Thứ 3, 23/07/2024, 23:31[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình:  “Tư tưởng không thông, vác bi đông cũng nặng”

Thứ 6, 25/11/2011 | 15:46:25
10,376 lượt xem
Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) ở 8 xã điểm và các xã trong toàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ luôn nhắc tới câu “Tư tưởng không thông, vác bi đông cũng nặng”, để nhắc nhở các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị phải đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân thông về tư tưởng thì việc xây dựng NTM mới thành công.

Đường giao thông, thủy lợi nội đồng xã Quỳnh Minh huyện Quỳnh Phụ đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Ngọc Linh

Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020 cũng đã đặt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động để làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, hành động của nhân dân tích cực xây dựng NTM lên hàng đầu. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM còn mơ hồ, chưa đầy đủ nên đã ỷ nại, trông chờ vào sự chỉ đạo, cũng như nguồn đầu tư kinh phí của cấp trên; có nơi triển khai xây dựng NTM không theo trình tự, đầu tư dàn trải...Chính vì vậy, trong những cuộc họp gần đây, đồng chí Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh luôn luôn chú trọng chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố và các đoàn thể phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa để tạo ra các phong trào thi đua xây dựng NTM ở các địa phương.

 

Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nêu rõ, các cấp, các ngành, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xác định xây dựng NTM là sự nghiệp của dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng...Để từ đó đề cao ý thức trách nhiệm, thống nhất về nhận thức và hành động, hăng hái đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của xây dựng NTM. Đồng thời kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, trông chờ, ỷ nại...

 

Trong thời gian qua, các cấp các ngành, đoàn thể đã nỗ lực bám sát các nội dung Nghị quyết 02, Đề án xây dựng NTM của tỉnh để tuyên truyền. Nhìn chung nhận thức bước đầu về xây dựng NTM  đã dần “thấm” vào các tầng lớp nhân dân. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 21- KH/BTGTU về tuyên truyền xây dựng NTM. Nội dung tuyên truyền đã nêu rõ về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu cấp thiết của việc xây dựng NTM; những thuận lợi và khó khăn; vai trò chủ thể của người dân; những điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong phong trào thi đua yêu nước, xây dựng NTM.

 

Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã tổ chức học tập quán triệt nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, huyện, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội đã tổ chức lễ phát động phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Riêng đối với hai cơ quan tuyên truyền chủ lực của tỉnh là Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình đã mở chuyên mục đều đặn để tuyên truyền về xây dựng NTM. Trước và trong quá trình triển khai kế hoạch xây dựng NTM, Báo Thái Bình đã có nhiều tin, bài với nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, góp phần thiết thực nâng cao tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa xây dựng NTM.

 

Đặc biệt khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở các xã trong toàn tỉnh, Báo Thái Bình  đã xây dựng chuyên mục trên tất cả các ấn phẩm báo in và báo điện tử. Nội dung tuyên truyền đã tập trung làm rõ sự cần thiết xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay; các tiêu chí phải thực hiện; nhiệm vụ của các sở, ngành; vai trò của người dân; giải pháp thu hút các nguồn lực; cách thức phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM...

 

Thông qua các hoạt động tuyên truyền của các ban, ngành, đoàn thể đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM. Ông Vũ Xuân Giảng, Trùm phó xứ giáo Phú Giáo, thôn Nhân Phú, xã Hùng Dũng (Hưng Hà) cho biết: Cũng như bao hộ dân khác trong thôn, khi có chủ trương xây dựng NTM, chúng tôi rất phấn khởi, mọi người đều đồng thuận góp công sức, hiến đất đai, công trình để phục vụ mở đường làng, ngõ xóm, dồn điền, đổi thửa; riêng nhà tôi đã tự nguyện dỡ bỏ 12 m tường dậu, hiến 6 m2 đất ở, đồng thời vận động các giáo dân khác thực hiện tốt chủ trương lớn này; xây dựng NTM sẽ giúp nông dân chúng tôi được hưởng nền sản xuất phát triển, thôn xóm văn minh, đường làng xanh, sạch, đẹp...

 

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền về xây dựng NTM, thẳng thắn nhìn nhận lại thì vấn đề này ở nhiều cơ sở làm vẫn còn yếu kém, chưa tạo ra được các phong trào thi đua sâu rộng. Thực tế cho thấy việc vận động, thuyết phục nhân dân chủ động, tích cực tham gia chương trình xây dựng NTM theo phương châm lấy sức dân để lo cho dân chưa đạt yêu cầu đề ra. Nội dung tuyên truyền chưa sâu, chưa cụ thể ở từng giai đoạn, do đó nhiều nơi nhân dân không đồng thuận cao trong việc góp tiền của, công sức, đất đai phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng; một số nơi do ảnh hưởng tập quán sản xuất nhỏ lẻ, nhưng cấp uỷ, chính quyền chưa tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức của nhân dân nên họ chưa đồng tình trong việc thực hiện quy hoạch đồng ruộng theo hướng tập trung ruộng đất...

 

Ngay một bộ phận lãnh đạo xã chúng tôi gặp họ đều nhận thức rằng việc xây dựng NTM phải là từ nguồn ngân sách cấp trên; từ việc đắp bờ vùng, bờ thửa, đào hố cắm mốc chỉ giới cũng không huy động sức dân mà dùng tiền bán đất để triển khai thực hiện. Thử hỏi, những việc có thể huy động sức dân để làm mà không làm được, đến khi không còn quỹ đất để bán thì những xã này lấy nguồn kinh phí ở đâu để tiếp tục triển khai xây dựng các công trình khác. Nhiều thành viên Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh lo ngại tình trạng nợ công đang  xuất hiện ở một số xã, có xã đã nợ tới 14 tỷ đồng, nhưng nguồn lực lại hạn chế. Hay một số xã đầu tư xây dựng không theo thứ tự ưu tiên, chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm tới chuyển đổi cơ cấu kinh tế, dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng phục vụ cho sản xuất...

 

Để xây dựng NTM thành công cần phải phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính. Theo đó, các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất góp công sức, tiền của, tự nguyện giải phóng mặt bằng cho xây dựng công trình hạ tầng, cải tạo nơi ăn chốn ở, khơi thông cống rãnh, đẩy mạnh phát triển sản xuất...; vận động các tổ chức, con em của địa phương làm ăn ở nơi xa tích cực đóng góp vật chất, tinh thần để tham gia xây dựng quê hương thêm giàu, đẹp.

                        Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày