Thứ 4, 27/11/2024, 16:50[GMT+7]

Thái Bình Những vấn đề đặt ra trong thực hiện xây dựng nông thôn mới hiện nay

Thứ 6, 18/11/2011 | 15:51:47
1,705 lượt xem
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thái Bình, 8 xã điểm và các xã còn lại tuy bước đầu đã đạt được một số kết quả khá tốt, nhưng tiến độ vẫn còn chậm, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề phải chấn chỉnh thì mới có thể hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.

Xã Vũ Lạc (Thành phố ) tập trung phương tiện làm giao thông nội đồng. Ảnh: Ngọc Linh

Đến nay, 100% xã trong tỉnh đã hoàn thành công tác đánh giá hiện trạng nông thôn và đang triển khai lập đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) cấp xã; 100% số xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung, 36 xã xong quy hoạch chi tiết trung tâm xã, 132 xã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông thuỷ lợi nội đồng, 171 xã đăng ký dồn điền, đổi thửa với huyện, thành phố...Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn bộc lộ nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh, đồng thời một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tiễn.

 

So với Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, nhìn chung 8 xã điểm đã đạt từ 9 – 12 tiêu chí, tăng 4 – 5 tiêu chí so với trước khi thực hiện đề án. Tuy nhiên, nhiệm vụ của 8 xã này phải hoàn thành 19 tiêu chí  vào năm 2013, thời gian không còn nhiều nhưng khối lượng công việc còn khá lớn, có xã phải hoàn thành 10 tiêu chí, thấp nhất cũng là 7 tiêu chí. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, 8 xã điểm và các xã còn lại tuy bước đầu đã đạt được một số kết quả khá tốt, nhưng tiến độ vẫn còn chậm, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề phải chấn chỉnh thì mới có thể hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra.

 

Trước hết trách nhiệm đó thuộc về ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện, xã thiếu chủ động, sát sao, quyết liệt, còn trông chờ ỷ nại cấp trên; đồng thời không thường xuyên phối hợp với các ngành trong xây dựng, quản lý quy hoạch; một số sở, ngành có liên quan đến các tiêu chí lại không hướng dẫn địa phương cách thức và biện pháp cơ bản để thực hiện...Chính vì vậy, hầu hết các xã chưa xây dựng được đề án, nếu có cũng không chi tiết, cụ thể, thiếu giải pháp khả thi để thực hiện, nhất là về tiêu chí phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động.

 

Trong quản lý thực hiện quy hoạch không được tốt, như xã An Ninh (Tiền Hải) đã phê duyệt quy hoạch khu trung tâm xã năm 2009, nhưng năm 2010 lại điều chỉnh một phần sang quy hoạch đất ở. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và các đường ngõ ít được coi trọng, các xã mới tập trung vào xây dựng các công trình phúc lợi; đa phần chỉ quan tâm đến vận động nhân dân hiến đất để xây dựng giao thông thuỷ lợi nội đồng, còn hiến đất giải phóng mặt bằng làm đường, công trình phúc lợi trong khu dân cư chưa được chú trọng. Đồng thời nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu là ngân sách tỉnh hỗ trợ và kết hợp chương trình mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ; vốn của huyện, xã tham gia rất ít.

 

Trong phân cấp đầu tư còn chồng chéo, huyện quyết định đầu tư cả phần việc của xã, xã bao việc của thôn, chưa phân cấp quản lý xây dựng cơ bản cho thôn; chưa giao cho cộng đồng dân cư, tổ thợ, nhóm thợ trực tiếp thực hiện xây dựng công trình hạ tầng. Do đó, chưa tạo ra được các phong trào mạnh mẽ của nhân dân tham gia đóng góp ngày công lao động để trực tiếp thực hiện các công việc phục vụ chính đời sống của họ. Một số xã đầu tư còn dàn trải và việc tuân thủ nguyên tắc cân đối đủ vốn cho công trình, bảo đảm hoàn thành trong 2 năm theo quy định của Nhà Nước chưa được coi trọng, dẫn đến nợ đọng xây dựng lớn.

 

Ngoài ra, mức hỗ trợ một số công trình theo chính sách của tỉnh còn chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, như đường trục xã suất đầu tư là 7,9 tỷ đồng/km, trong đó tỉnh hỗ trợ là 3,95 tỷ đồng/ km, nhưng thực tế suất đầu tư thấp hơn rất nhiều; điển hình như đường trục xã tuyến Trình Nhì, thuộc xã An Ninh (Tiền Hải) dài 1.050 m, tổng mức đầu tư là 2,267 tỷ đồng, suất đầu tư chỉ có 2,55 tỷ đồng/km. Hay công tác dồn điền, đổi thửa, một số xã ở Thái Thụy xây dựng phương án số mảnh trên hộ còn cao (3mảnh/hộ); đơn giá đào đắp công trình giao thông thuỷ lợi còn khác nhau giữa các địa phương, có nơi 18 nghìn đồng/ m3, nơi cao 40 nghìn đồng/ m3...Đặc biệt hiện nay tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết rất chậm, nguyên nhân do kinh nghiệm, năng lực của đa số các đơn vị tư vấn hạn chế, nên chất lượng hồ sơ quy hoạch kém, không chấp hành đầy đủ quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.

 

Trong quá trình xem xét để thoả thuận hồ sơ quy hoạch chi tiết giao thông thuỷ lợi nội đồng của 10 xã do Công ty tư vấn quy hoạch và kiến trúc xây dựng Yên Lạc, Sở Nông nghiệp & PTNT đã phát hiện các báo cáo này  đề xuất xây mới 17 trạm bơm, nhưng lại không nêu rõ lý do, nhiệm vụ, diện tích tưới của các trạm bơm. Qua khảo sát thực tế và làm việc với các đơn vị ở cơ sở thì số trạm bơm không cần thiết phải xây dựng là 8 điểm; bên cạnh đó các hồ sơ quy hoạch đều bố trí các tuyến đường trục chính giao thông nội đồng có mật độ dầy hơn quy định của tỉnh.

 

Thực tế trên cho thấy, trình độ, chuyên môn, nhận thức và trách nhiệm của một số cán bộ xã còn hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Điều này cũng được nhiều thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh thẳng thắn chỉ ra và coi đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ chậm, không huy động được sức dân tạo ra các phong trào thi đua, cũng như không tuân thủ theo các bước về xây dựng NTM...Do đó, trong thời gian tới cần phải đào tạo đội ngũ cán bộ huyện, xã, thôn để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM ở địa phương, theo như Quyết định 1003/QĐ-BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Đồng thời các xã phải khẩn trương hoàn thành dứt điểm quy hoạch chi tiết giao thông thuỷ lợi nội đồng, quy hoạch trung tâm xã; nội dung các quy hoạch chi tiết này đều phải được Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Xây dựng thoả thuận trước khi phê duyệt...

            Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày