Thứ 4, 27/11/2024, 14:44[GMT+7]

Các cấp hội phụ nữ Thái Bình Xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 29/08/2011 | 07:44:53
2,442 lượt xem
Bình xét cuối năm 2010, toàn tỉnh Thái Bình có 3.034 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Điều đó cho thấy, những hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm mà các cấp hội phụ nữ triển khai đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Các cấp hội góp phần xóa đói giảm nghèo là vận động chị em mở rộng sản xuất cả bề rộng lẫn chiều sâu. Trong ảnh: Phụ nữ Thụy Bình (Thái Thụy) thu hoạch rau màu. Ảnh: Ngọc Linh

Xóa đói giảm nghèo hiệu quả là một trong những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa, góp phần xây dựng nông thôn mới của các cấp hội phụ nữ thời gian qua.

 

Để đem lại hiệu quả cao nhất, ngày càng giúp được nhiều gia đình hội viên thoát nghèo bền vững, hàng năm các cấp hội phụ nữ tiến hành khảo sát, lập danh sách số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến đói nghèo của từng hộ, từ đó có giải pháp hỗ trợ thích hợp.

 

Kết quả khảo sát năm 2010 toàn tỉnh có trên 20 nghìn hộ nghèo, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn, thiếu việc làm, thiếu kiến thức. Để giúp chị em giải quyết bài toán khó “buôn tài không bằng dài vốn”, các cấp hội phụ nữ  tiếp tục đẩy mạnh khai thác các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) và các nguồn khác gần 919 tỷ đồng, cho 70.500 chị vay đầu tư sản xuất, kinh doanh... Muốn đồng vốn vay được chị em sử dụng đúng mục đích, sinh lời, tháng nào các cấp hội cũng tiến hành kiểm tra, giám sát hệ thống sổ sách theo dõi, quản lý vốn vay, kiểm tra nguồn vốn và hiệu quả sử dụng vốn của một số gia đình thành viên vay vốn.

 

Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng CSXH tổ chức 97 lớp tập huấn nghiệp vụ tín dụng ủy thác qua ngân hàng, cách ghi chép sổ sách vốn vay cho gần 4000 lượt cán bộ chuyên trách hội phụ nữ cấp tỉnh, huyện, thành phố, cấp xã cùng các thành viên Ban quản lý tổ tín dụng và vay vốn. Phối hợp với ngành nông nghiệp, các HTX dịch vụ nông nghiệp mở gần 3500 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc lúa, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia  cầm, dịch tai xanh ở lợn, bệnh vàng lùn, lùn sọc đen, đạo ôn, rầy hại lúa... cho trên 516 nghìn cán bộ, hội viên. Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng trong tham gia phòng chống, ngăn ngừa dịch cúm gia cầm và thiết lập mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại các hộ chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ cho 160 nông hộ thuộc 4 xã của huyện Thái Thụy và Vũ Thư. Hỗ trợ 8 hộ gia đình 64 triệu đồng phục vụ cho việc chăn nuôi an toàn sinh học. Tiếp tục giải ngân vốn quỹ quay vòng xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh hộ gia đình, đạt 35 tỷ đồng, cho trên 6000 hộ vay, nâng số hộ có công trình bảo đảm hợp vệ sinh lên 90%.

 

Chưa dừng lại ở đó, các cấp hội còn vận động cán bộ, hội viên hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phát động chị em tham gia tổ, nhóm tiết kiệm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào phụ nữ giúp nhau giống, vốn, tiền mặt, ngày công, vật liệu xây dựng... để cùng phát triển kinh tế gia đình.

 

Cụ thể, năm 2010, có hơn 97 nghìn chị giúp gần 40 nghìn phụ nữ nghèo, phụ nữ tàn tật, đơn thân 23,4 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2011 đã có hơn 185 nghìn chị giúp trên 85 nghìn chị tổng số tiền 12 tỷ đồng. 90% chị em vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ tín dụng và vay vốn, với số tiền lên tới hơn 19 tỷ đồng. Số tiền đó, vừa để trả lãi vay ngân hàng, vừa giúp các thành viên khác trong tổ vay đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao thu nhập.  Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương”, các cấp Hội đã quyên góp ủng hộ xây dựng được 10 nhà, trị giá trên 200 triệu đồng và hàng trăm ngày công, 6 tháng đầu năm 2011 khánh thành, trao tặng 5 nhà cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Thêm một việc làm nữa của các cấp hội góp phần xóa đói giảm nghèo là vận động chị em mở rộng sản xuất cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đó là tăng hiệu suất sử dụng đất trên một đơn vị canh tác, tăng năng suất cây trồng, phòng chống tốt dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động cho phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị giao ban, học tập kinh nghiệm doanh nhân nữ cụm các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Duyên Hải, trên 70 chị tham dự. Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và 2 khóa tập huấn đào tạo giảng viên về năng lực cho cán bộ quản lý doanh nghiệp, quy trình chế biến thực phẩm. Phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi tổ chức hội thi tay nghề giỏi người khuyết tật toàn tỉnh lần thứ II.

 

Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh thường xuyên mở lớp dạy nghề may công nghiệp, may dân dụng, nấu ăn, nghề tiểu thủ công nghiệp cho gần 2000 lao động. Mở lớp đào tạo kiến thức quản lý doanh nghiệp cho 360 nữ chủ doanh nghiệp. Hội phụ nữ các huyện, thành phố, cơ sở hội phối hợp với nữ chủ doanh nghiệp và các ngành mở hơn 250 lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ, thu hút trên 10 nghìn hội viên tham gia, giới thiệu và tiếp tục tìm việc làm mới cho hàng ngàn chị em. Đó là những việc làm thiết thực của các cấp hội phụ nữ trong thời gian qua.

 

Đỗ Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày