Thứ 4, 27/11/2024, 14:34[GMT+7]

Cuộc cách mạng "tam nông" trên quê lúa

Thứ 3, 26/07/2011 | 09:55:02
1,855 lượt xem
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Thái Bình đã tạo được cuộc “cách mạng” có sức lan toả sâu rộng, dần làm thay đổi cuộc sống người dân quê lúa.

Xây dựng nông thôn mới ở xã Nguyên Xá- Vũ Thư. Ảnh: Thành Tâm

Thái Bình đã đi trước một bước trong việc xây dựng thí điểm nông thôn mới (NTM) ở 8 xã/8 huyện, thành phố; đồng thời có nhiều giải pháp đưa nông nghiệp phát triển khá toàn diện trong việc quy hoạch vùng sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hoá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại...

 

Trong quá trình xây dựng điểm các mô hình NTM, rất vinh dự cho tỉnh nhà được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo một số Bộ, ngành về thăm quan đánh giá khá cao. Đến nay, có thể khẳng định Thái Bình triển khai thực hiện về “ Tam nông” đã và đang đi đúng hướng, sát với yêu cầu thực tiễn đặt ra, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng.   

           

 Để Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào cuộc sống, các cấp uỷ Đảng,  chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành xây dựng các đề án, cơ chế hỗ trợ tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhất là vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể như Đề án thí điểm xây dựng mô hình NTM; kiên cố hoá kênh mương giai đoạn 2009- 2015; đẩy mạnh cơ giới hoá trong nông nghiệp; Quy hoạch xây dựng NTM; dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp...Cơ chế, chính sách hỗ trợ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất vụ đông năm 2008; hỗ trợ kinh phí sản xuất vụ hè, vụ đông năm 2009; cơ chế hỗ trợ sản xuất vụ xuân và vụ hè năm 2010...

 

Thông qua các đề án và các cơ chế, chính sách hỗ trợ đã đem lại hiệu quả rõ rệt tạo bước đột phá về diện tích cây trồng vụ đông, năng suất lúa vụ xuân, vụ mùa; chăn nuôi theo hướng trang trại. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm thuỷ sản gần đây nhất (năm 2010) đạt 6.189 tỷ đồng, tăng 6,27% so với năm 2009. Có được kết quả này là do sự chuyển biến về nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cơ giới hoá trong sản xuất. Các đơn vị chuyên môn ngành Nông nghiệp đã triển khai các mô hình sản xuất giống cây, con mới và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tới nông dân về gieo sạ, gieo cấy giống lúa ngắn ngày theo phương thức mạ non. 

 

Năm 2009, toàn tỉnh đã thực hiện 36 đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp ngành về nông nghiệp, nông thôn; năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt 7 đề tài khoa học, trong đó có 6 đề tài cấp tỉnh, 1 cấp ngành; các đề tài tập trung vào nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn một số tổ hợp giống mới trong trồng trọt, ứng dụng quy trình công nghệ tiên tiến sản xuất giống thuỷ sản...đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

 

Ngoài ra, Thái Bình đã chú trọng công tác đào tạo nghề cho nông dân. Năm 2009, tỉnh đã đào tạo nghề cho 26 nghìn lao động ở nông thôn, với nhiều loại hình như tập trung, từ xa và tập huấn chuyên môn kỹ thuật tại chỗ. Qua đây đã trang bị những kiến thức cơ bản cho nông dân, giúp  cho giải quyết gần 40 nghìn việc làm mới.

 

Năm 2010, tiếp tục đào tạo hơn 1.400 người, trong đó hệ trung cấp chuyên nghiệp chính quy 488 người, không chính quy 203 người, sơ cấp 445 người...Trong cơ giới hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp, Thái Bình đã hỗ trợ 5,8 tỷ đồng, đưa tổng số máy nông cụ toàn tỉnh hiện có lên gần 15 nghìn chiếc; nhất là trong các khâu làm đất, tưới tiêu, ra hạt, xay sát... được cơ giới hoá đạt gần 100%, góp phần không nhỏ về giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh thời vụ, giải phóng sức lao động.

 

Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020, tỉnh đã triển khai đến tất cả các xã và giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành, địa phương tập trung hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá...Đến nay, toàn tỉnh có 204/267 xã hoàn thành xong quy hoạch chung xây dựng NTM, số xã còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7 năm 2011.

 

Trong xây dựng NTM, Thái Bình đã xác định sản xuất phải đi trước, do đó việc quy vùng sản xuất hàng hoá, dồn điển đổi thửa...được tỉnh chỉ đạo khá quyết liệt. Trước đó, ở 8 xã điểm đã triển khai việc này nên rút ra được nhiều kinh nghiệm cho các xã khác đang triển khai, như tạo sự đồng thuận, huy động sức dân, hiến đất, ngày công lao động...

 

Hiện nay ở 8 xã điểm, bình quân chỉ còn 1,15 – 1,8 thửa/hộ (trước chưa dồn điền là 3,7 thửa/hộ); nhân dân đã đóng góp hơn 1,2 triệu m2 đất để chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hạ tầng. Với những kinh nghiệm trên, các địa phương trong tỉnh đang tích cực tập trung chỉ đạo công tác dồn điển đổi thửa; hiện có 14 xã hoàn thành, tổng khối lượng đào đắp gần 640 nghìn m3; toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2012 hoàn thành xong dồn điền đổi thửa...

           

Cuộc cánh mạng về “Tam nông” nhằm mục tiêu phát triển nông thôn toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị cơ sở... đã thực sự đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, với mục tiêu: sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xóm văn minh, quản lý dân chủ; phấn đấu đến năm 2015 có trên 25% số xã đạt xã nông thôn mới. Do đó, việc xây dựng NTM là nhiệm vụ lâu dài, trường kỳ, mỗi người dân phải nêu cao trách nhiệm để góp công sức, tiền của vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh.

 

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày