Thứ 7, 23/11/2024, 19:31[GMT+7]

Nước sạch nông thôn: Kỳ tích mới của Thái Bình

Thứ 6, 27/04/2018 | 10:15:49
2,266 lượt xem
Điều gì đã khiến hơn 400.000 hộ dân của tỉnh Thái Bình quyết tâm đập bể nước mưa để chuyển sang mua nước sạch? Đó là cả một câu chuyện dài về những nỗ lực của các cấp, các ngành khi quyết tâm đưa nước sạch về tới từng thôn làng, từng hộ dân.

Người dân xã Vũ Hội (Vũ Thư) sử dụng nước sạch chăm sóc rau an toàn.

10 năm trước, chưa bao giờ bà Nguyễn Thị Mai và hàng nghìn hộ dân ở xã Thụy Trường (Thái Thụy), lại nghĩ rằng có một ngày họ phải bỏ tiền ra mua nước sạch về dùng. Bởi vì, nước ao, nước sông hồ, nước giếng khoan và nước mưa là một phần đương nhiên trong cuộc sống của người dân nơi đây. 

Vậy điều gì đã khiến hơn 400.000 hộ dân của tỉnh Thái Bình quyết tâm đập bể nước mưa để chuyển sang mua nước sạch? Đó là cả một câu chuyện dài về những nỗ lực của các cấp, các ngành khi quyết tâm đưa nước sạch về tới từng thôn làng, từng hộ dân.

Chưa bao giờ nghĩ phải bỏ tiền mua nước

Từ năm 2000, tỉnh đã có chủ trương đưa nước sạch về nông thôn để bảo đảm sức khỏe cho người dân. Thế nhưng, làm thế nào để người dân ở một nơi bốn bề là sông với biển, chịu bỏ tiền ra lắp đường ống nước, rồi hàng tháng lại trả tiền mua nước sạch. Đây là điều rất khó có thể thực hiện.

Đầu những năm 2000, câu chuyện đóng tiền mua nước sạch đã được chính quyền địa phương nhắc tới, nhưng lại trở thành đề tài để người dân đàm tiếu: “Chả dại mà bỏ tiền mua nước của cái ông doanh nghiệp gì đó. Nước ở nhà dùng 3 đời nay vẫn khỏe”.

Thậm chí, biết là nguồn nước dùng lâu nay không bảo đảm, bởi tỷ lệ mặn và kim loại cao nhưng 170 hộ dân của thôn Đồng Xuân (xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy) vẫn sử dụng nước của trạm xử lý nước ngầm mini của HTX muối Đồng Xuân xây dựng từ năm 2003. 

Ông Vũ Văn Tiến, thôn Đồng Xuân thẳng thắn: Lắp nước máy lại mất 2,5 triệu đồng tiền đồng hồ. Rồi mất công, mất sức đập bể nước mưa, phải bỏ cả máy bơm, hệ thống lọc nước giếng khoan… hàng triệu đồng. Nói chung rất lãng phí.

Trạm xử lý nước ngầm của HTX muối Đồng Xuân (xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy).

Câu chuyện của xã Thụy Trường là điển hình cho thực trạng phổ biến của người dân khu vực nông thôn sử dụng nước giếng khoan, nước không hợp vệ sinh để sinh hoạt hàng ngày của những năm 2015 trở về trước. Tư tưởng cố hữu này đã ăn sâu, bám chặt nhiều đời nay, để đập bỏ không phải là đơn giản.

Ông Lê Xuân Quảng, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cảnh báo: Hiện trạng nước giếng ngày càng nhiễm phèn, bẩn hơn rất nhiều, do ảnh hưởng của nguồn nước bị ô nhiễm. Nhiều người chưa biết hết tác động của nguồn nước bị nhiễm phèn tác động như thế nào tới sức khỏe của mình. Sử dụng lâu dài dễ gây các bệnh nguy hiểm, nhất là ung thư.

Chính sách đi trước một bước

Trước thực trạng người dân nông thôn thiếu nước sạch để sinh hoạt và khai thác nguồn nước ngầm tùy tiện, từ năm 2012, tỉnh đã quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp. “Khó, nhưng không phải là không làm được!” là nhận định của lãnh đạo tỉnh khi đó.

Nhiều nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo liên quan đến nước sạch được ban hành. Liên tục trong các năm 2012, 2014, UBND tỉnh ban hành các Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND và Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2012 - 2015. Đây được coi là căn cứ quan trọng để Thái Bình triển khai thực hiện việc cấp nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn.

Từ quyết tâm của chính quyền, nhiều nguồn vốn cũng được ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình liên quan đến cung ứng nước sạch như: vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn xã hội hóa… Cái khó về kinh phí đã có lời giải nên các ngành và các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện để mạng lưới nước sạch sớm phủ kín các thôn làng. 

Ông Ðinh Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình nhớ lại: Thực hiện chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, quản lý công trình nước sạch nông thôn tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Ngoài trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, Ngân hàng tổ chức đi thực tế khảo sát, kiểm tra tại các dự án nước sạch để nắm bắt thông tin, từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp vay vốn tín dụng thuận lợi.

Các chính sách phù hợp, sát với thực tế của tỉnh đã bắt đầu có sức hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh nước sạch nông thôn. Sau nhiều năm dẫn đầu về phong trào xây dựng đường nông thôn, cuối năm 2016, Thái Bình lại lập một “kỷ lục nhất” nữa: là địa phương dẫn đầu cả nước với 100% các xã trên địa bàn đã hoàn thành lắp đặt đường ống cấp 1 đến trung tâm xã.

Nhưng còn đó những khó khăn

Những dòng nước mát hợp vệ sinh đưa về làng quê đã mang lại luồng sinh khí mới cho người dân nông thôn. Nhiều người đã bắt đầu tin rằng, có nước sạch, đói nghèo và bệnh tật sẽ không còn là nỗi ám ảnh ở nhiều làng quê, tâm lý chờ đợi được dùng nước sạch trở nên nóng sốt hơn. 

Từ quyết tâm của các cấp chính quyền và sự thay đổi trong nhận thức của người dân, một sự chuyển động chưa từng có về nước sạch đã bắt đầu xuất hiện trên các vùng quê Thái Bình. Nếu như năm 2012, tổng vốn đầu tư các công trình nước sạch của Thái Bình chỉ là hơn 613 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã có trên 2.000 tỷ đầu tư xây dựng, quản lý 56 công trình cấp nước. 

Thế nhưng thực tế, để nước sạch về được tới tận hộ dân với tỷ lệ 100% thì  vẫn còn đó những khó khăn. Những bất cập bắt đầu bộc lộ. Tiếng kêu về chất lượng nguồn nước bắt đầu vang lên. Dân vẫn khát nước sạch! Tháng 7/2016, gần 2.000 hộ dân xã Vũ Hội (Vũ Thư) sử dụng nguồn nước sạch do xã cung cấp luôn trong tình trạng lo lắng về chất lượng. 

Ông Đỗ Ngọc Oanh, thôn Hiếu Thiện, xã Vũ Hội nhấn mạnh: Nói chung những năm trước kia nước còn bảo đảm nhưng giờ thì ô nhiễm lắm nên chúng tôi ai cũng lo lắng.

Tháng 9/2017, người dân của 17 xã thuộc phạm vi cấp nước của Công ty Cổ phần Nước sạch Hưng Hà phản ánh lên các cấp chính quyền đề nghị giải quyết tình trạng mất tiền mà không được dùng nước sạch. Nhiều gia đình đã đập bể nước mưa thay thế bằng téc nước máy, nhưng chờ mãi mà không thấy doanh nghiệp thực hiện cam kết đấu nối cấp nước sạch nông thôn. Chất lượng nước của một số doanh nghiệp, trạm cấp nước như trạm cấp nước thị trấn Hưng Hà, thị trấn Hưng Nhân, Công ty TNHH Bitexco Nam Long, trạm Phương La, trạm Thanh Cách… bỗng trở nên thất thường.

Ngoài những trạm cấp nước thất thường về chất lượng, 18 công trình nước sạch khác trên địa bàn tỉnh đã ngừng hoạt động, trong khi tổng công suất thiết kế của các công trình này lên tới 4.800m3/ngày đêm với tổng số hộ dân được cấp nước là 12.595 hộ.  

Trước năm 1998, tỉnh Thái Bình chỉ có khoảng 16.000 nhân khẩu sử dụng nước sạch thì đến ngày 31/12/2017, Thái Bình đã có 429.687 hộ dân sử dụng nước sạch (đạt 77,8%). Như vậy, sau gần 10 năm, số nhân khẩu sử dụng nước sạch đã tăng lên gấp hàng trăm nghìn lần.

Vì mục tiêu 100% hộ dân được dùng nước sạch

Nhiều người dân ở thành phố sẽ không hiểu vì sao việc đưa nước sạch đến 100% hộ dân nông thôn lại khó khăn, vất vả như vậy. Với các cấp, các ngành của tỉnh, mục tiêu đến ngày 30/4/2018, phấn đấu 100% hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch trong sinh hoạt vẫn là một hành trình đầy thử thách.

Nắm bắt tâm tư, ý kiến của nhân dân, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, ngành đã tích cực vào cuộc. Ngày 23/8/2017, đoàn công tác của UBND tỉnh và UBND huyện Vũ Thư đã xuống kiểm tra tình hình cung cấp nước sạch tại địa bàn xã Tam Quang, chỉ đạo nhà máy nước Nam Long khẩn trương khắc phục mọi khó khăn để cấp nước sớm nhất cho người dân.

Tại huyện Hưng Hà, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trực tiếp về chỉ đạo, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện cấp nước sạch cho người dân 17 xã của huyện Hưng Hà.  “Nếu ngày 16/11/2017, Công ty không triển khai các nội dung nêu trên hoặc không đúng tiến độ trong kế hoạch thì đơn vị  hoàn toàn chịu trách nhiệm và chấp thuận để UBND tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch cấp nước của dự án cho các doanh nghiệp khác” là chỉ đạo đanh thép của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tại buổi làm việc này.  

Kết quả, đến ngày 31/12/2017, huyện Hưng Hà - từ địa phương có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh thấp nhất tỉnh, dưới 30%, đã nâng lên trên 65%.

Nhiều người dân vẫn đang phải sử dụng nước ao hoặc nguồn nước không bảo đảm khác.

Vướng mắc ở đâu tháo ngay tại đó

“Không thể để nước sạch dừng chân ở cổng làng mà phải đến thẳng được hộ dân” là nhấn mạnh của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại nhiều cuộc họp.

Quyết tâm nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại tất cả các địa phương trên địa bàn cũng được lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện. Không chỉ vậy, lãnh đạo UBND tỉnh nêu hẳn một thời hạn yêu cầu các nhà đầu tư phải quyết tâm thực hiện: “Đến ngày 31/12/2017, các dự án đã hoàn thành đường ống cấp 1, phải đạt tỷ lệ đấu nối trên 80%. Các dự án đang trong quá trình hoàn thiện, mở rộng quy mô phải đẩy nhanh tiến độ xây lắp và phải đạt tỷ lệ đấu nối 65%. Sau mốc thời gian này, các doanh nghiệp chậm tiến độ sẽ bị tỉnh xem xét điều chỉnh mạng lưới, thậm chí rút giấy chứng nhận đầu tư, căn cứ vào mức độ vi phạm”.

Hội Cựu chiến binh thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà) tuyên truyền hội viên dùng nước sạch thay nước giếng.

Quyết tâm thôi, chưa đủ!

Báo cáo của các huyện, thành phố cho biết: tính đến hết tháng 10/2017, toàn tỉnh có 359.022 hộ dân của 267 xã đã đấu nối, sử dụng nước sạch, đạt tỷ lệ 66%, trong đó có 5/8 huyện, thành phố đạt tỷ lệ đấu nối, sử dụng nước sạch (từ 65% trở lên), còn 3/8 huyện gồm Hưng Hà (29,2%), Quỳnh Phụ (51,15%), Đông Hưng (60,9%) chưa đạt. 

Nguyên nhân được Ban Chỉ đạo việc triển khai thực hiện dự án đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh Thái Bình chỉ ra, đó là: nhận thức của nhân dân trong việc sử dụng nước sạch còn hạn chế, mang nặng tư tưởng bao cấp. Nhiều hộ dân chưa thấy rõ việc sử dụng nước sạch, mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe và sự phát triển bền vững…

Tại các địa phương, chính quyền và tổ chức đoàn thể chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc đẩy mạnh sử dụng nước sạch nông thôn, còn phó mặc cho các doanh nghiệp cấp nước. Vẫn còn một số địa phương chưa kịp thời, sát sao và còn chậm trễ trong việc phối hợp với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Những giải pháp mang tính quyết định

Liên tiếp các hội nghị tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc trong đấu nối nước sạch nông thôn với sự tham gia của các doanh nghiệp và các xã có tỷ lệ đấu nối thấp được tổ chức. Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo. Nếu sau ngày 31/12/2017 địa phương nào, xã nào không đạt tối thiểu từ 65% số hộ đấu nối trở lên, thì sẽ tổ chức thanh tra công vụ và thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu tại cấp xã, huyện... Đối với các công ty cấp nước sạch thực hiện chậm trễ, không cấp nước kịp thời cho các hộ dân trong phạm vi dự án, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, hoặc dự án có tỷ lệ đấu nối thấp dưới 65%, thì chưa xem xét giải quyết đề nghị hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp. Thời hạn phải hoàn thành chậm nhất đến ngày 15/3/2018.

Hội Nước sạch tỉnh cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, thực hiện 6 công khai theo chỉ đạo của tỉnh trong quá trình cấp nước sạch tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, cụm dân cư để nhân dân biết, hưởng ứng sử dụng nước sạch. Những quyết sách triển khai, tháo gỡ kịp thời đã khơi thông mọi ách tắc. Rào cản giữa doanh nghiệp và người dân được đập bỏ. Người dân bắt đầu yên tâm dùng nước sạch. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng minh bạch hơn.

Kết quả từ những nỗ lực này cho thấy, đến ngày 31/12/2017, toàn tỉnh đã có 429.687 hộ dân của 276 xã, thị trấn đã đấu nối, sử dụng nước sạch, đạt tỷ lệ 77,8%. Nếu không tính 17 xã thuộc phạm vi cấp nước của Công ty Cổ phần Nước sạch Hưng Hà thì tỷ lệ đấu nối, sử dụng nước sạch bình quân đạt 84,05%.

Mạnh mẽ trong những chỉ đạo và uyển chuyển linh hoạt trong việc áp dụng các chính sách, nước sạch phổ rộng khắp các xã trong tỉnh đã và đang làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thái Bình. Ước mơ nước sạch từ bao đời nay của những người nông dân chân lấm, tay bùn sẽ không còn những rào cản. Mục tiêu đến ngày 30/4/2018, tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh đạt 100% đang rất gần.

Nhìn vào năng lực lãnh đạo ở một địa phương, sâu sát nhất là phải nhìn vào mâm cơm của từng gia đình người dân - cứ suy từ câu nói này của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thì có thể thấy rõ tâm huyết của lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Một việc tưởng chừng như đơn giản, nhỏ bé là đưa nước sạch về tận từng nhà, phục vụ nhu cầu ăn uống sạch của từng hộ dân nhưng lại chuyên chở được nhiều điều về một tư duy lãnh đạo sát thực tiễn. Bởi chất lượng cuộc sống của mỗi người dân nâng cao phải được bắt đầu từ điều cơ bản ấy. Và sự phát triển bền vững của tỉnh cũng phải từ những điều cơ bản ấy.

Trường Giang

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày