Thứ 4, 27/11/2024, 18:36[GMT+7]

Dồn điền đổi thửa Kinh nghiệm của Kiến Xương

Thứ 5, 15/03/2012 | 10:35:08
1,984 lượt xem
Nhằm tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, huyện Kiến Xương đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ công tác dồn điền đổi thửa (DÐÐT) ở tất cả các xã, thị trấn trong năm 2012, phấn đấu mỗi hộ chỉ có từ 1- 2 thửa ruộng. Bắt đầu từ xã Thanh Tân, đến nay, Kiến Xương đang dẫn đầu tỉnh về công tác DÐÐT, trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới.

Bà con nông dân ở Quốc Tuân (Kiến Xương) đã hăng hái tham gia làm giao thông thủy lợi nội đồng, xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Lê Minh Hoàng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, việc DÐÐT nhằm khắc phục tình trạng đất nông nghiệp phân tán, manh mún, đồng thời cũng nhằm dồn đổi lại quỹ đất công thuộc trách nhiệm quản lý, sử dụng của cấp xã và phân định cụ thể đất công ích, đặc biệt là quỹ đất để thực hiện quy hoạch nông thôn mới. Ðây cũng là dịp để tổng kiểm tra lại diện tích đất nông nghiệp, hoàn thiện công tác lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Vì vậy, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 214 về “Ðề án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới”, huyện Kiến Xương đã thành lập Ban chỉ đạo “Dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp” do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban và các tổ chuyên môn giúp việc; xây dựng kế hoạch kèm theo các hướng dẫn về công tác DÐÐT. Tổ chức tập huấn cho 100% bí thư, thôn trưởng các thôn, xóm. Ðồng thời, tuyên truyền rộng rãi trên Ðài Truyền thanh của huyện, xã về lợi ích của DÐÐT đến người dân.

 

Nói về cái lợi của DÐÐT thì hầu như người dân nào cũng nhận thức được, tuy nhiên khi thực hiện thì vấp phải không ít phức tạp, đó là sự so sánh ruộng tốt ruộng xấu, đồng gần đồng xa. Chính vì vậy, căn cứ vào đồng ruộng của mỗi địa phương sẽ chia làm 3 loại: tốt, trung bình, xấu. Các hộ dân sẽ cùng bàn bạc, thảo luận về cách thức bốc thăm, chia ruộng, trong đó ưu tiên cho các gia đình chính sách, neo đơn. Hộ gia đình nhận loại ruộng trung bình sẽ được một mảnh, còn những hộ nhận loại tốt và xấu sẽ có 2 mảnh, sau đó tổ chức bốc thăm để giao ruộng. Ðiều đó không những bảo đảm tính dân chủ với tinh thần dân biết, dân bàn, dân quyết định mà còn bảo đảm sự chính xác, công bằng; bởi không ai hiểu ruộng đất bằng chính người nông dân đã bao đời một nắng hai sương cấy cày trên mảnh ruộng đó. Ðặc biệt, việc để người dân tự nhận ruộng trước còn giúp họ được lựa chọn vùng đất phù hợp với khả năng và kế hoạch sản xuất của mình, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cũng như nâng cao đời sống người dân.

 

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chỉ trong một thời gian ngắn, chủ trương DÐÐT của huyện Kiến Xương đã được đông đảo cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Ðến nay 32/37 xã, thị trấn đã thực hiện xong DÐÐT, mỗi người dân tự nguyện đóng góp trên 20m2 đất, tiêu biểu như người dân các xã: An Bồi, Quyết Tiến, Thượng Hiền..., đóng góp 35-45m2. Số thửa ruộng giảm từ trên 3 thửa xuống còn 1,6 thửa, tiêu biểu như các xã: Nam Bình, Quang Bình: 1,4 thửa; Minh Tân, Thị trấn Thanh Nê, Namon> Cao, Quang Trung: 1,5 thửa.... Tổng khối lượng đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy hoạch đạt gần 80%, với kinh phí gần 103 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 40%. Trao đổi với chúng tôi về thành công trong công tác DÐÐT ở Kiến Xương, ông Lê Mình Hoàng cho biết: Bài học lớn nhất là phải huy động sự đoàn kết toàn dân, sự chủ động vào cuộc của cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò các tổ trưởng thôn, xóm và các tổ chức đoàn thể, như: phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân...

 

Có thể nói, DÐÐT là một chủ trương đúng đắn, được đại bộ phận nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng. Qua DÐÐT đã giải quyết được cơ bản tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất. Có nhiều hộ nông dân sản xuất 4- 5 thửa/3 - 4 cánh đồng, sau khi thực hiện đã thu gọn lại chỉ còn 1 - 2 thửa/hộ, sản xuất tập trung ở 1 - 2 nơi; diện tích mỗi thửa sau dồn điền lớn hơn gấp 1,5 - 2 lần, thậm chí có nơi gấp 3 lần; thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa, giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp, đây là tiền đề để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Do vậy, thời gian tới, huyện Kiến Xương sẽ tiếp tục chỉ đạo 5 xã còn lại (Quang Lịch, Vũ Quý, Bình Minh, Trà Giang, Vũ Bình) đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành DÐÐT trong năm 2012.

 

Bài, ảnh: Minh Nguyệt 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày