Thứ 6, 26/04/2024, 11:10[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới- cách làm của quê lúa

Thứ 2, 14/12/2015 | 09:39:00
2,197 lượt xem
Mặc dù Thái Bình không được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng với tinh thần chủ động trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh đã chọn 8 xã ở 8 huyện, thành phố làm điểm để nhân ra diện rộng. Ngay trong giai đoạn đầu các xã được chọn làm điểm xây dựng NTM đã đạt được những kết quả quan trọng về kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phát huy vai trò chủ thể của người dân…, trở

Người dân xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) làm đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới.

 

Để trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt

 

Trong suốt chặng đường cách mạng và trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn khắc khi lời Bác dạy xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt. Lời dạy của Người là sự động viên, cổ vũ tinh thần to lớn để các thế hệ của quê lúa luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên trên các lĩnh vực, đi đầu các phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Thái Bình nổi bật với phong trào chiến tranh du kích, xây dựng làng kháng chiến, thực hiện “Một tấc không đi, một ly không rời”,  “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”. Ngay trong khói lửa đạn bom ác liệt của giặc Mỹ, phong trào sản xuất vẫn diễn ra mạnh mẽ ghi mốc son là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, những cánh đồng lúa năng suất tăng lên không ngừng, nhiều nhà máy xí nghiệp được xây dựng, kinh tế từng bước phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Trong suốt chặng đường đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng, thực hiện thành công chương trình “điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch” làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn.

 

Để tiếp tục xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đất và người quê lúa đang mang một diện mạo mới, sức sống mới từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đem lại. Thành quả này là sự chủ động, nhanh nhạy, sáng tạo, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.  Ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 16/10/2008, trong đó xác định phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và xây dựng NTM là hai nhiệm vụ trọng tâm; phải có bước đi, lộ trình thích hợp từ chỉ đạo điểm đến nhân ra diện rộng… Theo đó, đầu năm 2009 tỉnh đã chọn 8 xã ở 8 huyện, thành phố (xã Thanh Tân huyện Kiến Xương; xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ; xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư; xã An Ninh, huyện Tiền Hải; xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà; xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình; xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy; xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng) làm điểm mô hình về xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình điểm NTM cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; các xã làm điểm do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban.

 

Những “hạt giống gieo mầm” nông thôn mới

 

 

Nông dân Quỳnh Phụ chăm sóc cây vụ đông.

 

Thanh Tân là một trong những xã điểm có nhiều cách làm sáng tạo để tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đoàn kết thống nhất của người dân trong thực hiện xây dựng NTM. Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Trước khi bước vào thực hiện xây dựng NTM, qua rà soát đánh giá Thanh Tân mới đạt 7/19 tiêu chí NTM. Vinh dự được chọn làm mô hình điểm của tỉnh về xây dựng NTM, song nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền nơi đây khá nặng nề, bởi đây là việc làm mới, chưa có mô hình mẫu, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân… Tuy nhiên, xác định đây là cuộc cách mạng vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, hợp quy luật phát triển để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, do đó Đảng bộ và nhân dân Thanh Tân đã đồng thuận quyết tâm thực hiện thành công xây dựng NTM theo phương châm “việc nào dễ, tốn ít kinh phí làm trước, việc nào khó, cần nhiều kinh phí làm sau”. Thanh Tân đã chọn mỗi thôn làm một mô hình điểm để rút kinh nghiệm nhân ra toàn xã. Thôn Tử Tế với mô hình tự quản vệ sinh môi trường; thôn An Thọ làm mô hình không làm cỗ mời bà con làng xóm trong đám tang; thôn Cơ Bắc làm điểm về giải phóng mặt bằng các tuyến đường để mở rộng đường nông thôn theo quy định; thôn Phú Mãn thực hiện mô hình điểm về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp… Trong quá trình tổ chức thực hiện các tiêu chí đòi hỏi nguồn lực lớn, Thanh Tân đã huy động được cả nội lực và ngoại lực, phát huy vai trò chủ thể của người dân, kêu gọi được con em công tác xa quê ủng hộ kinh phí xây dựng quê hương. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng NTM trên 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách các cấp hỗ trợ hơn 59 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 10 tỷ đồng, các doanh nghiệp đầu tư trên 95 tỷ đồng, nhân dân và con em xa quê đóng góp, ủng hộ trên 37 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện hiến 5.300m2 đất thổ cư, tháo dỡ 3.000m tường bao, 90 cổng nhà, 27 bếp, 6 nhà và 22 công trình phụ để mở rộng, làm mới 27,6km đường giao thông nông thôn… Đến tháng 7/2013, Thanh Tân đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận xã đạt quốc gia về nông thôn mới.

 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn khi bắt tay vào xây dựng mô hình điểm NTM của tỉnh, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch các tiêu chí, Quỳnh Minh đã về đích NTM năm 2013 được đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước thăm đánh giá cao, vui mừng trước sự đổi thay của làng quê nơi đây. Ông Lương Khánh Nhịnh, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Minh cho biết: Khi xã bắt tay vào thực hiện xây dựng mô hình điểm NTM còn gặp nhiều khó khăn như các văn bản hướng dẫn của cấp trên liên quan tới xây dựng NTM chưa cụ thể nên bước đầu địa phương còn lúng túng. Nhận thức của một số hộ dân về xây dựng NTM còn hạn chế, coi đây là việc làm của các cấp, các ngành nên chưa chung sức cùng địa phương thực hiện… Chìa khóa để Quỳnh Minh xây dựng thành công mô hình điểm NTM đó là luôn chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉ ra được từng bước đi, nội dung cần thực hiện cụ thể và phù hợp với địa phương. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong từng công việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời tổ chức gần 300 buổi tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM để tạo sự đồng thuận, tự nguyện hiến đất, sức lực, của cải xây dựng NTM. Tất cả các nội dung công việc liên quan đến NTM đều được Quỳnh Minh triển khai thực hiện công khai, minh bạch, tính dân chủ được đặt lên hàng đầu. Các hộ gia đình tự nguyện hiến đất, công trình đều được ghi vào sổ vàng tại xã. Chính vì vậy, người dân đã nhận thức rõ đối tượng thụ hưởng thành quả NTM là chính mình nên đã tự nguyện hiến 10.800m2 đất nông nghiệp làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng; hiến 7.390m2 đất ở, 3.214m2 ao, tháo dỡ 7.374m2 tường bao và 697m2 công trình phụ để mở rộng đường giao thông nông thôn… Ông Nguyễn Như Sâm, thôn Địa Linh, xã Quỳnh Minh cho biết: Tôi đã sống và gắn bó với quê hương hơn 80 năm qua chứng kiến bao sự đổi thay của vùng quê này, nhưng đổi thay sau xây dựng NTM là bước ngoặt, tạo bước đột phá nhất, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang đồng bộ, sản xuất phát triển, vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

 

 

Diện mạo nông thôn mới ở Hồng Minh (Hưng Hà).

 

Theo quan điểm chỉ đạo của tỉnh, xây dựng NTM người dân là chủ thể, trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, do đó, những băn khoăn, hoài nghi về huy động quá sức dân, thiếu minh bạch trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các địa phương được người dân hiểu đúng, tích cực chung sức xây dựng NTM. Từ những “hạt giống gieo mầm” NTM như Thanh Tân, Quỳnh Minh, Hồng Minh… đã lan tỏa sâu rộng, tạo phong trào thi đua sôi nổi ở khắp các địa phương trong tỉnh.

 

 

"Thái Bình là tỉnh đi đầu toàn quốc trong việc chỉ đạo điểm cũng như triển khai diện rộng. Hầu hết các quy định, quy trình lập, thẩm định và các chỉ tiêu kỹ thuật của Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào sổ tay hướng dẫn xây dựng nông thôn mới. Với cách làm của Thanh Tân, Quỳnh Minh… đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm đánh giá cao về sự sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, phương pháp tổ chức thực hiện, phát huy được vai trò chủ thể của người dân… xứng đáng không chỉ là mô hình điểm của tỉnh mà còn được đưa vào chỉ đạo điểm của cả nước. Đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 14 xã về đích nông thôn mới, vượt 6 xã so với mục tiêu Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/4/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) đề ra".

 

(Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh)

 

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày