Thứ 3, 23/07/2024, 23:31[GMT+7]

Phát triển công nghiệp và thương mại phục vụ xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 06/01/2012 | 09:07:37
1,913 lượt xem
Trong bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, có 2 tiêu chí liên quan trực tiếp tới lĩnh vực công nghiệp - thương mại, đó là hoàn thiện hệ thống điện và xây dựng hạ tầng chợ. Nhận thức rõ vai trò của mình, thời gian qua ngành Công Thương đã tích cực vào cuộc, xây dựng các đề án, quy hoạch, đưa ra nhiều giải pháp và lộ trình phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các xã sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Nghề dệt khăn xuất khẩu tại Phương La (Hưng Hà)

Tiêu chí liên quan đến điện đòi hỏi hạ tầng điện phải đảm bảo kỹ thuật theo quy định của ngành và trên địa bàn có ít nhất 99% số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn. Ðáp ứng yêu cầu này, năm 2010 Sở Công Thương đã chủ động xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2011- 2015, được Bộ Công Thương chính thức phê duyệt. Ðây là căn cứ quan trọng làm cơ sở để ngành điện xây dựng kế hoạch huy động kinh phí và triển khai thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng điện đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống. Riêng với mạng lưới điện nông thôn, ngành đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án năng lượng nông thôn II, hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tại 49 xã, thị trấn, đồng thời tiếp tục triển khai tại 34 xã, thị trấn khác.

 

Công ty Ðiện lực Thái Bình cũng đã hoàn thành việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, đầu tư nâng cấp, cải tạo một số công trình điện hạ áp và thực hiện bán điện trực tiếp đến từng hộ dân. Ðến nay, trong số 70 xã chỉ đạo làm điểm về xây dựng mô hình nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015, có 31 xã đã đạt được tiêu chí về điện, 39 xã còn lại phấn đấu hoàn thành tiêu chí này vào năm 2013.

 

Ðối với hệ thống chợ nông thôn, trên địa bàn tỉnh ta hiện có 233 chợ các loại, trong đó có 2 chợ loại I, 41 chợ loại II và 190 chợ loại III; diện tích trung bình mỗi chợ khoảng 2.600m2; hơn 80% số chợ nói trên nằm ở khu vực nông thôn và hầu hết là chợ loại III. Trong số 70 xã được chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015 mới có 18 xã đạt tiêu chí về chợ, 52 xã khác nếu phấn đấu quyết liệt sẽ đạt vào năm 2015, những xã còn lại hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do không bố trí được kinh phí.

 

Ðể nâng cấp, cải tạo hệ thống chợ đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Xây dựng, năm 2010 Sở Công Thương đã hoàn thành Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh giai đoạn 2010- 2020, định hướng đến năm 2025 và điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới chợ giai đoạn 2010- 2020 làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng chợ. Theo đó, dự kiến trên địa bàn tỉnh sẽ có 281 chợ các loại gồm 29 chợ loại I, 79 chợ loại II, còn lại là chợ loại III, rút ngắn bán kính phục vụ xuống còn 2km/ chợ và đảm bảo mỗi chợ phục vụ cho khoảng 7.000- 8.000 người. Tuy nhiên để hoàn thiện hệ thống chợ theo tiêu chí đòi hỏi lượng kinh phí khá lớn, khoảng 250 tỷ đồng cho giai đoạn 2011- 2015 và hơn 200 tỷ đồng cho giai đoạn tiếp theo 2016- 2020. Vì vậy ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách, tới đây Sở Công Thương sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các cơ chế thông thoáng hơn để mời gọi các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và kinh doanh chợ; đặc biệt khuyến khích hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao). Ðồng thời tham mưu ban hành thêm cơ chế hỗ trợ về đất đai, ưu đãi thuế, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật…

 

Ngoài hai tiêu chí nói trên, hiện ngành Công Thương đang tích cực phối hợp với các ngành, các cấp hỗ trợ các xã phát triển sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề cho lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…Hoàn thành quy hoạch mạng lưới các khu- cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2010- 2020 làm cơ sở để mời gọi đầu tư. Ðồng thời chỉ đạo tái cơ cấu và có những giải pháp hỗ trợ cần thiết để duy trì sự phát triển ổn định cho khoảng 200 làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động khu vực nông thôn. Hàng năm dành ra nguồn kinh phí từ quỹ khuyến công để hỗ trợ đào tạo lao động cho nông dân. Năm 2010 đã đào tạo nghề cho hơn 4.000 lao động làm nghề tiểu thủ công nghiệp tại các xã. Năm 2011 tiếp tục đào tạo thêm 3.300 lao động với các nghề đan mây tre, làm tăm hương, đan làn, móc hộp…Phối hợp với một số chính quyền cơ sở giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Thời gian qua, Sở đã hỗ trợ một số cơ sở sản xuất tại làng nghề xã Vũ Hội (Vũ Thư) và Phương La (Hưng Hà) xử lý nước thải trong quá trình sản xuất bún bánh và dệt nhuộm…

 

Thời gian tới, ngành Công thương sẽ tiếp tục triển khia các đề án, quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trọng tâm là đề án phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và đề án xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các xã. Ðồng thời tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển doanh nghiệp nông thôn và mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại tại khu vực nông nghiệp - nông thôn.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày