Thứ 4, 27/11/2024, 16:51[GMT+7]

Dồn điền đổi thửa và những vấn đề đặt ra

Thứ 5, 24/11/2011 | 09:01:18
1,578 lượt xem
Thời gian qua, việc thực hiện dồn điền đổi thửa ở tỉnh ta đã thu được những kết quả đáng kể, tạo tiền đề cho sự xuất hiện những vùng chuyên canh, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, cho tới nay công tác dồn điền đổi thửa vẫn có nhiều hạn chế cần tiếp tục khắc phục.

Xã Hùng Dũng huyện Hưng Hà đầu tư hàng trăm triệu đồng bên tông hóa các tuyến đường liên thôn.

Từ những điểm sáng

 

Xã Tân Phong, huyện Vũ Thư không phải là xã được chọn làm điểm trong phong trào xây dựng nông thôn mới nhưng Tân Phong lại là địa phương đi đầu về công tác dồn điền đổi thửa với kết quả sau dồn đổi bình quân số thửa trên hộ là 1,35 thửa/hộ, thấp nhất là thôn Ô Mễ 3, bình quân 1 thửa/hộ. Bờ vùng rộng từ 6 - 7 m, bờ thửa rộng 2,5 m theo đúng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Về kinh nghiệm thực hiện dồn điền đổi thửa, lãnh đạo xã cho biết: Xã luôn coi trọng việc phát huy dân chủ, tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Khi đã làm thì làm triệt để và huy động sự đoàn kết toàn dân. Trong quá trình triển khai phải chủ động, không trông chờ, ỷ nại cấp trên. Qua 18 bước, trong đó quan trọng nhất là bước thống nhất cán bộ, sau đó tuyên truyền vận động, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng tổ chức đoàn thể, rồi bàn bạc dân chủ với người dân, xã Tân Phong đã thực hiện tốt việc giao ruộng cho từng hộ dân, không xảy ra tranh chấp, mất đoàn kết. Người nông dân xã Tân Phong giờ đây vui mừng khi được sản xuất trên những thửa ruộng lớn, nhiều hộ còn “mơ” đến một trang trại bề thế với sự đổi thay to lớn trong cách thức làm ăn. Sự đổi thay ấy sẽ giúp cuộc sống của họ khấm khá, no đủ hơn.

 

Và những khó khăn

 

Đến nay, ngoài 16 xã đã thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa, toàn tỉnh có 155 xã đăng ký thực hiện dồn đổi đất nông nghiệp năm 2011. Trong đó, Thành phố và hai huyện Hưng Hà, Kiến Xương đăng ký thực hiện dồn đổi 100% số xã có đất nông nghiệp. Tuy nhiên, với tiến độ hiện nay rất khó để 3 địa phương này nói riêng và các huyện khác nói chung đạt được mục tiêu như đã đề ra khi mà chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm 2011.

 

Hiện tại, huyện Kiến Xương mới có 3/37 xã, huyện Hưng Hà có 1/33 xã và Thành phố có 1/7 xã (2 xã quy hoạch phát triển đô thị không thực hiện dồn điền đổi thửa) thực hiện xong dồn điền đổi thửa.

 

Việc dồn điền đổi thửa chậm tiến độ một phần là do khó khăn về kinh phí. Theo quyết định của UBND tỉnh thì kinh phí cấp hỗ trợ mỗi xã là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, chỉ riêng việc thay thế toàn bộ cống đầu khâu và các cống thửa thì trung bình mỗi xã đã cần đến 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, theo Kế hoạch số 20 ngày 16/8/2011 của UBND tỉnh, đối với những xã thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp năm 2011 phải hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch chi tiết giao thông, thuỷ lợi nội đồng trong tháng 8/2011.

 

Đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều xã đã xây dựng phương án dồn điền đổi thửa nhưng chưa được UBND huyện, Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Do đó, các địa phương không có đủ căn cứ trong việc tính toán chi tiết khối lượng đào đắp giao thông, thuỷ lợi nội đồng và thực hiện dồn đổi đất nông nghiệp.

 

Mặt khác, theo Đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong quy hoạch cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất phải bảo đảm 2 bờ thửa cách nhau 100 m. Nhưng, trên thực tế có một số xã như xã Tây An, huyện Tiền Hải; xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương... trước đây đã quy hoạch giao thông, thuỷ lợi nội đồng, một số tuyến đã được cứng hoá, khoảng cách giữa 2 bờ thửa khoảng 70 - 80 m. Đến nay, nếu địa phương không thực hiện theo quy hoạch thì không được phê duyệt quy hoạch chi tiết giao thông, thuỷ lợi nội đồng và sẽ không được Nhà nước đầu tư kinh phí cho việc cứng hoá. Còn nếu thực hiện theo quy định thì sẽ phải phá dỡ toàn bộ hệ thống giao thông, thuỷ lợi đã được cứng hoá, gây lãng phí và lại phải huy động sức đóng góp của nhân dân. Cũng theo Đề án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, yêu cầu sau dồn đổi mỗi hộ chỉ còn 1 đến 2 thửa ruộng. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều địa phương do ruộng đất không đồng đều giữa các vùng chuyên canh lúa, vùng 2 vụ lúa - 1 vụ đông, vùng xen canh và vùng đất chuyên màu, đặc biệt, có xã vẫn còn vùng đất chuyên mạ nên gặp khó khăn khi thực hiện mục tiêu đặt ra sau dồn đổi.

 

Ngoài những vướng mắc trên, việc dồn điền đổi thửa chậm tiến độ còn do ở hầu hết các địa phương lực lượng chuyên trách công tác này còn mỏng và yếu về nghiệp vụ. Mặt khác, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, mặt trận, hội, đoàn thể chưa thực sự quyết liệt vì không ít người còn cho đây là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, của những thành viên trong Ban chỉ đạo từ huyện đến thôn. Cùng với đó, công tác đo đạc, chỉnh lý biến động ruộng đất và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa diễn ra hết sức chậm chạp, gây khó khăn cho người nông dân.

 

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới các địa phương cần tiếp tục tổ chức dồn điền đổi thửa sao cho bình quân số thửa/hộ giảm xuống mức thấp nhất đáp ứng đúng tiêu chí. Quá trình chuyển đổi phải bảo đảm đúng quy trình, công khai và dân chủ. Đặc biệt, khi đạt được yêu cầu về dồn điền dổi thửa sẽ tiến hành cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân. Có như vậy mới giảm gánh nặng về kinh phí cho ngân sách các cấp khi cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nên ưu tiên cấp đổi trước cho những người thực sự có nhu cầu như các hộ sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, các chủ trang trại... Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quan tâm đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh theo quy hoạch, cải tạo hệ thống giao thông, thuỷ lợi tạo sự chuyển biến tích cực về hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng so với trước khi chuyển đổi.

                                            

                                                                                                     Ngọc Mai

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày