Thứ 7, 25/01/2025, 00:40[GMT+7]

Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới: Chưa hiệu quả và có chiều sâu

Thứ 6, 25/11/2011 | 15:19:55
2,220 lượt xem
Tuyên truyền đa dạng, có chiều sâu là nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng nông thôn mới. Đúng như ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trả lời báo chí mới đây, đã nói rằng: Xây dựng nông thôn mới phải trở thành cao trào cách mạng như khoán 10 trước đây thì mới đạt yêu cầu....

Xã An Ninh huyện Tiền Hải đầu tủ xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Ảnh: Thành Tâm

Đó là kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 17-11 vừa qua. Một trong những thành công của xây dựng nông thôn mới là làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới công tác tuyên truyền để đạt hiệu quả cao.

 

Trong báo cáo mới đây của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cũng có đánh giá: Công tác tuyên truyền vận động, tổ chức phong trào tự nguyện xây dựng nông thôn mới trong nhân dân với phương châm: “Dựa vào sức dân để lo cho dân” còn hạn chế. Nội dung tuyên truyền chưa thật sự cụ thể và sát thực với yêu cầu của từng địa phương, chưa khơi dậy được tinh thần thi đua xây dựng nông thôn mới của từng thành viên, từng địa phương... nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, chưa đáp ứng được yêu cầu; vẫn còn quan niệm vấn đề xây dựng nông thôn mới là của Đảng, của Nhà nước cấp trên; chưa coi đây là nhiệm vụ chủ yếu của địa phương, cơ sở... nên còn tư tưởng trông chờ ỷ nại vào sự chỉ đạo và đầu tư kinh phí của cấp trên...

 

Những thành tựu trong xây dựng 8 xã điểm nông thôn mới và triển khai đến 267 xã, thị trấn có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tuyên truyền. Đài Phát thanh – Truyền hình, Báo Thái Bình mở chuyên mục tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Không tối nào trên sóng PTTH không nhắc tới xây dựng nông thôn mới. Tuần nào Báo Thái Bình cũng dành cả trang 2 để phản ánh về nội dung xây dựng nông thôn mới; số nào cũng có bài viết biểu dương các xã, địa phương triển khai, thực hiện tiến độ xây dựng NTM. Có những bài cập nhật thời sự, cũng có những bài báo đề cập đến khó khăn trong quá trình thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, tiến độ dồn điền đổi thửa.

 

Hệ thống đài truyền thanh huyện, thành phố và đài truyền thanh các xã, thị trấn tiếp âm, tăng thời lượng tuyên truyền. Tuy nhiên, cũng cần thấy rõ rằng: chiều phản ánh chủ trương, nghị quyết xuống cơ sở làm rất tốt. Còn chiều ngược lại: những tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc và cả các vấn đề nhân dân cần hiểu sâu, hiểu kỹ thì chưa làm được, hoặc là làm hạn chế.

 

Đúng như ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ: Bà con nghe đài, đọc báo thì biết vậy, chứ thắc mắc thì đài cũng chẳng trả lời được mà báo thì cũng không in được. Vấn đề ở đây là không chỉ có hình thức tuyên truyền nông thôn mới trên Báo, Đài.. mà phải đa dạng phương thức tuyên truyền và tuyên truyền có chiều sâu hơn. Theo gợi ý của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ thì tiểu ban tuyên truyền cần xây dựng kế hoạch thật cụ thể; đặt ra các câu hỏi và trả lời... in thành tập sách nhỏ, coi như cẩm nang cho cán bộ, đảng viên cơ sở thực hiện và tuyên truyền, giúp bà con hiểu sâu sắc hơn, kỹ hơn nội dung của xây dựng nông thôn mới. 19 tiêu chí là những tiêu chí nào, tại sao phải triển khai, thực hiện các tiêu chí ấy. Tiêu chí đặt ra yêu cầu gì để xây dựng nông thôn mới.

 

Rất nhiều cán bộ, đảng viên khi được hỏi 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia gồm những tiêu chí nào thì đều nêu không đầy đủ và không đúng nội dung. Rõ ràng là người được học tập, quán triệt nhiều mà hiểu không kỹ thì nông dân – chủ thể của xây dựng nông thôn mới hiểu sao được. Khi nhận thức về xây dựng nông thôn mới chưa tốt, làm sao có kết quả tốt được.

 

Tuyên truyền đa dạng, có chiều sâu là nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng nông thôn mới. Đúng như ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trả lời báo chí mới đây, đã nói rằng: Xây dựng nông thôn mới phải trở thành cao trào cách mạng như khoán 10 trước đây thì mới đạt yêu cầu.

 

Vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền trong tiến trình xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng. Nó phải đi trước một bước để nâng cao nhận thức. Đồng thời, phải đi song hành để cổ động, biểu dương uốn nắn những lệch lạc và đi sau để tổng kết thực tiễn. Hiện tại, đang rất cần công tác tuyên truyền đi trước để góp phần làm chuyển biến nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân. Chỉ chừng nào cơ sở và bà con thấy được tính tất yếu của xây dựng nông thôn mới thì sẽ hăng hái tham gia; thấy được chủ trương của Đảng, Nhà nước: “Dựa vào sức dân để lo cho dân” thì sẽ khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ nại vào cấp trên. Bài học thực tiễn của các địa phương đã làm tốt các bước triển khai, thực hiện tiến độ xây dựng nông thôn mới cho thấy: Dân hiểu cận kẽ mục đích và hiệu quả lâu dài của xây dựng nông thôn mới sẽ tích cực làm, sẵn sàng hiến đất, góp công để địa phương thực hiện kế hoạch. Chỉ tính nguồn vốn huy động cho 8 xã điểm xây dựng nông thôn mới thì: nguồn ngân sách Trung ương mới có 37,52 tỷ đồng; NS tỉnh 149,464 tỷ đồng: NS huyện: 6,8 tỷ đồng và NS xã: 42,362 tỷ đồng; nguồn vốn nhân dân đóng góp: 91 tỷ đồng.

 

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là cuộc cách mạng “nông nghiệp, nông thôn” thứ hai, sau khoán 10 cần làm cho các cấp, các ngành và nhân dân thấu suốt chủ trương ấy; thấm sâu quan điểm “dựa vào sức dân để lo cho dân”. Nhiệm vụ của công tác  tuyên truyền trong thời gian tới phải tuyên truyền có chiều sâu, đa dạng các loại hình tuyên truyền và coi trọng tính hiệu quả.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày