Thứ 3, 23/07/2024, 22:27[GMT+7]

Nông dân - chủ thể xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 11/11/2011 | 14:57:33
2,676 lượt xem
Quá trình xây dựng nông thôn mới nhanh hay chậm, thành hay bại đều phụ thuộc vào dân. Chỉ khi nào người dân tự nguyện, tích cực và trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới thì khi đó các mục tiêu của đề án mới trở thành hiện thực.

Vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới còn được thể hiện ở chỗ, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới không phải là nhất thành bất biến, làm một lần là xong.

Nghị quyết số 02 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVIII đã khẳng định: Xây dựng nông thôn mới là tất yếu, khách quan. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó người dân ở nông thôn là chủ thể trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, phối hợp tham gia của MTTQ và các đoàn thể chính trị.

 

Nói nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới trước hết là bởi mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là vì người dân, hướng đến nông dân. Nói cách khác, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới là để cho mình, vì cuộc sống của bản thân và gia đình mình chứ không phải làm cho người khác, làm cho xã hội. Trước nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người nông dân, nhưng phần lớn các chủ trương, chính sách đó đều chỉ hướng vào một lĩnh vực cụ thể như xoá nhà ở dột nát, hỗ trợ vốn tín dụng, đào tạo nghề... còn xây dựng nông thôn mới lần này là quá trình đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực ở khu vực nông thôn theo hướng CNH, HĐH nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Điều này được thể hiện rõ qua Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới gồm 19 tiêu chí chung với 39 chỉ tiêu cụ thể bao quát hầu hết các lĩnh vực gồm cả kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, an ninh, môi trường...

 

Nông dân xã An Ấp (Quỳnh Phụ) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập đáp ứng tiêu chí nông thôn mới.

 

Khi hoàn thiện các tiêu chí theo quy định sẽ hình thành diện mạo nông thôn mới có nền sản xuất phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; văn hoá- xã hội tiến bộ; dân chủ được phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh, trật tự được đảm bảo; hệ thống chính trị được củng cố vững chắc. Đồng thời khắc phục cơ bản những điểm còn hạn chế trong sản xuất và sinh hoạt tại khu vực nông dân- nông nghiệp- nông thôn ở tỉnh ta hiện nay.

 

Nói nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới còn bởi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài. Đó thực sự là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Sự khó khăn, phức tạp thể hiện ở chỗ khối lượng công việc lớn, lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, một số tiêu chí có thể rút ngắn tiến độ như xây dựng hạ tầng nhưng có tiêu chí cần phải có thời gian, không thể chủ quan, nóng vội như tiêu chí về thu nhập, cơ cấu lao động... Vì vậy muốn xây dựng nông thôn mới thành công rất cần có sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, phối hợp tham gia của các đoàn thể chính trị.

 

Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ, đấy mới chỉ là tiên đề, là cơ sở, còn vai trò quyết định vẫn thuộc về nhân dân. Quá trình xây dựng nông thôn mới nhanh hay chậm, thành hay bại đều phụ thuộc vào dân. Chỉ khi nào người dân tự nguyện, tích cực và trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới thì khi đó các mục tiêu của đề án mới trở thành hiện thực. Người dân không chỉ tham gia vào một khâu trong quá trình xây dựng nông thôn mới mà tham gia vào tất cả các khâu, từ xây dựng chủ trương, góp ý kiến về quy hoạch đến việc xác định công trình, hạng mục đầu tư, giám sát quá trình triển khai... Có rất nhiều cách để người dân tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới: Đóng góp ý kiến, đóng góp ngày công lao động, ủng hộ kinh phí, hiến đất...

 

Thực tế chứng minh, nơi nào mà nông dân tự giác và tích cực tham gia thì tiến độ xây dựng nông thôn mới ở nơi đó diễn ra rất nhanh và ngược lại. Điển hình như Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ), hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và chỉnh trang đồng ruộng, nông dân trong xã đã tự nguyện góp 26m2 đất/ khẩu để làm đường giao thông nội đồng, huy động hàng chục ngàn ngày công đào đắp hơn 52.000m3 đất củng cố hệ thống giao thông và thuỷ lợi nội đồng, góp hơn 800 triệu đồng xây dựng công trình nước sạch, góp 50.000đ/ khẩu để xây hệ thống bờ ao trong thôn xóm, góp 30.000đ/ khẩu và hàng ngàn ngày công để làm sân nhà văn hoá thôn... Nhờ vậy, đến nay Quỳnh Minh đã cứng hoá được 2,4km đường giao thông nội đồng, kiến cố hoá hơn 5,7km kênh mương cấp 1 và 2, xây dựng 4 nhà văn hoá thôn đạt chuẩn...

 

Vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới còn được thể hiện ở chỗ, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới không phải là nhất thành bất biến, làm một lần là xong mãi mãi mà đó là quá trình phấn đấu liên tục, lâu dài. Có tiêu chí hôm nay đạt chuẩn nhưng chỉ ngày hôm sau có thể đã không đạt, ví như tiêu chí về môi trường, chỉ một cơ sở sản xuất trong dân không tự giác chấp hành, xả thẳng nước thải ra môi trường là sau một đêm có thể biến cả tuyến sông thành "con sông chết". Có tiêu chí năm nay đạt, năm sau chưa chắc đã đạt như Đảng bộ TSVM, chính quyền vững mạnh, HTX hoạt động hiệu quả, các đoàn thể chính trị đạt tiên tiến... Vì thế để duy trì và giữ vững các tiêu chí về nông thôn mới đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng thường xuyên, không ngừng của cả hệ thống chính trị mà trực tiếp và trên hết là của người dân. Chỉ như vậy thì mô hình nông thôn mới mới thực sự hiệu quả và bền vững.

 

Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều hướng đến người dân, mang lại lợi ích cho dân. Và chỉ khi nào người dân tự nguyện, tích cực tham gia thực hiện thì chủ trương, chính sách đó mới đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả như mong muốn. Chủ trương xây dựng nông thôn mới mà cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đang ra sức thực hiện cũng không phải là ngoại lệ.

Bài, ảnh: Vũ Mạnh 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày