Thứ 4, 27/11/2024, 16:36[GMT+7]

Hồng Minh (Hưng Hà): Lấy sức dân để lo cho dân

Thứ 6, 25/11/2011 | 10:05:15
2,427 lượt xem
Những ngôi nhà, tường dậu đổ nát chỉ còn trơ trọi nền móng, ai không biết cứ nghĩ các thôn, làng ở Hồng Minh (Hưng Hà) như vừa phải hứng chịu một sự tàn phá nào đó. Song trên thực tế sự việc này lại là sự đồng thuận, đoàn kết cao của mọi người dân nơi đây, biết phá bỏ “bức tường” rào cản trước mắt để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Đường làng, ngõ xóm ở thôn Cổ Trai, xã Hồng Minh (Hưng Hà) đã thông thoáng, to rộng hơn nhiều sau khi người dân tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ các công trình của nhà mình.

Thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng để chỉnh trang các khu dân cư theo tiêu chí  nông thôn mới (NTM), chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân Hồng Minh đã tự nguyện phá bỏ nhiều công trình, với 150 m2 nhà ở, 1048 m2 công trình phụ, 94 cổng nhà, 2.581 m2 tường dậu, hiến 2.703 m2 đất...Ghi nhận kết quả này, vừa qua đồng chí Phạm Văn Sinh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã tặng bằng khen cho 3 hộ và đồng chí Nguyễn Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà tặng giấy khen cho 3 hộ có thành tích xuất sắc trong phong trào thực hiện xây dựng NTM.

 

Anh Nguyễn Trọng Lộ, Bí thư Đảng bộ xã cho biết: Ngay khi Hồng Minh được chọn là 1 trong 8 xã điểm của tỉnh về xây dựng NTM, Đảng bộ xã đã xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi kinh phí lớn, do đó ngoài nguồn vốn từ các chương trình, cần phải huy động sự đóng góp của nhân dân bằng ngày công lao động, hiến đất, công trình theo phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân”.

 

Thực tế cho thấy, xây dựng NTM là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự đoàn kết cao, thực hiện bền bỉ, có bước đi vững chắc, lộ trình phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Ngay việc giải phóng mặt bằng để làm đường làng, ngõ xóm nếu không có sự vào cuộc sát sao của cán bộ cơ sở từ xã xuống thôn và sự đồng thuận cao của nhân dân thì rất khó khăn.

 

Anh Lộ cho biết thêm, cuối năm 2010 xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân thôn Cổ Trai dồn điền, đổi thửa, hiến đất, góp ngày công lao động nhưng nhiều hộ không đồng ý, gây khó khăn cản trở, do đó đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của xã. Nhưng đến nay, thôn Cổ Trai lại là nơi có phong trào giải phóng mặt bằng làm giao thông mạnh nhất xã. Bà Vũ Thị Nhàn, Trưởng thôn Cổ Trai cho biết: Đến nay đã có 37 hộ dân trong thôn tự nguyện phá bỏ 105 m2 nhà, 452 m2 công trình phụ, 703 m2 tường bao, hiến 772 m2 đất ở, 19 cổng nhà và 50 m3 bể chứa nước uống; tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Một số hộ đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện tặng bằng, giấy khen, như ông Vũ Văn Quỳnh, hiến 74m2 đất, 1 gian nhà mái bằng và tường bao, cổng trị giá 65 triệu đồng; ông Vũ Duy Nghinh, phá bỏ 1 bếp, 1 gian nhà cấp bốn, tường bao, cổng và hiến 40 m2 đất trị giá 30 triệu đồng...

 

Chúng tôi đi vào thôn Cổ Trai, những dấu vết xưa của con đường vẫn còn đó, đoạn to, đoạn nhỏ, rộng chừng 2,5 – 3m, hai bên ứ đọng nước đen sì đặc quánh, bốc mùi hôi thối. Tuy nhiên, ai cũng vui mừng, bởi cái mới đã và đang hiện hữu từ những đống đổ nát; một số ngôi nhà, bức tường chỉ còn một nửa, có chỗ đã được đập sạch đến tận nền móng, tạo ra một không gian thoáng đãng. Mai này nơi đây sẽ là một con đường to, rộng, ô tô có thể vào được để phục vụ chính đời sống của nhân dân.

 

Ông Vũ Duy Mạnh, người nông dân có thân hình dong dỏng cao đang cặm cụi thu dọn lại những viên gạch từ bức tường mới đập bỏ, thấy có khách đến nhanh nhảu mời mọi người vào nhà uống nước. Cái cổng nhà ông trước kia được xây bằng gạch đẹp đẽ, giờ đây được dựng tạm bằng cây tre cao chỉ đến đầu đủ để đi lại, bức tường rào chăng tạm bợ bằng dây thép. Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi ông tâm sự: Khu dân cư ở đây đã hình thành từ lâu đời, nhưng phần lớn là tự phát, không có quy hoạch, đường làng, ngõ xóm chật hẹp, nước thải sinh hoạt, nước mưa không có cống thoát, xe thô sơ đi lại khó khăn, ô tô không thể vào được. Từ khi có chủ trương xây dựng NTM, mọi người dân rất vui mừng; tuy nhiên cũng có một số hộ chưa đồng thuận trong việc góp công sức, tiền của, công trình. Riêng đối với gia đình tôi ủng hộ rất cao, tự nguyện phá bỏ bếp, nhà tắm, cầu thang, 48 m2 tường dậu và hiến 92 m2 đất ở, tổng trị giá trên 80 triệu đồng...

 

Bà Vũ Thị Nhàn cho biết thêm, để có được kết quả giải phóng mặt bằng làm đường như hiện nay, thôn đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) gồm 25 thành viên, chủ yếu là những người lớn tuổi có uy tín, được mọi người dân tin tưởng; các thành viên ban chỉ đạo GPMB hoạt động rất tích cực không kể trời nắng, mưa, đêm tối để đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động về mục đích ý nghĩa của việc hiến đất, công trình...Do đó, mọi người đều đồng tình, nhất trí cao thực hiện. Kinh nghiệm để huy động được sức dân tích cực tham gia các phong trào về xây dựng NTM, theo anh Nguyễn Trọng Lộ cái chính là sự vào cuộc sát sao, quyết liệt của cán bộ xã, thôn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền; mọi thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đều được phân công giao nhiệm vụ cụ thể, phụ trách từng công việc; đồng thời có các giải pháp để khuấy động phong trào, tổ chức thực hiện làm điểm ở một thôn, sau đó quay phim và cho mọi người xem tại các cuộc họp Đảng bộ, chi bộ...; những cá nhân, tập thể làm tốt được biểu dương khen ngợi kịp thời.

 

Theo Bí thư Đảng bộ xã, cái khó nhất trong giải phóng mặt bằng làm đường giờ đây không phải là người dân, mà là hệ thống đường điện của ngành điện lực. Bởi, trước đây đường, ngõ nhỏ hẹp thì cột điện nằm ở ven đường, đến khi giải toả mở rộng thì hệ thống cột điện lại nằm ở giữa đường đã gây mất an toàn giao thông, cũng như chậm tiến độ thi công công trình. Hồng Minh đã có đề nghị với ngành điện dịch chuyển đường điện vào cạnh đường, nhưng ngành điện yêu cầu xã phải bỏ kinh phí cho việc này từ di chuyển đến các hư hỏng phát sinh. Hiện nay, ngành điện đã bán điện đến tận hộ dân, đồng thời xây dựng NTM có nhiệm vụ của các cấp, các ngành thuộc lĩnh vực mình quản lý, do đó xã phải bỏ kinh phí cho phần việc này là bất hợp lý, anh Nguyễn Trọng Lộ, Bí thư Đảng uỷ xã nói.

 

Các phong trào và sự đoàn kết thống nhất cao về xây dựng NTM đang diễn ra rất sôi nổi ở Hồng Minh, đã phần nào nói lên được những truyền thống tốt đẹp của một vùng quê cách mạng. Không chỉ thế, mỗi hộ dân luôn có tư tưởng “Tương thân, tương ái” đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẽ khó khăn bằng những hành động thiết thực; những hộ không phải hiến đất, dỡ bỏ công trình, người ít nhất cũng tự nguyện đóng góp 100 nghìn đồng trở lên và ngày công lao động để giúp các gia đình đã hiến đất, hiến nhà, tường dậu...xây dựng lại. Với những nghĩa cử cao đẹp và sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở nơi đây nếu tiếp tục được phát huy, thiết nghĩ dù có khó khăn đến đâu thì Hồng Mĩnh vẫn vượt qua, sớm trở thành xã NTM.

                                                                                               

 Bài, ảnh: Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày