Thứ 4, 27/11/2024, 12:35[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới bền vững

Thứ 5, 03/08/2017 | 09:00:08
2,370 lượt xem
Để xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, không có nợ đọng, các địa phương chưa đạt chuẩn cần rà soát, đánh giá năng lực thực hiện từng tiêu chí, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể, có bước đi phù hợp, chống tư tưởng chủ quan, thụ động, chạy theo thành tích.

Các địa phương thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.

Những năm qua, trong bối cảnh có những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh, phong trào xây dựng NTM của tỉnh đã đạt kết quả cao. Đặc biệt, sau khi đề án xây dựng NTM được phê duyệt và triển khai đã trở thành mô hình điển hình trong cả nước được nhiều địa phương tham quan, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm. Các cơ chế, chính sách liên tục được điều chỉnh, bổ sung, ngày càng hoàn thiện, rõ ràng, minh bạch trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM; đã huy động được thực chất nội lực của người dân, tạo thành phong trào rộng khắp ở tất cả các địa phương trong tỉnh. 

Đến nay, toàn tỉnh có 199/263 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó 186 xã đã được công nhận đạt chuẩn; 64 xã còn lại đạt từ 9 tiêu chí trở lên; có 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí đạt bình quân là 17,44 tiêu chí/xã, tăng trên 11 tiêu chí/xã so với năm 2010, vượt bình quân chung của cả nước 4 tiêu chí/xã.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở nhiều địa phương có thể làm cho chương trình không thực sự bền vững. Nguyên nhân nợ chủ yếu do xuất phát điểm xây dựng NTM ở hầu hết các xã thấp, các tiêu chí cần thực hiện có nhu cầu vốn lớn trong khi đó ngân sách hỗ trợ còn hạn chế, vốn từ cộng đồng dân cư còn nhiều khó khăn. Nguồn huy động để xây dựng NTM chủ yếu từ đấu giá quyền sử dụng đất nhưng do thị trường trầm lắng, nhiều địa phương không có lợi thế về vị trí địa lý nên hạn chế nguồn thu. Năng lực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản ở nhiều địa phương còn kém, nóng vội đẩy mạnh đầu tư để sớm đạt chuẩn…

Cứng hóa giao thông nông thôn ở Thái Thụy.

Theo quy định, điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương hoàn thành các tiêu chí NTM để được công nhận đạt chuẩn phải bảo đảm điều kiện không có nợ đọng xây dựng cơ bản. Vì vậy, trong số 35 xã hoàn thành các tiêu chí NTM trong năm 2016 đã được đoàn thẩm định NTM tỉnh thẩm định, đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM nhưng qua 3 đợt họp xét chỉ có 22 xã được Hội đồng xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM tỉnh bỏ phiếu nhất trí. 13 xã còn lại không có hồ sơ giải trình trả nợ xây dựng cơ bản chứng minh nợ dưới 1 tỷ đồng. 

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2017 - 2020, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020 hoàn thành 100% số xã đạt tiêu chí NTM. Riêng năm 2017, theo tổng hợp của các địa phương, có 17 xã đăng ký đạt chuẩn NTM. Để xây dựng NTM bền vững, không có nợ đọng xây dựng cơ bản, các địa phương đăng ký đạt chuẩn năm 2017 và những năm tiếp theo cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng NTM sát với điều kiện cụ thể của địa phương; xây dựng lộ trình phù hợp, không nóng vội, chạy theo thành tích. Các xã xác định các sản phẩm có ưu thế vượt trội để phát triển hàng hóa, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi; chuyển giao, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất; xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục triển khai chủ trương tập trung đất đai thu hút đầu tư, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt quy chế dân chủ, tranh thủ các nguồn lực hợp pháp để xây dựng NTM. Chấp hành đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng, không phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối.


Tổng vốn đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2016 đạt khoảng 13.616,39 tỷ đồng, trong đó:


  • Ngân sách trung ương hỗ trợ 761,88 tỷ đồng (chiếm 5,6%)
  • Ngân sách tỉnh 2.099,77 tỷ đồng (chiếm 15,42%)
  • Ngân sách huyện, thành phố 115,45 tỷ đồng (chiếm 0,85%)
  • Ngân sách xã 3.870,19 tỷ đồng (chiếm 28,42%)
  • Nguồn vốn lồng ghép 2.257,78 tỷ đồng (chiếm 16,58%)
  • Huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế 770,06 tỷ đồng (chiếm 5,66%)
  • Huy động từ cộng đồng dân cư 2.931,98 tỷ đồng (chiếm 21,53%)
  • Các nguồn khác 809,28 tỷ đồng (chiếm 5,95%)

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày