Thứ 3, 23/07/2024, 22:39[GMT+7]

Thái Học (Thái Thụy): Với niềm tin về xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 25/10/2011 | 15:09:59
1,658 lượt xem
Với quyết tâm của mình, những năm qua, Thái Học đã không ngừng thay da đổi thịt. Theo đó, toàn xã số hộ khá giả chiếm đa số; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 11%; xã không có hộ thiếu ăn. Điều đáng phấn khởi là toàn bộ đường liên xóm, liên thôn đã được bê tông hóa; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm hơn 80%. Trong nông nghiệp Thái Học đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với nhiều giống cây trồng vật nuôi như giống lúa lai, lúa chất lượng cao, lợn nguyên chủng.

Trường mầm non Thái Học được xây dựng mới. Ảnh: Thành Tâm

Thái Học là xã thuần nông của huyện Thái Thụy, có tổng diện tích hơn 446 ha với dân số hơn 3.800 người sống ở 03 thôn: thôn Đông, Thôn Bắc và Thôn Trung. Đây là địa phương có truyền thống anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Xã đã được công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang. Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách đưa quê hương ngày càng phát triển; đặc biệt là kể từ khi xã được chọn là một trong những xã điểm của huyện về phong trào xây dựng nông thôn mới.

 

Những ngày này, trở về quê hương Thái Học anh hùng, ở đâu chúng tôi cũng nghe mọi người rôm rả bàn tính chuyện dồn điền đổi thửa, để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng; tạo ra ngành sản xuất nông nghiệp lớn có quy mô và chất lượng; xây dựng thủy lọi nội đồng hoàn chỉnh để khép kín khâu tưới tiêu; xây dựng các tiêu chí xã văn hóa để đời sống của bà con mình ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

 

Ông Đinh Văn Tuyền, ở thôn Trung, năm nay đã ở tuổi gần 80 nhưng trông vẫn rất tráng kiện. Ông Tuyền tâm sự: “Quê hương Thái Học sau bao thăng trầm từ thời bao cấp, đến khi đất nước đổi mới, địa phương đã thay da đổi thịt; đời sống của bà con ngày càng được cải thiện. Có được thành công này là nhờ ơn Đảng, Nhà nước đã thực hiện những quyết sách “cởi trói” cho nông nghiệp nông dân và nông thôn phát triển suốt những năm qua. Do vậy tôi tin rằng xây dựng nông thôn mới sẽ tạo ra diện mạo mới cho địa phương mình thay da đổi thịt. Với gia đình tôi, nếu xã yêu cầu dồn điền đổi thửa hoặc lấy đất để mở rộng đường đi, tôi sẵn sàng. Tôi nghĩ tất cả bà con trong xã đều có chung suy nghĩ và hành động như vậy. Bởi đây là cơ hội để quê hương khoác nên tấm áo mới, đẹp đẽ và hiện đại hơn”.

 

Thật vậy, với quyết tâm của mình, những năm qua, Thái Học đã không  ngừng thay da đổi thịt. Theo đó, toàn xã số hộ khá giả chiếm đa số; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 11%; xã không có hộ thiếu ăn. Điều đáng phấn khởi là toàn bộ đường liên xóm, liên thôn đã được bê tông hóa; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm hơn 80%. Trong nông nghiệp Thái Học đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với nhiều giống cây trồng vật nuôi như giống lúa lai, lúa chất lượng cao, lợn nguyên chủng. Đặc biệt một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gắn liền với đời sống của người dân vùng nông thôn ra đời ngày càng nhiều.

 

Toàn xã hiện có hơn 20 cơ sở xay xát, cơ sở làm bia mộ, cơ sở đan chổi; nhiều cửa hàng tiện sắt, đóng mộc, làm vật liệu xây dựng xuất hiện. HTX nông nghiệp của xã đều ăn nên làm ra, là chỗ dựa tin cậy cho xã viên. Mới đây gia đình ông Đỗ Văn Hữu ở thôn Trung đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng thuê hơn 1.000 m2 đất của xã để mở cơ sở sản xuất giày da. Hiện nay, cơ sở này thu hút hơn 50 lao động thường xuyên trong xã với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 2,4 triệu đồng/tháng. Ông Đỗ Văn Hữu cho biết: Gia đình ông sẽ đầu tư thêm vài tỷ đồng để mở rộng thêm cơ sở, thu hút thêm lao động; thực hiện việc sản xuất khép kín dây chuyền từ ép da đến hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.

 

Không chỉ phát triển về kinh tế, Thái Học còn là xã phát triển mạnh về lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục và đào tạo. Trường Tiểu học, THCS, Mầm non của xã được xây dựng đạt chuẩn quốc gia; hàng năm tỷ lệ học sinh đến trường đều đạt 100%. Hội khuyến học của xã phát triển mạnh từ dòng họ đến thôn xóm, mỗi năm hỗ trợ hàng triệu đồng cho học sinh các cấp theo học. Năm nào Thái Học cũng có hàng chục học sinh thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng. Nhiều người con của quê hương đi xa đã thành đạt và quay về đóng góp lại cho quê hương.

 

Về thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử văn hóa Đình Đông ở Thôn Đông đã được công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là một di tích lịch sử tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công khai mở ra mảnh đất này và là địa chỉ đỏ của địa phương trong suốt những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hiện Đình Đông được xem là chốn linh thiêng để con cháu đi xa về gần thăm viếng. Đặc biệt, xã cũng đã xây dựng một tượng đài ghi danh các anh hùng liệt sĩ; hàng năm vào các dịp lễ tết, xã đều tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ địa phương. Phong trào văn hóa văn nghệ của xã phát triển mạnh với CLB thơ, CLB Văn nghệ truyền thống thu hút hàng chục hội viên tham gia.

 

Với nền tảng khởi sắc muôn màu của mình, Thái Học đã được huyện Thái Thụy chọn làm điểm để xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn từ nay đến năm 2015. Đây là niềm vui lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Để xây dựng thành công xã nông thôn mới, hiện nay, Thái Học đang tập trung dồn sức hoàn thành tốt 19 tiêu chí mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra. Theo đó, đến nay, xã đã đạt 9 tiêu chí theo yêu cầu với  hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh; hệ thống điện đáp ứng được yêu cầu; có Internet đến thôn; tỷ lệ lao động qua đào tạo là hơn 60%; Đảng bộ, chính quyền xã nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Riêng 10 tiêu chí còn lại trong các lĩnh vực như cơ cấu lao động, y tế, văn hóa, môi trường, giao thông... là những thử thách mà đòi hỏi cả hệ thống chính trị và từng người dân phải thực hiện. Để thực hiện những mục tiêu này, từ nay đến năm 2015 xã sẽ tập trung cho công tác giao thông thủy lợi nội đồng; đa dạng hóa sản phẩm cây trồng vật nuôi; chủ động liên doanh liên kết để tạo đầu ra cho nông sản hàng hóa; phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp; hoàn thiện các thiết chế văn hóa....

 

Trước mắt xã đang tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện việc dồn điền, đổi thửa; tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với từng vùng;huy động sức dân đóng góp công sức, đất đai để mở rộng đường thôn ngõ xóm; xây dựng xã có 70% số thôn trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Hiện các tiểu ban xây dựng nông thôn mới của xã đang hoạt động rất tích cực.

 

Ông Đỗ Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Thái Học nêu quyết tâm: “Hiện nay chúng tôi đang huy động cả hệ thống chính trị tham gia. Đầu tiên là quán triệt về phong trào đến cán bộ đảng viên, rồi đến đoàn thể, sau đó là quần chúng nhân dân. Nhìn chung là mọi người đồng thuận rất cao. Chúng tôi đã hoàn thành việc quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới; quy hoạch chi tiết thủy lợi và giao thông. Nông thôn mới đang tạo ra động lực mới bởi thực chất đây là tiền đề để Thái Học bứt phá vươn lên trong giai đoạn mới. Rất mừng là tỉnh đã phê duyệt dự án nâng cấp trạm bơm và kè sông của xã; tiếp đó xã đã tiến hành xây dựng một số dự án phát triển nông nghiệp và cải thiện về cơ sở hạ tầng. Anh em chúng tôi hiện đang làm ngày làm đêm để chạy đua với thời gian,với quyết tâm là hoàn thành sớm để Thái Học xứng tầm là xã nông thôn mới trong giai đoạn cả nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

 

Với tất cả nỗ lực và phát huy tinh thần truyền thống cách mạng năm xưa; tin rằng rồi đây Thái Học sẽ xây dựng thành công xã nông thôn mới; trở thành một điển hình để nhiều nơi học tập và làm theo, làm rạng danh đất Thần Huống anh hùng trong kháng chiến chống Pháp trước đây và Thái Học ngày nay.

Trọng Điển

(Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Namon> tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày