Thứ 7, 20/04/2024, 17:33[GMT+7]

Nông thôn mới- cách làm riêng của Thái Bình

Thứ 2, 11/01/2016 | 17:05:09
1,967 lượt xem
Mặc dù không được trung ương chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nhưng với tinh thần chủ động trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh đã chọn 8 xã ở 8 huyện, thành phố làm điểm để nhân ra diện rộng. Ngay trong giai đoạn đầu, các xã được chọn làm điểm xây dựng NTM đã đạt được những kết quả quan trọng về kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phát huy vai trò chủ thể của người dân…, đưa Thái B

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu ở Thanh Tân (Kiến Xương).

 

Để trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt

 

Trong suốt chặng đường cách mạng và trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn khắc ghi lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: Xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt. Lời dạy của Người là sự động viên, cổ vũ tinh thần to lớn để các thế hệ cán bộ, người dân quê lúa không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên trên các lĩnh vực, đi đầu trong các phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thái Bình nổi bật với phong trào chiến tranh du kích, xây dựng làng kháng chiến, thực hiện “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”. Ngay trong khói lửa chiến tranh, phong trào thi đua sản xuất vẫn diễn ra mạnh mẽ, ghi mốc son là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, những cánh đồng lúa năng suất tăng lên không ngừng, nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Trong suốt chặng đường đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng, thực hiện thành công chương trình “điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch”, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn.

 

 

Xã Thái Thủy (Thái Thụy) đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương theo tiêu chí nông thôn mới.

 

Tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt, quê lúa hôm nay đang mang một diện mạo mới, sức sống mới từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Thành quả này là sự chủ động, nhanh nhạy, sáng tạo, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.  Ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 16/10/2008, trong đó xác định phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và xây dựng NTM là hai nhiệm vụ trọng tâm; phải có bước đi, lộ trình thích hợp, từ chỉ đạo điểm đến nhân ra diện rộng… Theo đó, đầu năm 2009, tỉnh đã chọn 8 xã ở 8 huyện, thành phố (xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương; xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ; xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư; xã An Ninh, huyện Tiền Hải; xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà; xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình; xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy; xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng) làm điểm mô hình xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình điểm NTM cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; các xã làm điểm do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban.

 

Đi trước một bước

 

Trong xây dựng NTM, xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ hàng đầu, tỉnh đã chỉ đạo xã Thanh Tân làm trước về quy hoạch để rút kinh nghiệm, đồng thời chọn đơn vị tư vấn quy hoạch trực tiếp làm quy hoạch chung xây dựng NTM cho các xã điểm. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Thái Bình là tỉnh đi đầu cả nước trong việc chỉ đạo điểm cũng như triển khai diện rộng về quy hoạch xây dựng NTM. Mặc dù chưa có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương nhưng tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu lập đề án xây dựng NTM, trong đó nêu rõ quy định, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và xây dựng các chỉ tiêu kỹ thuật về xây dựng NTM. Sau này, hầu hết các quy định và các chỉ tiêu kỹ thuật của đề án xây dựng NTM được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào sổ tay hướng dẫn xây dựng NTM trên phạm vi toàn quốc. Trong quá trình 8 xã làm điểm mô hình xây dựng NTM thực hiện quy hoạch, tỉnh đã chỉ đạo sát sao, trực tiếp nghe và cho ý kiến, đến đầu tháng 9/2009 các xã này đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng NTM. Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Khi được tỉnh chọn làm điểm về quy hoạch, bước đầu xã gặp không ít khó khăn do chưa có mô hình mẫu và là việc làm hoàn toàn mới. Đồng thời, khi thực hiện quy hoạch phải sắp xếp lại không gian nông thôn, di chuyển nhiều hộ dân và trại lẻ… Để hoàn thành công tác quy hoạch, các đồng chí lãnh đạo xã luôn sát cánh cùng đơn vị tư vấn, nếu không quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội, dân cư sẽ không sát với thực tế địa phương. Sau khi hoàn thành công tác quy hoạch, vinh dự cho địa phương là được rất nhiều đoàn của các bộ, ngành trung ương và các tỉnh về tham quan, học hỏi kinh nghiệm; quy hoạch của Thanh Tân được in sao vào đĩa CD để các tỉnh, thành phố trong cả nước tham khảo.

 

 

Quy hoạch chung xây dựng NTM của xã Thanh Tân được nhiều tỉnh, thành phố học tập kinh nghiệm.

 

Từ 8 xã điểm, các xã trong tỉnh đã bắt tay vào thực hiện và sớm hoàn thành công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng, là tiền đề để thực hiện các khâu như dồn điền đổi thửa, mở đường cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… Ngoài ra, Thái Bình còn là tỉnh tiên phong trong việc đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở trong xây dựng NTM. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã cung cấp những kiến thức cơ bản nhất cho cán bộ cơ sở về thực hiện quy hoạch, nguyên tắc, phương pháp, cơ chế vận hành, trình tự, nội dung, kỹ năng về tuyên truyền, vận động người dân và cộng đồng tham gia xây dựng NTM. Việc chủ động, tiên phong xây dựng NTM của Thái Bình không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của người dân mà còn là “địa chỉ đỏ” để các bộ, ngành trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước về tham quan, học tập kinh nghiệm.

 

"Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau trong chuyến thăm xã Thanh Tân năm 2011 đã ghi lại những cảm xúc trong sổ lưu niệm của địa phương: Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Cà Mau rất khâm phục cách làm sáng tạo, sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nói chung, Thanh Tân nói riêng về xây dựng nông thôn mới. Những kinh nghiệm quý của Thanh Tân chúng tôi sẽ tiếp thu và vận dụng vào thực tế trong xây dựng nông thôn mới tại Cà Mau. Hay như lưu bút của ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên: Thanh Tân đã có những cách làm hay, sáng tạo, được nhân dân đồng tình ủng hộ, là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Qua lần tham quan này, Đoàn công tác của huyện Tây Hòa sẽ tiếp thu những kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của địa phương để vận dụng phù hợp với thực tế của Tây Hòa".

 

(Còn nữa)      

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày