tích lúa của Ðông Hưng được thu hoạch bằng máy. Huyện định hướng và hỗ trợ các địa phương liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm: cấy lúa Thiên ưu 8, DT 68, ÐS 1, trồng dưa chuột bao tử, mướp đắng… Nhờ vậy, năng suất lúa bình quân toàn huyện hàng năm đạt từ 133 - 134 tạ/ha. Nông dân đang sản xuất trên 14 cánh đồng mẫu, diện tích 708ha và mô hình 4 vụ/năm bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

 

 Do sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, gắn trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên và sự đồng lòng, quyết tâm của toàn dân, đến nay Ðông Hưng có 14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 14 xã đạt 14 -18 tiêu chí, 12 xã đạt 10 - 13 tiêu chí, 2 xã đạt 9 tiêu chí; số tiêu chí của 42 xã tăng từ 214 (năm 2009) lên 636 tiêu chí. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13,6 triệu đồng (năm 2010) lên khoảng 28,09 triệu đồng (năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 10,6% năm 2010 xuống còn khoảng 3,11% năm 2015.

 

"Hiện tại, Ðông Hưng thực hiện đồng bộ các giải pháp, dồn lực để năm 2015 có thêm 10 xã về đích nông thôn mới. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Các xã còn lại căn cứ tình hình cụ thể xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện, phấn đấu hết năm 2016 toàn huyện có 75% số xã về đích nông thôn mới, năm 2017 trở thành huyện nông thôn mới".

 

(Ðồng chí Vũ Ðức Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Ðông Hưng)

 

Nguyễn Hình - Tất Đạt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày