Thứ 7, 23/11/2024, 12:39[GMT+7]

Đổi thay ở huyện nông thôn mới

Thứ 3, 18/12/2018 | 14:50:52
2,225 lượt xem
Lâu lắm mới có chuyến vi hành bằng xe máy về Hưng Hà, để cảm nhận được thật đầy đủ sự đổi thay của huyện nông thôn mới.

Làng quê Tân Lễ (Hưng Hà). Ảnh: Ngọc Linh

Gần 30 năm trước, tôi được cơ quan phân công về công tác ở Hưng Hà, rồi như một định mệnh tôi gắn bó với huyện trọng điểm lúa hơn 15 năm. Ngày về Hưng Hà, quang cảnh thị trấn - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện cũng không hơn gì một thị trấn miền núi: nghèo nàn và đơn điệu. Dọc hai bên phố chỉ có các cơ quan cấp huyện, công ty thương mại, bưu điện... là nhà xây kiên cố, rất ít nhà tầng. Lúc đó tôi chợt nghĩ: Bao giờ Hưng Hà mới tiến kịp miền núi? Vậy mà chỉ một thời gian rất ngắn, không đợi đến 30 năm, Hưng Hà đã “lột xác” trở thành huyện có tiềm lực kinh tế mạnh, diện mạo đổi thay đến kỳ diệu và năm 2015 trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Những ai không đặt chân đến Hưng Hà đầu thập niên 90 không thể có được sự so sánh về bức tranh của ngày hôm nay với 30 năm trước; không thấy được sự chuyển mình đến ngỡ ngàng của Hưng Hà.

Tôi về Hưng Hà khi cuộc cách mạng về giống lúa đang diễn ra hết sức quyết liệt. Bí thư Huyện ủy lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Thặng tâm sự: Sinh hạ một mô hình mới, cách làm mới đều phải trải qua vất vả, khó khăn... Đó là tất yếu nhưng vất vả mà dân ấm no thì khó mấy cũng làm. Hưng Hà đã phôi thai những tư duy mạnh mẽ như thế để có được những ngọt ngào: nhiều năm dẫn đầu năng suất lúa của tỉnh. Tuy nhiên, chưa bao giờ Hưng Hà thỏa mãn với thành công, hay nói đúng hơn là không say sưa với vòng nguyệt quế. Khi năng suất lúa đã kịch trần, cấp ủy, chính quyền huyện lại trăn trở tìm lối ra mới: khuyến khích người dân phá bỏ vườn tạp, một tấc đất cũng là tấc vàng theo đúng lời cha ông. Triển khai mạnh mẽ cuộc cách mạng “trồng cây vụ đông”, bắt đất quay vòng nhanh, tạo ra vụ thứ ba trong kế hoạch sản xuất hàng năm. Năm 2018, huyện đầu tư trên 1,8 tỷ đồng cho các xã, thị trấn mua các loại giống ngô nếp, bí củ lạc, khoai tây... hỗ trợ giá cho một số giống ngô nếp, bí xanh. Đến hết năm 2018, diện tích cây vụ đông đạt 6.030ha, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,96%, vượt kế hoạch đề ra. Nhiều năm gắn bó với Hưng Hà, tôi nhận ra một điều: Mỗi khi có nghị quyết mới, chủ trương mới các đồng chí lãnh đạo huyện lại về các xã nắm bắt tình hình để kịp bổ khuyết những bất hợp lý hoặc giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, không để “cái sẩy nẩy cái ung”. Hưng Hà là huyện dẫn đầu giao thông nông thôn của cả nước ngay từ đầu những năm 1990. Nền tảng ấy là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Bởi Hưng Hà có hệ thống làng nghề truyền thống lâu đời và phong phú như dệt Phương La, mộc mỹ nghệ làng Vế (Canh Tân) làng Riệc (Tân Hòa), không chỉ nổi tiếng trong tỉnh, trong nước mà còn vươn sang các nước lân cận, chiếu Hới gắn liền với câu chuyện lịch sử của Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Câu ca dao đã thấm sâu vào tâm trí của người dân: “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”. Bây giờ Hưng Hà có 4 xã nghề, 53 làng nghề. Những năm đổi mới, kêu gọi đầu tư, Hưng Hà có các cụm công nghiệp lớn thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào làm ăn, giải quyết lao động tại chỗ như cụm công nghiệp Thái Phương, Hưng Nhân, Đồng Tu, Thống Nhất, Tiền Phong. 30 năm trước, khi Hưng Hà đưa ra quan điểm “Ly nông bất ly hương”, không ít người cho là ảo tưởng. Hôm nay, trong báo cáo năm 2018, toàn huyện giải quyết được 8.296 lao động mới, đưa trên 300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc có gần 9.000 gia đình con em họ có việc làm, thu nhập, tránh xa được tệ nạn xã hội do “nhàn cư vi bất thiện”. Hưng Hà là huyện mạnh dạn đổi mới, khuyến khích sự năng động, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Khi có mô hình thất bại, lãnh đạo huyện không gay gắt, bình tĩnh làm rõ nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, chỉ có như vậy mới khơi dậy được sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ cơ sở và cán bộ chuyên môn. Hưng Hà không có được tiềm năng thiên nhiên ưu đãi như các địa phương ven biển nhưng huyện có đột phá sớm về nuôi cá lồng trên sông, tận dụng các triền đê nuôi bò sữa... Chủ trương xây dựng các mô hình trang trại, gia trại cũng hình thành sớm ở Hưng Hà, đến nay, toàn huyện có 176 trang trại, trong đó 81 trang trại đã được thẩm định cấp giấy chứng nhận “Kinh tế trang trại”. Trong những chuyến đi thực tế về các xã ở Hưng Hà, tôi cứ suy nghĩ tìm câu trả lời: Vì sao Hưng Hà có được thành công như thế? Người dân Hưng Hà cần cù, chịu khó..., rất đúng; lãnh đạo qua các thời kỳ năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm..., cũng không sai. Bất giác, tôi nhớ lại câu nói truyền miệng bao đời nay: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mới thấy được yếu tố đưa đến thành công của huyện. Vùng đất “địa linh, nhân kiệt” đã tạo nên sinh khí cho người Hưng Hà từ xa xưa đã biết chế ngự thiên nhiên, dũng cảm đứng lên chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Không phải địa phương nào trên đất nước này cũng có một gia tài đồ sộ, phong phú các di sản văn hóa như ở Hưng Hà: 697 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích lịch sử cấp quốc gia, 77 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Những di sản đang được các thế hệ lãnh đạo Hưng Hà trân trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị vô cùng quý giá không chỉ về giáo dục truyền thống mà còn là nội lực, là sức mạnh để người Hưng Hà dù khó khăn đến mấy cũng không làm hổ danh tiếng thơm mà cha ông mình để lại.

Dệt khăn bông ở Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Tuấn Lộc (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà).

Đắm mình trong trang sử hào hùng của đất và người Hưng Hà, bây giờ tôi mới bình tâm ngắm nhìn bức tranh nông thôn mới, diện mạo mới rất đáng tự hào. Đến cuối năm 2018, Bắc Sơn là xã cuối cùng của Hưng Hà sẽ về đích. Huyện chỉ đạo hai xã Hồng Minh, Hồng An xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Diện mạo của hai thị trấn Hưng Hà, Hưng Nhân thay đổi nhanh chóng. Những siêu thị mi ni, những hiệu vàng và các dịch vụ tiện ích đã làm nên một thị trấn khác rất xa so với 30 năm về trước. Dịch vụ, thương mại phát triển làm cho thu ngân sách cũng tăng rất nhanh: năm 2018 thu trên 1.210 tỷ đồng - con số mà 30 năm trước là mơ ước của Hưng Hà.

Chia tay huyện thâm canh lúa giỏi, chia tay vùng đất cổ Ngự Thiên, trong cái rét mùa đông mà sao lòng tôi vẫn thấy ấm áp khi ngắm nhìn bức tranh nông thôn mới và sự đổi thay của Hưng Hà đang hiện hữu ngay trước mặt. Con sông Luộc vẫn cần mẫn đưa phù sa về bồi lắng cho những mùa vàng tốt tươi, đem ấm no về cho vùng đất này.

Phạm Viết Thanh
(Thành phố Thái Bình)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày