Thứ 6, 26/04/2024, 00:42[GMT+7]

Nông thôn mới- cách làm riêng của Thái Bình

Thứ 3, 12/01/2016 | 09:23:56
1,964 lượt xem
Mặc dù không được chọn làm điểm của cả nước nhưng những bài học ban đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình đã được các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước về thăm ghi nhận, đánh giá cao về sự sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, phương pháp tổ chức thực hiện, phát huy được vai trò chủ thể của người dân…, xứng đáng không chỉ là mô hình của tỉnh mà còn được đưa vào chỉ đạo điểm của cả nước. Ðiển hình là Thanh Tân, xã đã được đón gần 700 đoàn các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ,

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước về thăm Thanh Tân ngày 4/2/2012.

 

Từ “hạt giống” nông thôn mới…

 

Thanh Tân là một trong những xã điểm có nhiều cách làm sáng tạo để tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đoàn kết, thống nhất của người dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước khi bước vào xây dựng NTM, qua rà soát, đánh giá, Thanh Tân mới đạt 7/19 tiêu chí. Vinh dự được chọn làm mô hình điểm của tỉnh về xây dựng NTM song nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương khá nặng nề bởi đây là việc làm mới, chưa có mô hình mẫu, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân… Tuy nhiên, xác định đây là cuộc cách mạng vừa mang tính cấp bách vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, hợp quy luật phát triển để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Tân đã đồng thuận, quyết tâm thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM theo phương châm: “Việc nào dễ, tốn ít kinh phí làm trước, việc nào khó, cần nhiều kinh phí làm sau”. Trong công tác tuyên truyền về xây dựng NTM, xã đã sáng tạo bằng nhiều hình thức như xây dựng phóng sự “Thanh Tân - diện mạo mới, sức sống mới”, “Đất và người Thanh Tân”, mời nhạc sĩ sáng tác 8 bài hát ca ngợi quê hương… Có những khẩu hiệu, hình thức tuyên truyền đã được nhiều địa phương học tập, trở thành phương châm lãnh đạo, chỉ đạo và hành động trong xây dựng NTM.

 

Khi triển khai thực hiện từng công việc cụ thể, Thanh Tân đã chọn mỗi thôn làm một mô hình điểm để rút kinh nghiệm nhân rộng trong toàn xã. Thôn Tử Tế với mô hình tự quản vệ sinh môi trường đã thành lập 22 tổ tự quản, lấy lực lượng cựu chiến binh, phụ nữ, thành niên ở các khu dân cư làm nòng cốt. Hàng tháng, các tổ tự quản vệ sinh môi trường thực hiện tổng vệ sinh toàn thôn và phát quang hành lang an toàn giao thông vào các ngày 26 - 28. Đồng thời, thôn còn phát động mỗi gia đình dành 2m2 đất trong vườn để chứa rác, loại rác nào dễ phân hủy, không độc hại được chôn lấp tại vườn. Thôn An Cơ Đông thực hiện mô hình điểm về xây dựng đường, ngõ đẹp và chỉnh trang khu dân cư, được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng tích cực. Bà con đã tự góp tiền xây dựng cổng làng, kè sông, mua hàng trăm cây bóng mát, cây ăn quả các loại trồng trên các tuyến đường, tạo cảnh quan thoáng mát, sạch sẽ. Thôn An Cơ Nam làm mô hình điểm về gia đình ăn, ở vệ sinh, ngăn nắp, đã giao cho cán bộ, đảng viên vận động, phổ biến tiêu chí thực hiện đến từng hộ dân, trong đó lấy chi hội phụ nữ làm lực lượng chính trong việc tuyên truyền, vận động. Ngay trong giai đoạn làm mô hình điểm, thôn An Cơ Nam đã có 40 hộ đạt tiêu chuẩn ăn, ở vệ sinh, ngăn nắp. Ngoài ra còn nhiều thôn làm mô hình điểm trên từng lĩnh vực như thôn An Thọ làm mô hình không làm cỗ mời bà con làng xóm trong đám tang; thôn An Cơ Bắc làm điểm về giải phóng mặt bằng các tuyến đường để mở rộng đường nông thôn theo quy định; thôn Phú Mãn thực hiện mô hình điểm về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp… Trong quá trình tổ chức thực hiện các tiêu chí đòi hỏi nguồn lực lớn, Thanh Tân đã huy động được cả nội lực và ngoại lực, phát huy vai trò chủ thể của người dân, kêu gọi được con em xa quê ủng hộ kinh phí. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng NTM hơn 200 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp đầu tư hơn 95 tỷ đồng, nhân dân và con em xa quê đóng góp, ủng hộ hơn 37 tỷ đồng, còn lại là ngân sách các cấp. Ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện hiến 5.300m2 đất thổ cư, tháo dỡ 3.000m tường bao, 90 cổng nhà, 27 bếp, 6 nhà và 22 công trình phụ để mở rộng, làm mới 27,6km đường giao thông nông thôn… Đến tháng 7/2013, Thanh Tân đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về NTM.

 

Về thăm Thanh Tân ngày 7/11/2013, ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long bày tỏ sự khâm phục trước cách làm của địa phương: Đoàn cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long đến tham quan, học tập về xây dựng NTM tại xã Thanh Tân, qua thực tế chúng tôi rất khâm phục cách làm, tinh thần và hành động của Đảng bộ và nhân dân Thanh Tân. Qua chuyến đi này, chúng tôi rút ra được nhiều bài học quý cũng như kinh nghiệm để áp dụng vào xây dựng NTM của tỉnh Vĩnh Long.

 

Vươn lên trở thành xã Anh hùng Lao động

 

Xây dựng NTM là quá trình đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Thanh Tân đã làm được, không chỉ thể hiện sự năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới mà là cả một quá trình phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ và nhân dân nơi đây. Ông Trần Công Nhận, 86 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã giai đoạn 1977 - 1986 cho biết: Từ những năm 1964, Thanh Tân đã có phong trào làm đường làng, ngõ xóm để thuận lợi cho việc đi lại và quy hoạch ruộng đồng, thủy lợi phục vụ sản xuất. Đặc biệt, năm 1970, Thanh Tân đã quy hoạch ruộng với quy mô 7 sào/thửa để giao cho các HTX tổ chức sản xuất. Đồng thời, xã còn phát động phong trào “ruộng cấy chăng dây, cấy lúa thẳng hàng”, “đào đắp kênh mương, dẫn nước quanh làng”, nhờ vậy sản xuất nông nghiệp có bước phát triển, năng suất lúa năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, tôi rất vui mừng khi Đảng bộ và nhân dân Thanh Tân đã phát huy được những truyền thống tốt đẹp của quê hương, trở thành một trong những xã đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về NTM, vươn lên trở thành xã Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

 

Thực tế đã khẳng định, chương trình xây dựng NTM đã được Thanh Tân thực hiện đồng bộ trên cơ sở kế thừa và phát triển, có bước đi vững chắc, lộ trình phù hợp với đặc thù của địa phương. Vì vậy, sau khi về đích NTM, xã tiếp tục tạo bước đột phá trên tất cả các lĩnh vực, là cơ sở để Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào tháng 10/2015. Đến nay, Thanh Tân đã quy hoạch 4 vùng sản xuất tập trung quy mô lớn từ 60 - 102ha/vùng. Sau dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất phát triển mạnh mẽ, 100% diện tích đã được làm đất bằng máy, hơn 80% diện tích gặt bằng máy, 60% diện tích gieo thẳng lúa và cấy bằng máy. Diện tích lúa chất lượng cao và cây màu vụ đông năm sau cao hơn năm trước, góp phần không nhỏ nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác. Toàn xã có 54 trang trại, gia trại với quy mô chăn nuôi từ 50 - 200 con lợn/trang trại, gia trại. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chuyển biến mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương theo hướng bền vững. Toàn xã có 3 HTX, 7 doanh nghiệp, 47 tổ hợp nghề; 3 doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp xã rộng 12,26ha, thu hút hàng nghìn lao động. Dịch vụ phát triển với tốc độ cao, quy mô lớn, đa dạng, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của người dân cùng hàng nghìn công nhân trong cụm công nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%. Bà Phạm Thị Mười ở thôn An Thọ cho biết: Trước đây, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn song đến nay làm nông nghiệp rất nhàn, hiệu quả kinh tế cao bởi đồng ruộng được quy hoạch dồn thành ô, thửa lớn, giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương được cứng hóa thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng từ khâu gieo trồng, thu hoạch đến khâu tiêu thụ nông sản. Do đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên người dân Thanh Tân không mất nhiều thời gian vào đồng ruộng, con em trong xã chủ yếu làm trong các doanh nghiệp với thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Thanh Tân hôm nay không chỉ có nền sản xuất phát triển, hệ thống hạ tầng kinh tế được xây dựng đồng bộ mà hệ thống cơ sở vật chất trường học, trạm y tế cũng đều được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, khang trang, sạch đẹp. Giáo dục, y tế đều đạt chuẩn quốc gia, riêng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Công tác quốc phòng, an ninh luôn được bảo đảm, hàng năm, Công an xã được công nhận đơn vị quyết thắng, xã luôn thực hiện tốt công tác huấn luyện và hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu giao quân hàng năm. Đảng bộ và chính quyền hơn 16 năm liên tục đạt trong sạch, vững mạnh, trong đó nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu phong trào của huyện và tỉnh. Những thành tích Thanh Tân đạt được không chỉ khẳng định sự phát triển bền vững mà còn là cơ sở, động lực để Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây nỗ lực phấn đấu xây dựng miền quê Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới trở thành đô thị loại V trước năm 2020.

 

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày