Thứ 3, 23/07/2024, 23:30[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở An Đồng Giải pháp căn cơ, lộ trình phù hợp

Thứ 5, 15/03/2012 | 15:59:55
1,549 lượt xem
Ngay sau khi được huyện Quỳnh Phụ chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới, xã An Đồng đã coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc. Đồng thời đưa ra các giải pháp và lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đạt mục tiêu trở thành xã nông thôn mới vào năm 2015.

Cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ tại An Đồng (Quỳnh Phụ)

Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, An Đồng có khá nhiều thuận lợi, đó là sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể chính trị, sự đồng thuận ủng hộ rất cao của người dân. Đặc biệt nếu so với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, An Đồng đã đạt 9/ 19 tiêu chí. Trong đó có một số tiêu chí duy trì khá vững chắc như hệ thống chính trị gồm tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhiều năm liên tục được công nhận vững mạnh toàn diện và dẫn đầu về thi đua của huyện; Trạm y tế xây dựng kiên cố, thiết bị tương đối đồng bộ và được công nhận chuẩn quốc gia ngay từ năm 2004; tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người đạt khá...

 

Tuy nhiên những khó khăn, thách thức cũng không phải là ít, điển hình là hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội đồng đều đã xuống cấp nghiêm trọng và nhỏ hẹp chưa đạt chuẩn. 6/ 6 thôn có nhà văn hoá nhưng đều chưa đạt chuẩn; 5/ 6 điểm trường mầm non đang phải học lồng ghép với nhà văn hoá, chưa bảo đảm chuẩn về phòng học...

 

Xác định xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng toàn diện góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động nên thời gian qua cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể ở An Đồng đã tích cực vào cuộc, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Hiện xã đã hoàn thành xây dựng đề án, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt. An Đồng cũng là xã đi đầu trong công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp khi đã hoàn thành đo giao ngoài thực địa ngay trong năm 2011 với bình quân không quá 2 thửa/ hộ. Ngoài ra, xã đã trích ngân sách kết hợp huy động sức dân đầu tư xây dựng 6 tuyến đường trục chính nội đồng bằng bê tông dài 4,5 km và nâng cấp 2,6km đường trục xã với tổng kinh phí 6,5 tỷ đồng...

 

Để hoàn thành mục tiêu trở thành xã nông thôn mới vào năm 2015, An Đồng đã xây dựng cho mình lộ trình và giải pháp phù hợp. Cụ thể là sau công tác DĐĐT sẽ tập trung cho việc đào đắp bờ vùng, bờ thửa, kiên cố hoá kênh mương và nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông nội đồng đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Đối với hệ thống đường giao thông nông thôn, trước mắt sẽ tổ chức cắm mốc lộ giới và vận động các hộ dân hiến đất, tự nguyện tháo dỡ các công trình trên đất, đóng góp ngày công lao động để giải phóng mặt bằng; tiếp đó sẽ huy động kinh phí theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để từng bước nâng cấp và làm mới 1,6km đường trục xã, 6km đường trục thôn và gần 10,22km đường trục xóm. Bố trí kinh phí theo từng giai đoạn để đầu tư xây dựng trường mầm non và nhà văn hoá các thôn, phấn đấu năm 2013 trường mầm non được công nhận chuẩn quốc gia và đến 2015 cả 3 trường đều được công nhận chuẩn quốc gia mức độ II...

 

Tuy nhiên, muốn trở thành xã nông thôn mới thì điều mà An Đồng lo lắng nhất chính là phải vượt qua hai “cửa ải” về thu nhập và giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống 25%. Nhận thức rõ thách thức trên, xã đã kết hợp DĐĐT với việc tổ chức lại đồng ruộng, quy hoạch hình thành 5 vùng chuyên canh quy mô lớn gồm vùng chuyên màu rộng 52ha, vùng 2 lúa+ 1 vụ đông rộng 210ha, vùng chuyên canh lúa rộng 94ha, vùng chăn nuôi tập trung rộng 57,65ha và vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung rộng 27,29ha. Đồng thời có cơ chế để khuyến khích các hộ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư xây dựng gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi thả thuỷ sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

 

Để giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, một mặt An Đồng tiếp tục khuyến khích phát triển toàn diện nghề và làng nghề, củng cố, giữ vững các nghề và làng nghề hiện có, nhất là nhóm nghề chế biến gỗ, kết hợp du nhập thêm các nghề mới có tiềm năng về thị trường và mang lại giá trị sản xuất cao. Mặt khác quy hoạch hình thành cụm công nghiệp tập trung rộng 13,7ha nhằm thu hút các doanh nghiệp đến hợp tác, đầu tư. Hiện An Đồng đã thu hút được 3 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất gỗ mỹ nghệ và đồ mộc dân dụng tạo việc làm cho hàng trăm lao động... Ngoài ra, xã có kế hoạch huy động kinh phí khoảng 5 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ Mụa trên diện tích 4.465m2 làm đầu mối trao đổi hàng hoá nông sản cho các hộ dân trong và ngoài xã.

 

Mặc dù đã có lộ trình và giải pháp khá cụ thể, nhưng mô hình nông thôn mới ở An Đồng chỉ thành công khi có sự lãnh đạo quyết liệt của tổ chức Đảng, vai trò điều hành hiệu quả của chính quyền, sự tham gia tích cực của các đoàn thể chính trị. Đặc biệt là sự đồng thuận và tham gia của mọi người dân, bởi chỉ riêng về kinh phí từ nay đến 2015 mỗi năm xã cần khoảng 35- 40 tỷ đồng nhưng vốn ngân sách tự có chỉ khoảng 4- 6 tỷ đồng, số còn lại phải dựa phần lớn vào sức đóng góp của dân vì nông dân mới là chủ thể trực tiếp quyết định sự thành bại cũng như tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đơn vị mình.

 

Bài, ảnh: Vũ Mạnh  

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày