Thứ 2, 20/05/2024, 15:58[GMT+7]

Quy hoạch - Yếu tố quyết định diện mạo nông thôn mới

Thứ 2, 24/10/2011 | 10:08:44
2,549 lượt xem
Thời gian qua, Thái Bình đã dồn mọi nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới( NTM). Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2013 có 8 xã, năm 2015 có 70 xã trở lên đạt 19 tiêu chí NTM; đến năm 2020, các xã còn lại đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đó cần làm tốt ngay từ khâu quy hoạch.

Thái Bình có dân cư đô thị chiếm 8,52%, còn lại dân số sống ở vùng nông thôn chiếm tới 91,48%. Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, khu vực nông thôn ở Thái Bình đã có bước phát triển toàn diện. Cơ cấu kinh tế  chuyển dịch theo hướng: giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như: điện -đường- trường-trạm, nước sạch, kênh mương phục vụ sản xuất, khu vực sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân không ngừng đươc cải thiện và nâng lên.

 

Tuy nhiên, xét tổng thể, khu vực nông thôn vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Hầu hết chính quyền địa phương, nhất là cấp xã chưa thực sự quan tâm đến công tác quy hoạch xây dựng tổng thể làng xã để có cơ sở hướng dẫn, quản lý xây dựng nên hiệu quả đầu tư chưa cao, chỉ giải quyết được những bức xúc trước mắt mà không đáp ứng được sự phát triển bền vững lâu dài, chưa khai thác hoặc đánh thức tiềm năng về đất đai, lao động nông thôn.

 

Bên cạnh đó, việc bố trí đất dân cư, đất sản xuất, hạ tầng KT-XH còn mang tính tự phát, chủ yếu dựa trên phong tục, tập quán của cư dân bản địa mà chưa bảm đảm yếu tố hệ thống, phát triển lâu dài. Xây dựng chưa có kế hoạch, còn chắp vá, tiện đâu làm đấy thiếu tính đồng bộ, thống nhất đã làm hạn chế việc khai thác các công trình. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán trên nhiều thửa ruộng, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hoá.

 

Hiện nay, việc cấp nước hợp vệ sinh, thoát nước thải, xử lý rác thải đã và đang trở thành những vẫn đề bức xúc ở nông thôn cần phải có những giải pháp tích cực bảo đảm môi trường sống cho cộng đồng dân cư. Một tồn tại nữa là, không gian phát triển các xã, địa phương theo hướng cục bộ, chưa có sự kết nối quy hoạch vùng, liên vùng nên cũng là yếu tố kìm hãm sự phát triển.

 

Nhận thức rõ những tồn tại bất cập trên, tháng 9/2009 UBND tỉnh đã ra Quyết định phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng NTM tỉnh Thái Bình và triển khai thực hiện trong toàn tỉnh với 3 nội dung cơ bản: quy hoạch chung (quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn và phân vùng sản xuất nông nghiệp),  quy hoạch chi tiết hệ thông thủy lợi và giao thông nội đồng, quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn.

 

Mục tiêu của Đề án là phục vụ cho sự phát triển KT-XH, thúc đẩy tiến trình CNH-HĐH, phấn đấu đến năm 2020 bộ mặt nông thôn Thái Bình sẽ cơ bản biến đổi cả về chất và lượng phù hợp với hướng đi lên phát triển của đất nước. Và để đạt được mục tiêu này, tỉnh cũng xác định: quy hoạch NTM phải đi trước một bước để làm cơ sở cho đầu tư, xây dựng và phát triển. Sau này, khi có Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 một lần nữa khẳng định hướng đi của Thái Bình hoàn toàn đúng đắn, hợp với xu thế phát triển tất yếu của xã hội.

 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, sau 2 năm triển khai Đề án, đến hết tháng 9/2011, 261 xã cần lập quy hoạch chung xây dựng NTM đến nay đã hoàn thiện lập quy hoạch. Hiện tại, các địa phương đang khẩn trương hoàn thiện lập quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng, đồng thời triển khai lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm và điểm dân cư nông thôn.

 

Theo lời ông Phùng Tất Chính, Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch (Sở Xây dựng): mặc dù toàn tỉnh đã hoàn thành việc lập quy hoạch chung xây dựng NTM nhưng nếu đánh giá công bằng các quy hoạch đạt chất lượng tốt đạt khoảng 70%, số còn lại, chỉ đạt yêu cầu. Vì thế, rút kinh nghiệm từ quy hoạch chung, 2 quy hoạch còn lại các địa phương cần phải làm tốt hơn nữa.

 

Trước mắt, nên ưu tiên thực hiện quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng vì chỉ khi hoàn thành quy hoạch này thì mới có căn cứ thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Nên lựa chọn những đơn vị tư vấn đúng chuyên ngành, cán bộ thực hiện quy hoạch phải có trình độ chuyên môn, tư duy tốt.

 

Trong quá trình lập quy hoạch coi trọng việc lấy ý kiến tham gia trực tiếp của người dân; cán bộ xã, thôn phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn khảo sát đánh giá đúng thực trạng đồng ruộng, cung cấp số liệu đầy đủ, bàn cách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, như vậy mới có một bản quy hoạch chất lượng vừa phù hợp với tập quán của cư dân bản địa lại vừa đáp ứng được điều kiện phát triển sản xuất lâu dài.

 

Đối với quy hoạch khu trung tâm, điểm dân cư cũng cần phải bám sát vào quy hoạch chung, tính toán kỹ lưỡng với đặc thù của xã vùng Đồng bằng Bắc bộ để xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cụ thể, bố trí hệ thống các công trình hạ tầng hợp lý... đáp ứng tốt đời sống của người dân, đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội.

 

Thực tế để xây dựng một xã đạt đủ 19 tiêu chí NTM đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong đó nguồn lực chính là huy động sức đóng góp của nhân dân, một phần hỗ trợ của Nhà nước. Không thể xây dựng NTM khi chưa có quy hoạch phù hợp và được sự đồng thuận của người dân. Và nếu khâu quy hoạch làm không tốt, không kỹ, không hợp lý sẽ rất dễ gây lãng phí tiền của, kém hiệu quả.

 

Hơn thế, việc hoàn thành lập quy hoạch mới chỉ là bước đầu, việc quản lý, thực hiện quy hoạch mới là quan trọng. Do vậy, trong quá trình lập các quy hoạch nói riêng, xây dựng NTM nói chung, mỗi địa phương cần phải linh hoạt tìm ra cho mình những hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế, nguồn lực trong nhân dân, xác định việc gì quan trọng, cấp thiết làm trước, việc gì làm sau, tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội làm theo phong trào, đầu tư dàn trải vừa lãng phí lại không hiệu quả.

 

Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày