Thứ 2, 23/12/2024, 15:41[GMT+7]

Đông Hưng - Hướng tới huyện nông thôn mới

Thứ 7, 02/02/2019 | 08:50:33
3,251 lượt xem
Chỉ cách trung tâm thành phố Thái Bình chưa đến 17km nhưng huyện Đông Hưng lại không có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội như một số huyện khác trên địa bàn tỉnh. Song với sự năng động, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của cấp ủy, chính quyền, Đông Hưng đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành huyện nhiều năm liền có năng suất lúa cao nhất tỉnh, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên đà phát triển.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng trao Huy hiệu đảng cho các đảng viên cao tuổi đảng xã Đông Xá.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Đông Hưng là huyện trọng điểm lúa của tỉnh song hiện năng suất lúa gần như đã chạm trần, để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trong nền kinh tế, Đông Hưng thời gian qua đã đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm đạt mục tiêu: nâng cao giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững; nâng cao thu nhập cho hộ nông dân thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng chuỗi giá trị liên kết, nhất là doanh nghiệp và các hộ nông dân. 

Để đạt mục tiêu trên, huyện đã tập trung nguồn lực hoàn thiện giao thông nội đồng, tạo thuận lợi cho sản xuất, thu hoạch và vận chuyển nông sản; đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, xây mới hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho cây trồng; đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng; hỗ trợ, khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như cấy lúa hàng biên, cấy lúa mạ khay, thâm canh cải tiến SRI... 

Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng quy hoạch, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm chuyên sản xuất một số giống lúa, giống cây giá trị, chất lượng cao. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 31 cánh đồng mẫu lớn sản xuất tập trung với diện tích 1.409ha và 6 cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm với diện tích 76,32ha, năng suất cao hơn so với năng suất của cánh đồng đại trà từ 15 - 20%. Huyện đã quy hoạch và triển khai có hiệu quả một số vùng chăn nuôi tập trung, nuôi cá lồng trên sông. 

Đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Công ty TNHH Thuận Khang, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty TNHH Lam Sơn... bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân. Đặc biệt, huyện và tỉnh vừa ký kết với Viện Nông nghiệp Hàn Quốc đầu tư về nông nghiệp sạch và các khu chế xuất ở một số xã làm điểm. Năm 2018, Đông Hưng được mùa, được giá cả 2 vụ lúa, năng suất đạt 132,4 tạ/ha, dẫn đầu tỉnh. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt 3.145 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2017.

Xây dựng nông thôn mới bền vững

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Đông Hưng chỉ đạo các xã không chạy theo thành tích “làm bằng mọi cách, không làm bằng mọi giá”, thực hiện từng tiêu chí, bảo đảm “Sản xuất phát triển - Đời sống sung túc - Diện mạo sạch đẹp - Thôn làng văn minh - Quản lý dân chủ”. Đặc biệt, năm 2018, huyện tổ chức hội nghị để các xã chưa về đích gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh được phân công phụ trách để cùng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Hàng tháng, Ban Chỉ đạo của huyện họp giao ban với các xã chưa về đích nghe kết quả thực hiện, tiếp tục chỉnh sửa giải pháp phù hợp với từng thời gian cụ thể. Dù huyện còn nhiều khó khăn song vẫn quyết định hỗ trợ các xã chưa về đích 1,6 tỷ đồng. Do đó, các xã chưa về đích đã vào cuộc quyết liệt, tích cực, khí thế hơn trước. Bằng các nguồn lực huy động được, Đông Hưng đã thực hiện “cứng hóa” trên 1.070km đường trục xã, trục thôn, 257,4km kênh mương, xây dựng 234km đường giao thông trục chính nội đồng, gần 500 phòng học, 28 trạm bơm và cống đập, gần 100 sân thể thao xã và thôn... Đến nay, toàn huyện đã có 27 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; 10 xã thẩm định và đề nghị tỉnh công nhận trong tháng 12/2018; 6 xã còn lại đang tích cực thực hiện các tiêu chí để về đích NTM trong năm 2019. Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM tích cực kiểm tra, rà soát, củng cố, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt, chỉ đạo xã Đông Phương và xã Nguyên Xá xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Huyện đã hoàn thành xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của năm 2017 chuyển sang.

Chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

Để tiếp tục tạo đà phát triển kinh tế, Đông Hưng đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư và xác định công nghiệp là một thế mạnh để huyện tập trung đột phá. Đến nay, huyện đã quy hoạch 9 cụm công nghiệp, trong đó 7 cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết phân khu chức năng. Trong năm 2018, huyện cũng đã thực hiện xong điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp Đông La, triển khai lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Phong Châu với quy mô 70ha; quy hoạch khu dân cư tại thôn Đà Giang, xã Nguyên Xá với quy mô 4,52ha và triển khai thực hiện quy hoạch dự án khu nhà ở thương mại xã Thăng Long. Có thêm 20 dự án xin đăng ký đầu tư, trong đó 11 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào huyện, nâng tổng số dự án đầu tư và đăng ký đầu tư lên 108 dự án, tổng vốn ước thực hiện trên 3.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện duy trì, phát triển 27 làng nghề, xã nghề đồng thời du nhập, phát triển một số nghề mới, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông nhàn ở nông thôn. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2018 của huyện vì thế tăng 12,8% so với năm 2017.

Sản xuất phát triển, đời sống người dân Đông Hưng ngày càng được nâng cao: năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,78%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 97,19%. Năm 2018, Đông Hưng đã làm tốt công tác thu ngân sách địa phương, tổng thu đạt gần 1.220 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2017. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án lớn của tỉnh, của huyện được thực hiện quyết liệt, đạt hiệu quả cao. Công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải ở các địa phương trong huyện được quan tâm chỉ đạo thực hiện, dần đi vào nền nếp. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Đặc biệt, năm 2018, nghệ thuật múa rối nước (làng Nguyễn, xã Nguyên Xá) và xã Đông Các, lễ hội làng Thượng Liệt (xã Đông Tân) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Huyện đã thực hiện sáp nhập 22 trường THCS với trường tiểu học ở 12 xã. Đến nay, toàn huyện có 85/108 trường đạt chuẩn quốc gia ở các mức độ, chiếm 78,7%.

Năm 2019, Đông Hưng tiếp tục đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Duy trì chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng y tế; phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng chính quyền vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Phấn đấu tổng giá trị sản suất đạt 12.748 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2018. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 đạt trên 889 tỷ đồng. Phấn đấu 6 xã còn lại được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100% và huyện trở thành huyện NTM năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,7%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 100%.
Nhân dịp xuân mới Kỷ Hợi 2019, thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện, xin gửi tới các bậc lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện, các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, cán bộ, chiến sĩ cùng toàn thể nhân dân lời chúc mừng năm mới bình an, thịnh vượng và hạnh phúc.

Nguyễn Tiến Hưng

(Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày