Thứ 7, 20/04/2024, 18:31[GMT+7]

Nông thôn mới- cách làm riêng của Thái Bình

Thứ 6, 15/01/2016 | 09:56:47
1,919 lượt xem
Thực tế cho thấy, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân vừa là mục tiêu vừa là động lực để xây dựng nông thôn mới. Do đó, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Bờ to, ruộng lớn tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa các khâu sản xuất.

 

“Kích cầu” sản xuất hàng hóa

 

Nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, hàng năm, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện thí điểm và chuyển giao hàng trăm mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến cho nông dân. Có thể kể đến thành công của Trung tâm Khuyến nông trong việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào nhân giống và sử dụng khoai tây sạch bệnh. Công nghệ sản xuất này cho phép sản xuất cây không cần đất mà chỉ cần phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ để kích thích ra rễ nuôi cây sinh trưởng phát triển và tạo củ. Kết quả sản xuất củ siêu bi nguyên chủng đạt 34 - 59 củ/khóm, cao gấp nhiều lần so với trồng theo phương pháp truyền thống. Từ sản xuất thành công củ giống siêu bi nguyên chủng, trong hai năm 2013 - 2014, Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành sản xuất thực nghiệm khoai tây nguyên chủng và xác nhận tại các xã Trọng Quan (Đông Hưng), Thụy Phúc (Thái Thụy), Vân Trường (Tiền Hải), Quỳnh Xá (Quỳnh Phụ). Hay các mô hình khảo nghiệm giống của Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, Trung tâm Khuyến nông đã khảo nghiệm nhiều loại giống mới, bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh; mô hình cấy lúa hàng rộng hàng hẹp tại xã Phú Lương (Đông Hưng), Đông Quý (Tiền Hải) cho năng suất cao vượt trội, giúp người nông dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích...

 

Cùng với triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, UBND tỉnh còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng/xã để dồn điền đổi thửa và 500 triệu đồng/xã cho việc chỉnh trang đồng ruộng; chính sách hỗ trợ mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất... Các chính sách này góp phần tích cực vào việc thúc đẩy tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa các khâu sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, tính đến tháng 10/2015, toàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 170 tỷ đồng để mua gần 3.600 máy và công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, 1.251 máy gặt đập liên hợp, 630 máy làm đất đa năng, 43 máy cấy, 20 kho lạnh và 1.650 công cụ gieo sạ lúa. Tại Tiền Hải, ngoài chính sách chung của tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ các tập thể, cá nhân mua máy làm đất đa năng có công suất 22CV trở lên với mức 20 triệu đồng/máy. Ông Nguyễn Quân Y, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Tây An (Tiền Hải) cho biết: Với chính sách hỗ trợ mua máy nông nghiệp, toàn xã hiện có 3 máy làm đất đa năng, 34 máy cày tay, 4 máy gặt đập liên hợp, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nhất là bảo đảm được lịch thời vụ, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động.           

 

Và những tín hiệu vui

 

 

Mô hình nhân giống khoai tây bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

 

Xây dựng nền sản xuất phát triển là mục tiêu quan trọng hàng đầu được xã Đông Quý (Tiền Hải) xác định khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Vì vậy, sau dồn điền đổi thửa, số thửa bình quân của Đông Quý đạt 1,18 thửa/hộ. Địa phương tập trung xây dựng và hình thành 5 vùng sản xuất, trong đó có một cánh đồng mẫu diện tích 109,42ha với 640 hộ nông dân tham gia. Toàn bộ sản phẩm lúa Bắc thơm của cánh đồng mẫu được Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình bao tiêu sản phẩm với giá cao gấp 1,3 lần so với lúa thường. Ngoài ra, địa phương còn tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Toàn xã hiện có 46 máy cày, 5 máy gặt đập liên hợp, góp phần giảm chi phí sản xuất và giúp giải bài toán lịch thời vụ cũng như vấn đề thiếu nhân công ngày mùa. Các giải pháp kỹ thuật như 3 giảm, 3 tăng, cấy hàng rộng, hàng hẹp và vùng sản xuất hàng hóa được cấy cùng một trà lúa, giống lúa đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất hàng trăm triệu đồng/vụ. Đến nay, giá trị nông nghiệp của Đông Quý chiếm 48% tổng giá trị sản xuất, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người từ 28,1 triệu đồng (năm 2014) lên hơn 30 triệu đồng (năm 2015).

 

Vụ đông năm 2015, gia đình chị Phạm Thị Hương ở thôn Đại Hội, xã Dân Chủ (Hưng Hà) tham gia mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ. Toàn bộ diện tích 3,5 sào cây màu vụ đông gồm ngô, dưa bao tử, dưa 66, bí đỏ sau khi thu hoạch đều được bao tiêu sản phẩm. Chị Hương cho biết: Khi tham gia mô hình, chúng tôi được hỗ trợ hạt giống, kỹ thuật canh tác, kỹ thuật sơ chế, đóng gói sản phẩm theo quy trình chất lượng quy định. Cách làm này khác và hiệu quả hơn hẳn phương pháp cũ. Cùng với chị Hương còn có nhiều hội viên khác có hoàn cảnh khó khăn trong xã tham gia thực hiện mô hình này với tổng diện tích 15ha. Theo các hộ dân, hiệu quả kinh tế mà mô hình đem lại cao gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa và quan trọng là không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất trong toàn tỉnh đã góp phần hình thành 177 cánh đồng mẫu với diện tích gần 10.500ha, trong đó 111 cánh đồng mẫu với diện tích hơn 6.800ha được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 55% khâu thu hoạnh và đang tích cực cơ giới hóa trong khâu gieo cấy. Đặc biệt, cơ cấu giống và phương thức gieo cấy chuyển biến tích cực ở cả vụ mùa và vụ xuân. Diện tích gieo thẳng hiện chiếm gần 40% tổng diện tích gieo cấy, giống lúa ngắn ngày chiếm 96%. Năm 2015, năng suất lúa bình quân ở cả hai vụ đạt trên 132 tạ/ha. Theo đánh giá, giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh bình quân 3,9%/năm, trong đó trồng trọt tăng 3,06%/năm. Riêng năm 2015, tỷ trọng trồng trọt chiếm 52,36% giá trị ngành Nông nghiệp; giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,21% so với năm 2014; giá trị canh tác bình quân đạt 100 triệu đồng/ha.

 

Cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả

 

Xét về mặt kinh tế, muốn xây dựng nền sản xuất lớn không thể không phát triển nền kinh tế hàng hóa, trong đó có hàng hóa nông nghiệp. Theo ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải: Tuy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển nhưng sản xuất vẫn còn manh mún, chất lượng, sản lượng nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn thiếu đồng bộ; trình độ sản xuất thâm canh của một bộ phận nông dân còn hạn chế. Trong xây dựng NTM, việc thực hiện tốt liên kết “bốn nhà” có vai trò quan trọng để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, thâm canh cao và tạo nên thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, mối liên kết “bốn nhà” chưa phổ biến và thiếu tính bền vững. 

 

Hiệu quả sản xuất hàng hóa đã rõ song để sản xuất hàng hóa thực sự là chìa khóa góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân cần tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Các cấp, các ngành và các địa phương cần đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào tất cả các khâu sản xuất nông nghiệp; tăng cường xây dựng thương hiệu sản phẩm; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản. Cùng với đó, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, gắn kết giữa sản xuất, chế biến với tiêu thụ; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX DVNN...  Đặc biệt, để  hướng tới một nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và bền vững, trước hết, cần thông qua các mô hình tích tụ ruộng đất, qua đó nông dân có mối liên kết tốt hơn trong cộng đồng, từng bước hình thành những người nông dân mới biết gắn sản xuất với thị trường. Các HTX DVNN phát huy được hiệu quả, vật tư đầu vào được quản lý bảo đảm chất lượng, sản phẩm đầu ra đồng đều hơn, tạo điều kiện để trở thành hàng hóa. Quan trọng nhất là hình thành được mối liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” trong phân công lao động và phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

 

Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Thời gian qua, để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện Tiền Hải, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả như: cơ chế hỗ trợ kinh phí mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và vụ hè năm 2014, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020... Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương, tạo sự phát triển ổn định, bền vững. Huyện Tiền Hải tập trung tìm kiếm các giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất, đồng thời khuyến cáo nông dân “bán mặt hàng thị trường cần chứ không phải những hàng hóa mà nông dân có”.

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc

Trước hết và quan trọng nhất là cần phải quy hoạch, hình thành những vùng sản xuất hợp với từng địa phương. Cần có sự khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, nông dân cũng như doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm hợp đồng đã được ký kết, tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng gây thiệt hại và đánh mất chữ “tín” trong quá trình hợp tác.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Quý (Tiền Hải)

Để phát triển sản xuất hàng hóa, HTX DVNN phải chủ động tìm và làm “cầu nối” để bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Người nông dân và các cấp, các ngành cần có ý thức xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý những sản phẩm có lợi thế, đáp ứng yêu cầu thị trường và có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút các dự án sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản nhằm tạo sự phát triển ổn định, bền vững.

Bà Hà Thị Ngoãn, thôn Phúc Tân, xã Thái Thành (Thái Thụy)

Tham gia sản xuất hàng hóa, gia đình tôi đã thuê, chuyển đổi 15 mẫu đất của các hộ nông dân không có điều kiện sản xuất để mở rộng quy mô sản xuất. Cùng với đó, gia đình đã đầu tư kinh phí mua 2 máy gặt đập liên hợp, 1 máy cày làm đất công suất lớn để giảm sức lao động và chi phí sản xuất. Toàn bộ diện tích gia đình tôi gieo trồng giống lúa ĐS1. Sản phẩm được doanh nghiệp thu mua với giá ổn định, điều đó giúp chúng tôi yên tâm mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

 

(còn nữa)

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày