Thứ 4, 27/11/2024, 16:52[GMT+7]

Quy hoạch, xây dựng nghĩa trang nhân dân theo tiêu chí nông thôn mới

Thứ 5, 24/11/2011 | 14:54:52
10,100 lượt xem
Lâu nay, việc xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang nhân dân tại các địa phương ở Thái Bình vẫn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng tồn tại hàng trăm nghĩa trang quy hoạch không rõ ràng, thiếu hợp lý, kéo theo nhiều hệ lụy khác như: lãng phí đất đai, gây ô nhiễm môi trường. 

Vì vậy, vấn đề cần thiết đối với Thái Bình hiện nay là phải quy hoạch lại các nghĩa trang nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại với các quy định và hướng dẫn cụ thể đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Hầu hết các nghĩa trang lập nên tự phát từ rất lâu và số nghĩa trang ở từng địa phương phụ thuộc vào quy mô dân số hoặc số thôn. Trung bình mỗi thôn, hoặc khu dân cư có ít nhất một nghĩa trang. Có xã tồn tại từ 9 đến 10 nghĩa trang, phần mộ nằm rải rác ở các nơi, thậm chí nằm ngay trong khuôn viên khu dân cư. Khi hết quỹ đất chôn cất, trên cơ sở nghĩa trang cũ, chính quyền xã bố trí thêm diện tích đất nhất định để mở rộng.

 

Nhưng trong quá trình thực hiện, các địa phương chưa bám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý quỹ đất nghĩa trang không đúng quy hoạch, kế hoạch thậm chí còn buông lỏng việc quản lý, sử dụng quỹ đất này để một số hộ gia đình, dòng họ tự khoanh bao, lấn chiếm đất nông nghiệp làm quỹ đất nghĩa địa dự trữ cho gia đình, dòng họ mình. Cá biệt, còn xảy ra hiện tượng, một số hộ gia đình có đất nông nghiệp được chia gần khu nghĩa trang đã thoả thuận ngầm với các gia đình, dòng họ bán một phần làm đất chôn cất cho người quá cố hay khoanh đất tại nghĩa trang xây mộ giả nhận phần cho người còn sống.

 

Hầu hết các nghĩa trang không có quy hoạch chi tiết thống nhất, đường ra nghĩa trang phần lớn là đường đất, không có tường bao quanh bảo vệ, không có nhà quản trang, hệ thống thoát nước,  ranh giới phân định không rõ ràng có khi nằm sát khu dân cư hoặc nguồn nước sinh hoạt của dân, khu hung táng lẫn lộn với khu cát táng, sau khi cải táng đồ dùng, vật dụng của người quá cố không xử lý vứt bừa bãi khắp nghĩa trang.... gây ô nhiễm môi trường. Việc mai táng, xây cất bia mộ rất lộn xộn, mạnh ai người ấy làm, không theo bất cứ một quy định nào về quản lý kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà đặt đủ các hướng theo ý chủ quan của người sống, cái thò ra, cái thụt vào, lô nhô, mất mỹ quan.

 

Nhiều gia đình có điều kiện xây cất phần mộ kiên cố, to lớn, khang trang với đủ các loại kiến trúc, hình thù:  mái cong, mái vòm, mái lượn, hoa văn, hoạ tiết, màu sắc sặc sỡ… trị giá vài chục đến hàng trăm triệu đồng vừa tốn kém tiền của, lãng phí đất đai, gây tâm lý đua tranh không tốt giữa các gia đình, dòng họ ở nông thôn.

 

Nguyên nhân của tình trạng này là do trong suốt một thời gian dài các địa phương  chưa có quy hoạch, xây dựng nghĩa trang nhân dân một cách thống nhất, quản lý còn nhiều bất cập. Đến đầu năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/NĐ-CP quy định về các hoạt động xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang nhân dân, trừ nghĩa trang liệt sỹ, nghĩa trang Quốc gia.

 

Đối với Thái Bình, ngay từ năm 2001, UBND tỉnh đã có quyết định 2080 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội, năm 2009 UBND tỉnh ban hành quyết định 02 về thực hiện nếp sống văn hoá thay cho Quyết định 2080. Trong đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh phê duyệt năm 2009 đã quy định rất cụ thể tiêu chí, chỉ tiêu cho việc quy hoạch nghĩa trang nhân dân. Từ khi có các quy định, quyết định trên, một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện khá tốt việc quản lý, sử dụng các nghĩa trang nhân dân như: quy hoạch nơi hung táng và cát táng riêng biệt, chỉ tổ chức cát táng vào những ngày nhất định trong năm, quy định kích cỡ xây mộ theo một quy chuẩn chung…

 

Đến nay, tất cả các xã trong toàn tỉnh đều hoàn thành việc quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, trong đó đã quy hoạch được vị trí, diện tích đất cho các nghĩa trang nhân dân, trung bình mỗi xã từ 1 đến 3 nghĩa trang tuỳ thuộc vào quy mô dân số và mật độ tập trung dân cư.  Tuy nhiên, đến thời điểm này việc quy hoạch vị trí, xác định diện tích đất dành cho nghĩa trang mới chỉ nằm trên các bản vẽ, hầu hết các xã vẫn chưa bắt tay vào thực hiện. Và nếu xét tổng thể việc quy hoạch, xây dựng, quản lý, sử dụng các nghĩa trang nhân dân tại các địa phương vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập.

 

Dân số Thái Bình hiện có trên 1,8 triệu người, mỗi năm sẽ có hàng ngàn người qua đời mà theo phong tục người Việt hiện nay phần lớn mai táng, rất ít hoả táng. Nếu các địa phương vẫn buông lỏng quản lý quỹ đất nghĩa trang, để tiếp diễn tình trạng xây mộ tuỳ tiện thì quỹ đất dành cho người chết sẽ mất rất nhiều qua các năm, vì vậy đã đến lúc cần có giải pháp lâu dài cho vấn đề quy hoạch, quản lý và sử dụng các nghĩa trang nhân dân. Trước mắt, tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương cần phải tính toán để quy hoạch, xây dựng các nghĩa trang nhân dân theo đúng quy định, ban hành các quy chế quản lý nghĩa trang thống nhất, khoa học, hợp lý. Có chế tài, xử lý nghiêm những tổ chức, dòng họ, gia đình, cá nhân nếu vi phạm.

 

Việc bố trí quy hoạch phải cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện, địa hình, địa chất, thuỷ văn và khả năng khai thác quỹ đất phù hợp với tổ chức phân bố dân cư. Các nghĩa trang khi xây dựng phải bảo đảm các phân khu chức năng, phân lô, khoảng cách, kích thước, kiểu dáng xây dựng các bia mộ... nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, sử dụng đất có hiệu quả.

 

Mỗi nghĩa trang cần có một người quản trang chuyên trách hoặc bán chuyên trách khi nhân dân có yêu cầu hung táng, cát táng xác định vị trí thông báo cho gia chủ biết, hướng dẫn gia đình xây mộ đúng theo quy định của địa phương đồng thời lập sơ đồ mộ chí, đánh dấu trên bản đồ, bảo vệ nghĩa trang, thu dọn vệ sinh, trồng chăm sóc cây xanh... tạo mỹ quan, môi trường xanh-sạch đẹp, thói quen an táng văn minh, hiện đại phù hợp với phong tục, tập quán, nét đẹp văn hoá truyền thống của người địa phương.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày