Thứ 4, 27/11/2024, 16:53[GMT+7]

Thụy Hưng Hợp sức dân để dồn điền đổi thửa

Thứ 6, 18/11/2011 | 10:20:18
2,217 lượt xem
Thụy Hưng là 1 trong 10 xã được huyện Thái Thụy chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Những ngày này, trên khắp các xứ đồng bà con nông dân nơi đây đang khẩn trương đào đắp, nạo vét hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng để hoàn thành sớm việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp theo tiêu chí nông thôn mới.

Vùng sản xuất hàng hóa 2 lúa + 1 vụ đông của xã Thụy Hưng (Thái Thụy)

Đồng chí Trần Văn Hiểu, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Thụy Hưng có 310 ha diện tích đất nông nghiệp. Năm 2002, địa phương đã thực hiện dồn điền đổi thửa; tuy nhiên sau dồn đổi vẫn còn 3 đến 4 thửa/hộ. Thực tế sản xuất những năm qua cho thấy: ruộng đất vẫn còn manh mún, bờ vùng, bờ thửa thấp nhỏ, phần lớn chưa được cứng hoá, kênh mương bồi lắng nên việc đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng cũng như việc tổ chức quy vùng sản xuất hàng hoá gặp rất nhiều khó khăn.

 

Khi Thụy Hưng được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, xã đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, các cơ chế chính sách của Nhà nước hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đề án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp... để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ trách nhiệm của mình cùng chung sức thực hiện.

 

Tháng 4 năm 2011, Đảng uỷ xã ra Nghị quyết chuyên đề công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, triển khai quán triệt trong toàn Đảng bộ, xuống các chi bộ, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, đồng thời tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên hệ thống loa truyền thanh để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với đó, ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã xây dựng phương án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp trên cơ sở điều tra chính xác hiện trạng đất đai, xác định đất quy hoạch giao thông nội đồng, tính toán khối lượng đào đắp, quỹ đất 5% công ích, xác định hộ đã nhận tiền bồi thường thu hồi đất, hộ chuyển đổi không thực hiện dồn đổi, xây dựng hệ số quy đổi chung cho toàn xã… bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của cá nhân, hộ gia đình và tập thể. Phương án được đưa xuống các thôn lấy ý kiến tham gia của nhân dân, sau đó thông qua Đảng bộ để hoàn chỉnh, trình UBND huyện phê duyệt.

 

Căn cứ vào phương án chung của xã, 5/5 thôn cũng xây dựng phương án dồn điền đổi thửa bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của thôn mình. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thực hiện dồn đổi được phân chia thành 2 vùng, việc bình nhóm đất và quy đổi hệ số được bàn bạc công khai, dân chủ bảo đảm công bằng giữa các hộ nhận ruộng. Xã cũng khuyến khích những hộ đi vắng xa, những hộ có khẩu được chia ruộng theo Quyết định 652 và 948 hiện đã mất hoặc chuyển khẩu đi khỏi địa phương hoặc không làm nông nghiệp trả diện tích ra để tập thể điều tiết cho những hộ có lao động, có nhu cầu sản xuất và những khẩu chưa được hưởng diện tích đất nông nghiệp; khuyến khích những hộ là anh em, bố con hoặc nhiều hộ gia đình nhận chung một thửa; khuyến khích những hộ về vùng đất xấu, xa dân cư đầu tư sản xuất hàng hoá.

 

Đến nay, Thụy Hưng đã quy hoạch đồng ruộng thành 4 vùng sản xuất hàng hoá tập trung gồm: vùng chuyên màu, vùng 2 lúa + 1 vụ đông, vùng chuyên lúa, khu chăn nuôi tập trung. Toàn xã có 31 km đường giao thông thủy lợi nội đồng cần đào đắp với tổng khối lượng 47.000m3, dự kiến nhân dân sẽ góp 16m2 đất/sào và tham gia góp công lao động 7m3/sào. Xã ban hành cơ chế khuyến khích, khen thưởng 2 triệu đồng cho thôn nào hoàn thành việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, bảo đảm thời gian, khối lượng và chất lượng công việc; trưởng, phó tiểu ban cũng sẽ nhận mỗi người 500 ngàn đồng, các thành viên trong tiểu ban tuỳ theo mức độ hoàn thành công việc cũng sẽ được khen thưởng.

 

Do tổ chức tuyên truyền sâu rộng, thực hiện các bước đúng quy trình chặt chẽ, bàn bạc công khai cộng với cơ chế khuyến khích khen thưởng nên việc dồn điền đổi thửa ở Thụy Hưng nhận được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong tháng 10/2011, xã tổ chức lực lượng hoàn thành cắm 2.500 cọc tre làm mốc phân vùng giao thông, thủy lợi nội đồng ngoài thực địa theo quy hoạch. Từ ngày 5/11/2011 đến nay, toàn dân ra quân làm thuỷ lợi, mỗi ngày có từ 500 đến 600 người tham gia, thi đua lao động, khí thế đông vui như ngày hội.

 

Ông Vũ Xuân Xứng, Trưởng thôn Thu Cúc cho biết: " Khi phương án dồn điền đổi thửa đưa xuống thôn bàn bạc, có một số ý kiến băn khoăn về vùng nhận ruộng, đất chân mạ nhưng khi nghe cán bộ xã, thôn giải thích cặn kẽ, nhân dân ai cũng thấy rõ lợi ích, đồng tình ủng hộ góp đất, tích cực tham gia làm thuỷ lợi. Toàn thôn có 431 hộ nhận ruộng, 5 tuyến bờ vùng, 24 tuyến bờ thửa cần đào đắp với khối lượng 10.000 m2. Bà con tham gia lao động hăng say lắm, dự kiến khoảng 20 đến 25 ngày, nhân dân thôn Thu Cúc sẽ hoàn thành toàn bộ khối lượng đào đắp". Còn chị  Nguyễn Thị Mai ở thôn Tam Lộng phấn khởi cho hay :" Nhà tôi có 9 sào ruộng, mỗi năm trồng từ 4 đến 5 sào cây vụ đông nhưng có tới mấy mảnh, canh tác rất khó khăn. Nay xã thực hiện dồn điền đổi thửa, tôi cũng mong muốn nhận gọn 2 mảnh, một ở vùng cao để trồng màu còn một mảnh sẽ cấy lúa, tiện không gì bằng, nếu có góp đất để làm đường ra đồng to rộng hơn thì gia đình cũng sẵn sàng".

 

Thụy Hưng đặt mục tiêu sau dồn điền đổi thửa, bình quân mỗi hộ còn 1,5 thửa hoặc 1 nhóm hộ chung 1 thửa. Toàn xã tổ chức đào đắp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng trong tháng 11, sau đó tiếp tục huy động sức dân sẽ hoàn thiện trong những năm tiếp theo. Sang tháng 12, địa phương tiến hành đo đạc ngoài thực địa chia ruộng cho nhân dân, phấn đấu đến 31/12 hoàn thành để gieo cấy lúa xuân cho kịp thời vụ. Tuy lòng dân đồng thuận quyết tâm thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa theo quy hoạch nông thôn mới, song anh Hiểu cũng như các cán bộ, nhiều người dân ở Thụy Hưng còn nhiều băn khoăn: hiện tại toàn xã có 600 lao động trẻ khoẻ đi làm ăn xa, thiếu nhân lực trong khi khối lượng đào đắp rất lớn. Nếu tính cả diện tích ruộng lấy ra để đắp đường, bờ vùng, bờ thửa và công lao động, nhân dân toàn xã góp sức cho việc dồn điền đổi thửa lần này khoảng 12,6 tỷ đồng. Vì vậy, Thụy Hưng mong muốn Nhà nước sớm quan tâm hỗ trợ kinh phí để địa phương chỉnh trang lại ruộng đồng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng để đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng, tạo tiền đề cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá phát triển.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày