Thứ 3, 23/07/2024, 23:22[GMT+7]

Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay...

Thứ 7, 31/12/2011 | 15:07:01
2,563 lượt xem
Đến nay, Thái Bình đã triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) được 3 năm, thời gian không phải là dài đối với một chủ trương lớn, liên quan đến tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng... nhưng tỉnh nhà đã thu được những kết quả khá tốt, trở thành một trong những điểm sáng trong cả nước về xây dựng NTM.

Chỉnh trang đường làng ở Thanh Tân - Kiến Xương

Xây dựng NTM để tiến tới nền sản xuất phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế  xã hội đồng bộ và hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao...Chính vì vậy mà cán bộ, đảng viên và nhân dân đã dần nhận thức rõ hơn về tính tất yếu, yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng NTM, nên đã tổ chức thực hiện liên tục, quyết liệt tạo ra các phong trào thi đua rộng khắp từ tỉnh xuống tới các thôn, làng.

     

Thái Bình là một tỉnh đồng bằng ven biển, có trên 100 nghìn ha đất canh tác nông nghiệp, dân số gần 1,8 triệu người, trong đó có tới 86% sống ở nông thôn. Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, do đó kinh tế nông thôn có sự thay đổi khá mạnh trên từng lĩnh vực; nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá; văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ...Tuy nhiên, trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường, thực hiện CNH  HĐH nông nghiệp, nông thôn và xoá dần khoảng cách giầu, nghèo giữa thành thị và nông thôn, với thực trạng hiện nay thì khu vực nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp đang cản trở tiến trình sản xuất hàng hoá có sức cạnh tranh cao; kết cấu hạ tầng không theo kịp yêu cầu sản xuất và đời sống của nông dân; bản sắc văn hoá tốt đẹp ở một số nơi đang dần mai một...

 

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo cho các tỉnh nói chung, Thái Bình nói riêng thêm cơ hội lớn trong phát triển kinh tế và ổn định chính trị  xã hội. Tuy bước đầu Thái Bình không được chọn làm điểm về xây dựng NTM, nhưng tỉnh nhà đã nhanh nhậy đưa nghị quyết vào cuộc sống, bằng việc chọn 8 xã ở 8 huyện, thành phố để làm điểm.

 

Tại các xã điểm xây dựng NTM, bước đầu đã chuyển biến nhanh cả về sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế  xã hội; nhất là việc nhận thức và trách nhiệm của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng NTM được nâng cao, thể hiện bằng sự đồng tỉnh ủng hộ, góp ngày công, kinh phí, đất đai. Điều đó đã khẳng định Nghị quyết về “tam nông” đúng và phù hợp. Sau 3 năm, 8/8 xã đã quy hoạch được một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung cho hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình như Hồng Minh (Hưng Hà) bố trí 4 vùng sản xuất, với tổng diện tích 533 ha, bước đầu đã có một số hộ thuê mượn lại ruộng đất của các hộ khác để đầu tư chuyên canh cây trồng. Cụ thể như hộ ông Bùi Quốc Sự, thôn Minh Xuyên đã thuê 6 ha của các hộ dân để trồng ớt; ông Sự lại thuê chính những hộ dân này làm cho ông, điều đó đã giúp các chủ ruộng không chỉ có việc làm mà còn tăng thu nhập hơn so với trước kia; riêng ông Sự, trừ hết các khoản chi phí còn lãi trên 4 triệu đồng/ sào/ năm. Có lẽ chưa bao giờ mà trong thời gian ngắn các nguồn vốn được huy động để xây dựng các công trình hạ tầng lớn như thời gian vừa qua.

 

Từ năm 2009 đến nay, tổng nguồn vốn huy động cho 8 xã điểm đạt gần 560 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp trên 90 tỷ đồng. Với nguồn vốn trên, các xã đã tập trung đầu tư nâng cấp, xây mới nhiều công trình quan trọng để phục vụ chính đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, gồm: 7 trường THCS, tiểu học và 5 trường mầm non, 1 nhà văn hoá xã, 11 nhà văn hoá thôn...;đắp bờ vùng, bờ thửa 498.804 m3, cứng hoá 45 km kênh mương, xây mới và cải tạo, nâng cấp 8 trạm bơm...Bên cạnh đó, các phong trào hiến đất, công trình, ngày công lao động diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở các địa phương, như Hồng Minh có 124 hộ hiến 2.703 m2 đất, phá bỏ 150 m2 nhà ở, 1.048 m2 công trình phụ...để mở rộng đường giao thông, tổng trị giá các công trình 3,726 tỷ đồng; Thanh Tân (Kiến Xương) đã phóng tuyến phát quang lộ giới 27,6 km đường thôn, các hộ dân hiến 1.301 m2 đất. Ngoài ra, mỗi thôn ở 8 xã điểm đã xây dựng mô hình về tự quản vệ sinh môi trường, nếp sống văn hoá trong việc cưới, tang, xây dựng đường, ngõ sạch đẹp; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

 

Không chỉ tập trung cho 8 xã điểm, thời gian vừa qua Thái Bình đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến tất cả các xã trong tỉnh. Đến nay, 100% số xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung, 36 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, 132 xã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông, thuỷ lợi nội đồng...Đồng thời nhiều xã đã và đang hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung; điển hình như HTXDVNN Trọng Quan, Đông Phương (Đông Hưng) phối hợp với Công ty cổ phần lương thực Thái Đan tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao. Năm 2011, tổng kinh phí để thực hiện chương trình xây dựng NTM ở các xã là 1.227,8 tỷ đồng, trong đó chưa kể vốn lưu động đầu tư cho sản xuất của hộ dân và các doanh nghiệp.

           

Cảm nhận rõ nét nhất về phong trào xây dựng NTM là những ngày cuối năm, bởi hầu hết các xã trong tỉnh đều huy động sức dân, đoàn thể ra đồng tham gia đào đắp làm giao thông, thuỷ lợi nội đồng; giải toả đường làng, ngõ xóm để chỉnh trang khu dân cư; các vùng cây màu vụ đông hàng hoá đã đến độ thu hoạch; những ngôi trường, nhà văn hoá đang dần hoàn thiện...Chính những công việc của ngày hôm nay đang tạo ra một bức tranh đầy sắc màu để phục vụ thiết thực cho cuộc sống của người nông dân không chỉ trước mắt mà là cả một quá trình dài lâu.

                                                                                                     Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày