Thứ 3, 23/07/2024, 22:27[GMT+7]

Dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp: Con đường tất yếu để tiến đến sản xuất hàng hoá lớn

Thứ 6, 30/09/2011 | 10:35:30
2,503 lượt xem
Hiệu quả sau dồn điền đổi thửa đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, cơ bản tạo được ô thửa lớn. Việc dồn điền đổi thửa cũng đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá. Đặc biệt, qua việc dồn điền đổi thửa đã giúp nông dân đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bố trí lại cơ cấu mùa vụ, áp dụng

Cánh đồng An Cố Trung (Thụy An) được chỉnh trang sau dồn điền đổi thửa. Ảnh: Nguyễn Hình

Với diện tích đất nông nghiệp chiếm 61% tổng diện tích đất tự nhiên, những năm qua tỉnh ta đã nhiều lần tổ chức vận động dồn điền đổi thửa với mục tiêu và lợi ích chung. Thế nhưng, nhìn lại thực tế các địa phương đã thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp trong thời gian qua thì kết quả đạt được vẫn chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu của tỉnh đề ra. Ruộng đất vẫn còn manh mún, số thửa ruộng bình quân 3,58 thửa/hộ, còn nhiều thửa diện tích nhỏ từ 10 - 12 m2, hệ thống bờ vùng, bờ thửa nhỏ hẹp, chưa được cứng hoá gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất.

 

Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, điều quan trọng là phải quy hoạch lại đồng ruộng theo hướng quy vùng sản xuất hàng hoá, quy hoạch giao thông, thuỷ lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu cơ giới hoá và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tăng năng suất lao động. Và để thực hiện thành công được công tác quy hoạch này hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào việc dồn điền đổi thửa.

 

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường Thái Bình, đến nay các huyện, Thành phố đã tổ chức triển khai đề án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp đến 265/267 xã. Trong đó, 21 xã đã xây dựng phương án đồn điền đổi thửa, 15/21 xã đã tổ chức giao đất ngoài thực địa đến hộ gia đình theo phương án được phê duyệt bao gồm: Vũ Phúc (Thành phố), Trọng Quan (Đông Hưng), Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ), Thuỵ Trình (Thái Thuỵ), các xã Nguyên Xá, Tự Tân, Vũ Đoài, Vũ Tiến, Tân Phong (Vũ Thư), Thanh Tân, Bình Định, Vũ Sơn (Kiến Xương), Hồng Minh (Hưng Hà) và xã Nam Thịnh, An Ninh (huyện Tiền Hải). Kết quả dồn điền đổi thửa ở các xã đã giảm trên 20% số thửa ruộng. Điển hình như: Thanh Tân giảm 37,84%, Quỳnh Minh giảm 20,3%, Trọng Quan 33,88%.

 

Ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Thái Bình khẳng định: “Hiệu quả sau dồn điền đổi thửa đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, cơ bản tạo được ô thửa lớn. Việc dồn điền đổi thửa cũng đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá.

 

Đặc biệt, qua việc dồn điền đổi thửa đã giúp nông dân đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, bố trí lại cơ cấu mùa vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”. Việc dồn điền đổi thửa còn đồng thời làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập quán canh tác, phát triển ngành nghề dịch vụ tại nông thôn, tiết kiệm thời gian lao động, chi phí sản  xuất. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư và kinh nghiệm quản lý, sản xuất kinh doanh cũng có thể tham gia sản xuất kinh doanh trên những mảnh đất mà người nông dân đã dồn đổi. Những hộ có đất, có cùng hoạt động sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm nào đó cũng có thể cùng tham gia trong một tổ chức nhất định. 

 

Mặt khác, việc dồn điền đổi thửa đã gắn với công tác quản lý nhà nước về đất đai. Chuyển đổi ruộng đất  là dịp để tổng kiểm tra lại diện tích đất nông nghiệp, hoàn thiện công tác lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận QSD đất, rà soát, bổ sung, xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông thôn, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng đất trên địa bàn.

 

Lợi ích cho người nông dân sau dồn điền đổi thửa là điều khẳng định. Song, khó khăn của công tác này là đất đai trong các xã không đồng đều. Bên cạnh đó, dồn điền đổi thửa là công việc phức tạp, liên quan đến lợi ích của nông dân, một số người còn có tư tưởng hơn thiệt muốn giữ lại ruộng đã đầu tư cải tạo từ đợt  dồn đổi năm 2002. Một số cán bộ, đảng viên chưa thật sự tin vào chủ trương quy hoạch nông thôn mới và dồn điền đổi thửa của tỉnh... Do đó, để công tác dồn điền đổi thửa thành công, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người nông dân sau khi nhận thức được lợi ích của việc dồn đổi ruộng đất sẽ tự nguyện tham gia dồn điền đổi thửa cho nhau trên cơ sở sự chỉ đạo thống nhất của cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể là nhiệm vụ hàng đầu.

 

Từ thực tế của những mô hình, dồn điền đổi thửa phải gắn liền với công tác quy hoạch. Từng địa phương cần quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá theo từng cây, con ổn định, lâu dài. Cần có chủ trương và sự chỉ đạo thống nhất của các cấp chính quyền, tạo hành lang pháp lý và có chính sách hỗ trợ để xây dựng các mô hình trình diễn về dồn điền đổi thửa. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương để từ đó có giải pháp thực hiện phù hợp với thực tế. Việc dồn điền đổi thửa cần phải có quyết tâm cao, đồng thời bảo đảm sự đoàn kết, ổn định tình hình nông thôn. Phương án dồn đổi phải tuân thủ Luật đất đai và các  văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Phương án dồn điền đổi thửa ở các địa phương cần phải được bàn bạc dân chủ, công khai. Sau khi dồn đổi phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân. Điều quan trọng nhất là sau dồn điền đổi thửa phải bảo đảm ổn định và thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra nhiều mô hình kinh tế hiệu quả hơn so với trước khi thực hiện dồn điền đổi thửa.

 

Ngọc Mai

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày