Thứ 3, 23/07/2024, 22:41[GMT+7]

Dồn điền đổi thửa ở Bình Định Thành công nhờ sự đồng thuận cao

Thứ 5, 06/10/2011 | 10:46:32
1,898 lượt xem
Sau Thanh Tân, Bình Định là một trong hai xã của huyện Kiến Xương đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Đạt được thành công đó phải kể đến sự đồng thuận cao từ trong Đảng đến toàn thể nhân dân, quyết tâm hoàn thành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới (NTM), đưa Bình Định trở thành xã NTM vào năm 2015.

Vùng quy hoạch trồng lúa giống (thôn Hòa Bình, xã Bình Định, huyện Kiến Xương).

Đầu năm 2010, ngay sau khi hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng, Bình Định đã bắt tay ngay vào thực hiện công tác DĐĐT. Cùng với những thuận lợi, trong quá trình thực hiện DĐĐT ở Bình Định cũng gặp nhiều khó khăn. Ruộng đất có nhiều xứ đồng cao thấp không đều, xen canh, xen cư, xâm canh giữa thôn này với thôn khác; hệ thống giao thông, thủy lợi phức tạp, số lượng nhiều với 60,5 km đường, 74,2 km mương từ cách đây 40 năm nên khi xây dựng theo quy hoạch tiêu chuẩn NTM có sự thay đổi gần như cơ bản gây nên sự xáo trộn về diện tích đất canh tác, làm thay đổi nhiều về lô, thửa trên các cánh đồng.

 

Cùng với khó khăn đó, một số lãnh đạo địa phương còn thiếu kinh nghiệm về thực tiễn nên hiệu quả chỉ đạo còn thấp. Xác định trước những khó khăn đó, ngay sau khi có Nghị quyết 02 của Huyện ủy và Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, Bình Định đã sớm xây dựng Nghị quyết chuyên đề về DĐĐT và đào đắp giao thông thủy lợi. Bên cạnh đó, Bình Định còn chủ động xây dựng kế hoạch DĐĐT; đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo DĐĐT xã gồm 25 đồng chí và 5 tiểu ban, tổ chức nắm bắt hiện trạng và xây dựng dự thảo phương án thực hiện DĐĐT.

 

Theo đó, trên cơ sở các phương án, Ban chỉ đạo xây dựng các hướng dẫn chi tiết và thường xuyên bổ sung các văn bản chỉ đạo thống nhất trong toàn xã. Chính vì vậy, chỉ trong 5 tháng kể từ khi bắt đầu triển khai, công tác DĐĐT ở Bình Định đã hoàn thành với tỷ lệ bình quân 1,59 thửa/hộ, giảm 0,94 thửa/hộ so với trước khi DĐĐT; trong đó, từ 3.000m2 trở lên là 77 thửa, từ 2.000-3.000m2 là 679 thửa, từ 1.000-2.000m2 là 2.326 thửa và dưới 1.000m2 là 1.391 thửa. Các thôn có tỷ lệ thấp như: Ái Quốc (1,46 thửa/hộ, giảm 0,88 thửa/hộ), Hưng Đạo (1,43 thửa/hộ, giảm 1,29 thửa/hộ), Tân Đông (1,46 thửa/hộ, giảm 1,66 thửa/hộ). Cùng với việc hoàn thành DĐĐT, Bình Định còn hoàn thành đào đắp giao thông thủy lợi với tổng khối lượng đào đắp 96.489m3.

 

Bên cạnh đó, Bình Định còn vận động chuyển 32 hộ dân cư vùng lẻ vào vùng quy hoạch, quy hoạch 2 điểm TTCN với diện tích 3,5 ha, quy hoạch 2 bãi rác tập trung với diện tích 1,8 ha/ điểm và quy hoạch 5 địa điểm phục vụ làm nghĩa trang nhân dân, khu văn hóa thể thao của thôn với tổng diện tích 7.000m2. Đồng thời, tạo quỹ đất cho việc bán đấu  giá, bảo đảm ổn định thu ngân sách trong những năm tới.

 

Sở dĩ công tác DĐĐT ở Bình Định đạt được thành công là do có sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, thống nhất giữa xã và thôn, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là vai trò của Ban chỉ đạo DĐĐT, cán bộ thôn và các tổ công tác.

 

Ông Đinh Công Mấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định công tác DĐĐT là nhiệm vụ khó, đòi hỏi phải huy động nguồn lực, chủ yếu là sự đóng góp ngày công, tiền của, ruộng đất từ nhân dân. Do vậy, Bình Định đã phát huy tối đa dân chủ trong đảng và trong nhân dân. Việc thảo luận các phương án được tiến hành sâu rộng ở nhiều cấp độ như: xin ý kiến tham gia của cán bộ xã, thôn, đảng ủy viên, đại biểu HĐND xã với trên 200 văn bản dự thảo; tổ chức 10 hội nghị cán bộ xã, thôn với tổng số trên 700 lượt người tham gia...

 

Công tác tuyên truyền cũng được Bình Định tăng cường thực hiện thông qua nhiều hình thức: hội nghị, bảng, biển, khẩu hiệu; đài truyền thanh xã cũng đã mở chuyên mục NTM phát sóng hàng ngày trên hệ thống truyền thanh. Thông qua tuyên truyền, vận động nhận thức của nhân dân về xây dựng NTM nói chung và công tác DĐĐT nói riêng đã được nâng lên rõ rệt.

 

Điều đó được thể hiện qua sự đóng góp 100% công đào đắp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng với tổng số tiền quy đổi 2,013 tỷ đồng. Ngân sách xã và HTXDVNN chỉ chi trả 750 triệu đồng xây dựng các hệ thống đầu khâu, đầu bi và 250 triệu đồng phục vụ cho công tác DĐĐT bao gồm chi phí ngày công đo đạc, vật tư, thiết bị.

 

Hiệu quả của công tác DĐĐT ở Bình Định đã được phát huy ngay từ việc quy vùng đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất. Ông Đỗ Xuân Lục - Trưởng thôn Hòa Bình cho biết: Toàn thôn có tổng quỹ đất cơ bản 195 mẫu. Trước khi thực hiện DĐĐT, toàn thôn có bình quân 2,57 thửa/hộ; song dưới sự vận động của cán bộ thôn đã tạo nên sự đồng thuận cao trong dân; đến nay chỉ còn 1,7 thửa/hộ, toàn bộ bờ vùng đều có chiều rộng 4m thuận tiện trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

 

Ngay sau khi hoàn thành xong DĐĐT, vụ xuân năm 2011, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND và HTXDVNN xã, nhân dân thôn Hòa Bình đã đưa vào sản xuất 30 mẫu lúa giống BC15 cho Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình cho hiệu quả chênh lệch 2 triệu đồng/tấn so với thóc thường. Từ hiệu quả đó, bước sang vụ mùa năm 2011, nhân dân thôn Hòa Bình tiếp tục thực hiện gieo cấy lúa giống với tổng diện tích 40 mẫu. Ngoài ra còn quy hoạch 25 mẫu gieo cấy lúa giống Bắc thơm cho Công ty Giống cây trồng Kiến Xương và 45 mẫu gieo cấy lúa Bắc thơm.

 

Sau DĐĐT, Bình Định tiếp tục chỉnh trang đồng ruộng, cứng hóa kênh mương; phấn đấu cuối năm 2011, đầu năm 2012 hoàn thành các tiêu chí: nhà ở dân cư, giáo dục, thu nhập, thủy lợi và đến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành 14/19 tiêu chí Quốc gia về NTM.

                                                              Bài, ảnh: Minh Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày