Thứ 3, 23/07/2024, 20:22[GMT+7]

Nét mới sau dồn điền đổi thửa ở Hồng Minh

Thứ 4, 27/07/2011 | 09:15:43
2,152 lượt xem
Những cánh đồng lúa lần đầu tiên được ứng dụng theo phương pháp gieo thẳng ở vụ xuân, một “rừng ớt” rộng 6 ha chín đỏ, dự án trại lợn sạch rộng trên 5 ha đang chuẩn bị đầu tư xây dựng...đó là những nét mới sau dồn điền đổi thửa mà xã Hồng Minh (Hưng Hà) đã nỗ lực đạt được trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM).

Cùng với việc dồn điền, đổi thửa, xã Hồng Minh tập trung sức lao động xây dựng và cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, phục vụ sản xuất và xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Trọng Lộ, Bí thư Đảng bộ xã phấn khởi tâm sự: Cái được lớn nhất ở đây đó là sự đồng thuận của nhân dân về xây dựng NTM, nên khi xã tiến hành dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng...bà con đều tự nguyện hiến đất, ngày công lao động; sau dồn điền, đổi thửa việc tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn đã và đang hình thành.

           

Hồng Minh, có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 617,12 ha; trong đó diện tích cấy lúa 363,12 ha, trồng cây màu 185,17 ha; bình quân 514 m2/ khẩu. Trước đây sản xuất nông nghiệp của xã còn nhiều bất cập, như thiếu quy hoạch đồng bộ, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún; hệ thống giao thông nội đồng không đáp ứng được yêu cầu cơ khí hoá nông nghiệp; bờ vùng, bờ thửa chưa quy hoạch hoàn chỉnh gây khó khăn cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm hạn chế năng suất lao động, cũng như giá trị cây trồng...

 

Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã xác định để xây dựng NTM thành công, trước hết sản xuất phải phát triển, làm nền móng cho các bước tiếp theo. Do đó, để sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hoá nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Làm được việc này không hề đơn giản, bởi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của người dân vẫn còn ăn sâu và đồng ruộng có sự chênh lệnh nhau về chất đất giữa các vùng.

 

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện phải tuân thủ theo Luật Đất đai và các văn bản qui phạm pháp luật hiện hành, giữ nguyên số khẩu, mức diện tích đất nông nghiệp giao ổn định của các hộ, cá nhân theo các quyết định của UBND tỉnh...Trong khi đó, mục tiêu của việc dồn điền đổi thửa phải hoàn thành trong thời gian ngắn và đáp ứng được sản xuất hàng hoá, đưa cơ giới hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh CNH - HĐH nông nghiệp theo tiêu chí NTM đề ra.

 

Trước những khó khăn trên, Hồng Minh đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để học tập, quán triệt Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM. Theo đó, công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp được tuyên truyền mạnh mẽ tới từng hộ dân, làm cho mọi người nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc này. Hồng Minh đã vận động các gia đình trong cùng dòng họ, hoặc một nhóm hộ với nhau nhận vào một vùng để sản xuất, sau hộ nào có điều kiện thuê, mượn lại ruộng đầu tư thâm canh theo hướng hàng hoá được thuận lợi hơn...

 

Hồng Minh, sau dồn điền đổi thửa, bình quân còn 1, 8 thửa ruộng nội đồng/ hộ; 1, 9 thửa vùng bãi / hộ. Trong đắp bờ vùng, bờ thửa, giao thông, thuỷ lợi nội đồng Hồng Mình đã vận động các thôn tự tổ chức cho các gia đình ra đào đắp, với hình thức góp công hoặc bằng tiền. Mỗi một sào ruộng, người dân phải góp 1 công lao động, nếu không đào đắp thì đóng tiền để thuê lao động khác thay mình....Cách làm này, rất công khai dân chủ, tất cả đều do các hộ tự tính toán với nhau, ai cũng như ai nên phát huy được hiệu quả cao. Tổng các hộ đã đóng góp trên 20 ha đất để làm đường giao thông nội đồng, trị giá quy đổi đạt 20 tỷ đồng; góp ngày công lao động làm giao thông thuỷ lợi với khối lượng đào đắp trên 100 nghìn m3, trị giá quy đổi trên 3, 5 tỷ đồng.

           

Ông Nguyễn Trọng Lộ, cho biết thêm, ngay sau dồn điền đổi thửa xong, xã đã chỉ đạo thôn Tân Mỹ, Thọ Phú sản xuất lúa xuân năm 2011 bằng phương pháp gieo thẳng, với diện tích 45 ha. Phương thức sản xuất này lần đầu tiên được áp dụng rộng rãi ở 2 thôn trên và đã đem lại hiệu quả rõ rệt về chi phí, năng suất lúa. Do các thửa ruộng rộng rãi, liền kề, bờ thửa to nên việc đưa máy móc vào sản xuất rất thuận tiện, từ khâu làm đất đến gieo sạ hàng, gặt; mỗi héc-ta  tăng thêm thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng so với cấy lúa thủ công trước đây.

 

Đặc biệt, Hồng Minh đã xuất hiện hình thức tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hoá quy mô lớn ở vùng đất bãi. Điển hình là hộ ông Bùi Quốc Sự, thôn Minh Xuyên đã thuê lại ruộng đất của các hộ dân với diện tích trên 6 ha để trồng ớt. Nếu như trước đây, một năm các hộ sản xuất được 2 vụ ngô và 1 vụ đỗ, trừ mọi chi phí lãi được khoảng 1, 5 triệu đồng/ sào; với cách làm mới của ông Sự, các hộ không những vẫn có khoản lời trên mà còn có thêm việc làm để tăng thu nhập ngay trên mảnh ruộng của mình. Mỗi sào, ông Sự trả cho người dân 1, 5 triệu đồng/ năm và thuê chính những hộ này làm công ăn lương cho ông với giá 60 nghìn đồng / lao động / ngày. Cách làm này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ cho thuê ruộng mà nó đã hình thành một cách làm ăn mới cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần khi chưa dồn điển đổi thửa. Hiện ông Sự chi phí khoảng 5, 8 triệu đồng/ sào ớt / năm, gồm tiền thuê đất, công lao động, giống, phân bón, thuốc trừ sâu...; giá trị một sào ớt bình quân đạt khoảng 10 triệu đồng, trừ hết chi phí ông còn lãi trên 4 triệu đồng.

 

Như vậy, với 6 ha ớt gia đình ông đã thu lời hàng trăm triệu đồng / năm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ. Không chỉ có trồng trọt quy mô lớn, nơi đây đang tiếp nhận dự án trại lợn sạch của Công ty cổ phần sàn giao dịch đầu tư VICOMIEN, với số vốn đầu tư 121.500 triệu đồng, trên diện tích 5, 2 ha. Dự án này sẽ nuôi lợn theo mô hình trang trại công nghiệp để cung cấp giống lợn cao sản và sản phẩm lợn thịt chất lượng cao đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường trong tỉnh và các vùng lân cận.  

 

Khi đi vào hoạt động dự kiến hàng năm trại lợn sản xuất được 453 con lợn hậu bị, 25.553 con lợn thương phẩm (100kg/con); giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Hiện nay, dự án này đã trình UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan phê duyệt; trại lợn sạch sẽ đi vào sản xuất sau 36 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

           

 Từ khi Hồng Minh tiến hành dồn điền đổi thửa xong (cuối năm 2010) đến nay, tuy thời gian chưa phải là dài, nhưng những hiệu quả mà nó đem lại đã rất rõ về một hình thức sản xuất mới. Trong thời gian tới, nơi đây tiếp tục quy hoạch thêm 30 mẫu chuyên trồng màu và những cây xuất khẩu có giá trị kinh tế cao để tạo ra các  các vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn. 

                                                                                                                       Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày