Thứ 7, 03/08/2024, 13:18[GMT+7]

Sức bật của “Làng kiểu mẫu”

Thứ 3, 19/04/2016 | 08:34:29
3,446 lượt xem
Từ một xã trung bình, sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, Nguyên Xá đã vươn lên trở thành một trong những xã phát triển nhất huyện Đông Hưng...

Nông dân thôn Đà Giang chăm sóc cây màu vụ xuân.

Quê hương anh hùng

Năm 1949, khi thực dân Pháp tràn về chiếm đóng Thái Bình, ngay từ những trận càn đầu tiên, Nguyên Xá đã lọt vào giữa vòng vây của 14 vị trí chiếm cứ của giặc với những đồn bốt dày đặc ven đường 10.

Những tưởng đội quân ấy có thể thiêu rụi được ngôi làng nhỏ bé, đơn sơ. Thế nhưng, với tinh thần kiên cường, quân dân nơi đây đã đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ và Ủy ban hành chính kháng chiến, nhân dân trong xã đã tập trung chuẩn bị cho công cuộc đánh giặc giữ làng. Gần 900 thanh niên nam nữ đã xung phong gia nhập lực lượng tự vệ chiến đấu, chia thành 17 trung đội. Từ năm 1950 đến năm 1954, quân dân Nguyên Xá đã đánh hơn 180 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và bắt sống gần 400 tên địch, phá hủy 1 xe ủi đất, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch, đập tan âm mưu "giết sạch, phá sạch, đốt sạch" của giặc.

Không chỉ chắc tay súng, nhân dân Nguyên Xá còn vững tay cày. Với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", Nguyên Xá đã trở thành xã đầu tiên đạt năng suất lúa cao nhất tỉnh với 6,547 tấn/ha, vừa tự túc lương thực vừa có điều kiện chi viện cho tiền tuyến. Với những thành tích đạt được, trong hội nghị toàn quân tháng 4/1952, Nguyên Xá đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ: "Nguyên Xá - Làng kiểu mẫu".

Đổi thay từ công nghiệp hóa

Trải bao thăng trầm, Nguyên Xá hôm nay đã khoác lên mình áo mới. Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, xã đã xuất sắc hoàn thành 19/19 tiêu chí. Cơ cấu kinh tế với công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm xấp xỉ 60%, tổng giá trị sản xuất đạt 250 tỷ đồng. Đây được coi là một trong những bước đột phá trong tiến trình phát triển của xã. Dễ dàng nhận thấy ở nơi đây những ngôi nhà cao tầng mọc san sát bên trục đường chính đã được bê tông hóa; không hiếm nhà đã mua được ô tô; thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu/năm.

Bà Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Bắc Lạng phấn khởi: Hiện tại, 100% gia đình đã được dùng nước sạch. Mỗi buổi chiều đều có nhân viên vệ sinh môi trường đi thu gom rác; lò đốt rác cũng được xây dựng nên môi trường sống của người dân trong lành và bảo đảm hơn. Nếu trước kia, khi mùa mưa đến, người ta phải vật lộn với những cung đường lầy lội bùn đất thì nay toàn bộ hệ thống đường giao thông từ xã đến thôn đã được cứng hóa, sạch đẹp, khang trang với gần 4.000m đường giao thông trục xã và hơn 8.000m đường nhánh cấp I trục thôn đạt quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Làng Nguyễn, xã Nguyên Xá nổi tiếng với nghề sản xuất bánh cáy, kẹo lạc giờ rộn rã tiếng lò điện, máy cán kẹo, máy cắt, máy xay, máy đóng gói… đêm ngày. Phần lớn gia đình làm nghề truyền thống đã nhanh chóng tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào làm thay sức người. Ông Hoàng Duy Thắng, chủ cơ sở sản xuất bánh cáy Hoàng Thắng cho biết: Đến nay, hầu như nhà nào cũng có xưởng sản xuất với dây chuyền khép kín, giảm được khá nhiều nhân công so với trước kia; chất lượng, mẫu mã sản phẩm được nâng lên, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng hóa tiêu thụ tốt, doanh thu của mỗi gia đình lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.

Sáng ngời từng thớ đất

Về thôn Đà Giang, hẳn người ta sẽ phải lặng người trước một miền quê giống như một ốc đảo thu nhỏ nằm về phía tây bắc của xã. Là một trong tám thôn văn hóa của xã, Đà Giang nằm nép mình bên dòng sông Tiên Hưng xanh mát, êm ả bốn mùa. Nơi đây được bao phủ một màu tươi xanh trù phú. Hỏi ra mới biết, do thực hiện chủ trương "cánh đồng bốn vụ" mà người dân nơi đây quanh năm không phải chạy đôn chạy đáo lo việc làm.

Do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nhường chỗ cho các khu công nghiệp, xã xác định, nếu chỉ cấy 2 vụ lúa/năm thì giá trị nông nghiệp quá thấp, người nông dân không mặn mà với đồng đất. Trước tình hình đó, Nguyên Xá đã quyết định quy hoạch vùng chuyển đổi từ trồng 2 vụ lúa/năm sang 4 vụ màu/năm, quy mô 6,5ha ở cánh đồng Gòi, thôn Đà Giang và Đông Khê với các loại cây trồng cho năng suất cao như súp lơ, bắp cải, ớt, ngô, dưa gang, dưa hấu…

Bà Đỗ Thị Mậu ở thôn Đà Giang cho biết: Nhờ chuyển đổi sang trồng 4 vụ/năm mà hiệu quả kinh tế gấp mấy lần trồng lúa; công việc bớt nặng nhọc nên người già cũng làm được… Cũng theo bà Mậu, để nhân dân yên tâm sản xuất, HTX DVNN xã đã đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Chế biến nông sản Hải Dương, cung ứng giống và tạo đầu ra ổn định cho các hộ. Hiện tại, 2 sào màu của gia đình bà cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/năm.

Vừa xới đất vun gốc ngô, bà Vũ Thị Thế (thôn Đà Giang) vừa hào hứng: Hiện sản xuất nông nghiệp ở Nguyên Xá đã được cơ giới hóa toàn bộ với 5 máy gặt đập liên hoàn, 4 máy làm đất cỡ lớn, 3 máy cỡ trung. Kênh mương và đường nội đồng đều được hoàn thiện nên công việc nhà nông không còn nặng nhọc như xưa.

Không chỉ là ốc đảo thu nhỏ, người ta còn gọi Đà Giang là "phố đi bộ". Khi mặt trời lặn cũng là lúc nơi đây rực sáng với hệ thống đèn cao áp đặt tại các ngõ xóm. Đường đi lối lại thông thoáng, không khí trong lành, đèn điện lung linh, huyền ảo, tất cả tạo nên cảm giác thư thái cho người dân sau một ngày lao động.

Phấn khởi là vậy song ở Nguyên Xá vẫn còn một số hạn chế như nước thải chưa được xử lý tối đa; dòng sông nhỏ chạy dọc quốc lộ 39 thuộc địa bàn xã vẫn còn tình trạng ô nhiễm; nhiều cửa hàng cầm đồ, quán karaoke, quán game online xuất hiện tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các tai tệ nạn xã hội. Thực trạng trên đòi hỏi xã phải "mạnh tay" hơn nữa trong việc quản lý cũng như xử lý các sai phạm; tăng cường các giải pháp bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế sự gia tăng của các tai tệ nạn xã hội trên địa bàn; bảo đảm diện mạo sạch sẽ, thôn xã văn minh, đúng như mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới hướng tới.

Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng

Trước đây, Nguyên Xá chỉ là một xã trung bình. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, cách làm của xã so với chỉ đạo đã có nhiều sáng tạo. Việc phát huy dân chủ, tập trung nâng cao đời sống nhân dân đã mang lại diện mạo mới cho một Nguyên Xá phát triển cả về chất và lượng. Đặc biệt, để vùng đất chuyển đổi cánh đồng mẫu thực sự có hiệu quả cao và bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ của "4 nhà", trong đó hơn hết là sự định hướng và điều tiết sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp, tránh tình trạng "cung vượt cầu".

Ông Nguyễn Tiến Vững, Chủ tịch UBND xã

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nguyên Xá xác định phải phát triển và đổi mới hơn nữa. Trong những năm tới, xã sẽ tiếp tục tập trung vào công tác quy hoạch; xây dựng, mở rộng thêm cụm công nghiệp với diện tích 18,7ha, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong làng nghề; phấn đấu đưa Nguyên Xá trở thành điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Thùy Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày