Thứ 4, 27/11/2024, 16:50[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới Phải bắt đầu từ nhận thức

Thứ 5, 24/11/2011 | 15:12:39
1,918 lượt xem
Tại hội nghị sơ kết 3 năm xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo của tỉnh Thái Bình đã khẳng định công tác thông tin, tuyên truyền thời gian qua còn nhiều hạn chế dẫn tới một số địa phương trông chờ, ỷ nại vào cấp trên thiếu chủ động, sáng tạo; coi xây dựng nông thôn mới thuần tuý là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; quá trình triển khai xây dựng dựa chủ yếu vào ngân sách, không huy động sức dân nên ngay cả việc cắm mốc lộ giới giao thông, thuỷ lợi nội đồng cũng trích kinh phí thuê người làm…

Nông dân xã Quỳnh Châu (Quỳnh Phụ) đầu tư xây dựng trang trại trên vùng chăn nuôi tập trung theo quy hoạch nông thôn mới

Sau gần 3 năm thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, Thái Bình đã thu được những kết quả bước đầu rất khả quan. Không chỉ sôi động ở các xã được chọn làm điểm mà giờ đây gần như tất cả các ngành, các sở, các địa phương đều coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới cũng đã bộc lộ không ít hạn chế, một trong số đó là công tác thông tin, tuyên truyền làm chưa thật hiệu quả dẫn tới một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng hiểu chưa đầy đủ về các nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới.

 

Minh chứng rõ nhất cho nhận định trên là trường hợp mới đây một đảng viên lâu năm và là báo cáo viên của một xã khi trả lời phỏng vấn truyền hình đã quả quyết là mình chưa hề được tuyên truyền, thông tin gì về xây dựng nông thôn mởi. Đáng lo hơn khi ngay đến đồng chí Bí thư Đảng uỷ của một xã cũng kiến nghị rằng việc xây dựng nông thôn mới nên làm điểm, làm xã nào được xã ấy, không nên làm đại trà vì chỉ riêng kinh phí để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới của một xã trung bình cần khoảng 250- 300 tỷ đồng thì lấy đâu ra nguồn ngân sách để trợ cấp.

 

Gần đây, trong lần về quê chơi,  đồng chí Bí thư chi bộ thôn nghe nói tới đây hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn (liên xã, liên thôn) nếu chưa đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được Nhà nước hỗ trợ đầu tư để nâng cấp, mở rộng (tất nhiên là có phần đối ứng của ngân sách địa phương và huy động sức dân) thì đã giẫy nảy lên với tôi rằng làm gì có chuyện đó và chưa nghe thấy ai nói việc đó cả…

 

Để thực hiện thành công bất cứ chủ trương, chính sách nào của Đảng và Nhà nước thì công tác thông tin, tuyên truyền luôn giữ vai trò quan trọng và được đặt lên vị trí hàng đầu. Bởi chỉ khi nhận thức đúng và đầy đủ thì chỉ đạo mới sát, làm mới đúng và tích cực. Còn khi nhận thức sai hoặc chưa đầy đủ thì giải pháp sẽ không phù hợp, làm sẽ sai hoặc không tích cực tham gia thực hiện. Việc tuyên truyền không chỉ làm lúc ban đầu mà phải làm thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình triển khai thực hiện.

 

Công tác tuyên truyền trước nhất phải tập trung vào đội ngũ cán bộ, đảng viên và hội viên các đoàn thể bởi lực lượng này có nhận thức đúng mới tuyên truyền, vận động cho người khác hiểu. Đặc biệt họ có nhận thức đúng mới lãnh đạo, chỉ đạo đúng, đề ra các kế hoạch và giải pháp phù hợp huy động được cả hệ thống chính trị và mọi người dân cùng vào cuộc tham gia thực hiện. Nội dung tuyên truyền cần làm rõ để người dân hiểu xây dựng nông thôn mới là yêu cầu tất yếu, khách quan, phù hợp với quy luật phát triển, là quá trình thay đổi sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực ở nông thôn theo hướng CNH, HĐH nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

 

Khi tuyên truyền cũng phải phân tích để người dân thấy được rằng xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là công việc hết sức khó khăn, phức tạp do vậy Nhà nước sẽ có sự hỗ trợ về đầu tư. Tuy nhiên người dân nông thôn mới là chủ thể trực tiếp và tham gia vào tất cả các khâu của quá trình xây dựng nông thôn mới từ góp ý về chủ trương đến hiến đất, đóng góp kinh phí, đóng góp ngày công lao động…

 

Thực tế đã chứng minh nơi nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thì nơi đó người dân đồng thuận cao và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Có xã đã huy động nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Có xã như Thanh Tân (Kiến Xương), Hồng Minh (Hưng Hà) đã vận động người dân hiến hàng ngàn m2 đất và tự nguyện tháo dỡ các công trình trên đất phục vụ xây dựng đường gieo thông nông thôn…Có gia đình như hộ bà Nguyễn Thị Hội (thôn An Cơ Bắc, xã Thanh Tân) tự nguyện hiến 100m2 đất và phá bỏ tường bao, cổng dậu để mở rộng tuyến đường phía trước nhà mà không hề đòi hỏi tiền đền bù, so bì thiệt hơn với hộ khác.

 

Rõ ràng việc xây dựng nông thôn mới dù có dễ đến mấy nhưng nếu dân chưa hiểu, chưa thông thì cũng không thành. Ngược lại có khó đến vạn lần mà dân hiểu và đồng thuận thì dân liệu vẫn xong.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày