Thứ 3, 23/07/2024, 22:30[GMT+7]

Chính sách hỗ trợ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp Tạo sự đồng bộ các khâu sản xuất hàng hoá

Thứ 6, 09/09/2011 | 09:33:10
2,135 lượt xem
Với Chính sách hỗ trợ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, đưa các loại máy hiện đại vào phục vụ sản xuất đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao giá trị hàng hoá nông sản thực phẩm. Ở một số nơi nhiều khâu sản xuất được cơ giới hoá 100% như làm đất, tưới nước, ra hạt...đã tạo lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác cao gấp nhiều lần so với làm thủ công.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Ngọc Trâm

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.300 máy các loại, kho bảo quản phục vụ sản xuất nông nghiệp (không tính máy công suất nhỏ); trong đó 238 máy gặt đập liên hợp, 222 máy làm đất đa năng, 22 máy gieo đậu tương...Thông qua đưa các loại máy hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực  chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao giá trị hàng hoá nông sản thực phẩm. Ở một số nơi nhiều khâu sản xuất được cơ giới hoá 100% như làm đất, tưới nước, ra hạt...đã tạo lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác cao gấp nhiều lần so với làm thủ công.

 

Ngay khi có Quyết định 2622/QĐ-UBND năm 2008 của UBND tỉnh về hỗ trợ cá nhân, tập thể mua máy nông nghiệp và xây dựng kho lạnh phục vụ sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã tạo được mốc son ấn tượng, lần đầu tiên đạt 35 nghìn ha gieo trồng cây vụ đông. Bởi nhờ có cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh nên nhiều cá nhân, tập thể đã mua máy gặt đập liên hợp, làm đất đa năng, xây dựng kho lạnh để bảo quản giống...nên tiến độ được bảo đảm để mở rộng tối đa diện tích gieo trồng cây vụ đông đúng lịch thời vụ.

 

Năm 2009, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định số 2032/QĐ-UBND về việc bổ sung chính sách hỗ trợ mua máy nông nghiệp, đã khích lệ thêm nhiều hộ đầu tư mua máy phục vụ sản xuất, góp phần đẩy nhanh tiến độ mùa vụ. Đây là năm có diện tích cây trồng vụ đông lớn nhất tại thời điểm này, đạt trên 40 nghìn ha, vượt kế hoạch trên 2 nghìn ha.

 

Theo tính toán của các hộ sản xuất và HTX dịch vụ nông nghiệp, nhờ có các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh không chỉ đem lại hiệu quả về gắn kết mùa vụ, mở rộng diện tích cây trồng vụ đông mà còn nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích so với làm thủ công gấp nhiều lần. Cụ thể, khi đưa máy gặt đập liên hợp (cắt và tuất lúa, làm sạch) vào phục vụ sản xuất, thời gian thu hoạch 10 mẫu chỉ mất một ngày, với 5 lao động chính; gặt thủ công cần tới gần 100 lao động (chưa tính tuất lúa). Trong khi đó gặt bằng máy lại giảm chi phí từ  2.160 nghìn đồng đến 2.700 nghìn đồng/ ha. Hay đối với gieo sạ cũng giảm tối đa lực lượng lao động và chi phí sản xuất, như không mất công làm đất gieo, nhổ mạ, cấy lúa...giảm chi phí từ 2.700 nghìn đồng đến 3.240 nghìn đồng/ ha; làm đất bằng máy đa năng giảm chi phí trên 2 triệu đồng/ ha. Như vậy, mỗi ha gieo trồng tính từ khâu thu hoạch, làm đất...bằng máy móc người nông dân đã tiết kiệm chi phí từ 7 – 8 triệu đồng/ ha.

 

Anh Lương Văn Nhu, xã Tây An (Tiền Hải) cho biết, anh mới mua một máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ thu hoạch lúa mùa năm 2011 cho bà con nông dân, hiệu quả bước đầu đem lại khá cao cho cả người thuê gặt và chủ máy. Một ngày máy gặt của anh thu hoạch được 10 mẫu lúa, với giá 100 – 120 nghìn đồng/ sào;  anh trả công người làm và tiền xăng dầu chi phí hết khoảng 40 nghìn đồng, còn lãi khoảng 60 nghìn đồng/ sào. Cùng với lợi nhuận của chủ máy, người nông dân cũng giảm chi phí được 80 – 100 nghìn đồng/ sào; bởi thuê người gặt, tuất lúa chi phí trên 200 nghìn đồng/ sào.

 

Đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp không chỉ  giải bài toán về lao động, giảm chi phí, yếu tố quan trọng hơn cả đó là tạo ra các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn. Hiện nay, việc tích tụ ruộng đất đã và đang là hướng chủ đạo trong việc chỉ đạo, lãnh đạo sản xuất ở các địa phương. Công tác dồn điền đổi thửa đang được thực hiện ở 100% xã trong tỉnh, sau khi việc này hoàn thành sẽ tạo ra những cánh đồng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hoá, do đó đưa cơ giới vào các khâu sản xuất là điều tất yếu. Song, thời gian qua việc mua máy của các cá nhân, tập thể cũng không được nhiều; đến mùa vụ lại xảy ra tình trạng thiếu lao động, không bảo đảm tiến độ theo lịch thời vụ...Điển hình nhất là việc thu hoạch lúa xuân và gieo cấy lúa mùa năm 2011 vừa qua. Thời gian giữa hai vụ  ngắn, chưa đến 30 ngày vừa phải gặt, gieo mạ, làm đất cấy...do đó nhiều địa phương đã không bảo đảm được tiến độ theo kế hoạch của tỉnh đề ra, như Tiền Hải, Thành phố.

 

Anh Nguyễn Thanh Liêm, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tiền Hải cho biết: Thời gian gắn kết giữa hai vụ ngắn nên nhiều khâu sản xuất không đáp ứng kịp, một trong những nguyên nhân  dẫn đến tình trạng này đó là thiếu máy gặt, cày công suất lớn. Toàn huyện có khoảng trên 1 nghìn máy làm đất, nhưng chỉ có 32 máy làm đất đa năng, còn lại là máy cày tay; với số máy trên bình quân một ngày chỉ làm được 425 ha, để làm xong toàn bộ diện tích đất cấy phải mất 26 ngày. Do đó, đến 10/8 Tiền Hải mới cấy xong, chậm so với lịch của huyện là 20 ngày (20/7), chậm 15 ngày so với kế hoạch của tỉnh (25/7).

 

Mặc dù đã có những cơ chế chính sách hỗ trợ mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng thời gian qua vẫn không khuyến khích được nhiều người đầu tư. Theo ông Bùi Ngọc Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Hưng Hà, nguyên nhân trước đây cơ chế chỉ hỗ trợ máy cày mới có công suất 25 CV trở lên, do đó nhiều hộ không có đủ kinh phí để mua; máy cũ của Nhật, Hàn Quốc công suất 24 CV hợp với túi tiền người dân và đồng ruộng của mình, nhưng không được hỗ trợ nên số đầu máy không tăng mạnh.

 

Để tiếp tục tạo sự đồng bộ trong các khâu sản xuất hàng hoá, cũng như phát huy hiệu quả của việc đưa cơ giới hoá và tháo gỡ những khó khăn cho cơ sở trong quá trình thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ mua máy nông nghiệp của tỉnh, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1643/QĐ-UBND ngày 16/8/2011 về việc bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2011. Theo đó, máy gặt đập liên hợp được hỗ trợ phải bảo đảm quy trình hoạt động từ vơ - cắt – chuyển đập – làm sạch, không phá vỡ mặt bằng canh tác khi sử dụng, có công suất từ 40 CV trở lên, bề rộng mặt cắt từ 1,6 m trở lên. Máy làm đất đa năng bảo đảm đầy đủ các chức năng cày, bừa, phay đất, bơm nước, gieo hạt; sử dụng được trên ruộng thụt 30 cm; có công suất động cơ từ 24 CV trở lên. Mức hỗ trợ của hai loại máy mới này là 50% đơn giá mua máy, nếu là máy nước ngoài thì được hỗ trợ 50% đơn giá do Việt Năm sản xuất  có cùng công suất, chủng loại, bề rộng cắt...Máy làm đất đa năng, gặt đập liên hợp đã qua sử dụng của Nhật, Hàn Quốc sản xuất từ năm 1991 trở lại đây; mức hỗ trợ là 35% giá máy do Việt Nam sản xuất trong nước có cùng công suất, chủng loại và chỉ hỗ trợ 1 lần.

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày