Thứ 3, 23/07/2024, 23:27[GMT+7]

Thái Sơn Dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất trên đồng ruộng

Thứ 5, 22/03/2012 | 09:15:02
2,133 lượt xem
Thời điểm này, Thái Sơn là 1 trong 20 xã của Thái Thụy đã hoàn thành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp theo tiêu chí nông thôn mới. Cũng nhờ ruộng lớn, bờ vùng bờ thửa to rộng, kênh mương tưới tiêu thuận lợi nên vụ xuân năm 2012 địa phương đã mở rộng nhiều vùng lúa gieo sạ, gieo thẳng, tiết kiệm công lao động, chi phí sản xuất ... tạo bước đệm quan trọng hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn.

Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Niên cho biết: khi chưa dồn điền đổi thửa Thái Sơn có gần 455 ha diện tích đất nông nghiệp, ruộng đất manh mún, bình quân mỗi hộ có 4,8 thửa, thậm chí nhiều gia đình canh tác tới 7 đến 8 thửa, bờ vùng bờ thửa thấp nhỏ. Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương xác định trước hết phải dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng tạo tiền đề để đưa cơ giới hoá vào sản xuất. Để làm được khâu quyết định này, tổ công tác của xã phối hợp với 8 tiểu ban của 8 thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, lợi ích và các bước thực hiện dồn điền đổi thửa.

 

Phương án dồn điền đổi thửa của xã được xây dựng trên cơ sở điều tra chính xác diện tích đất quy hoạch giao thông thủy lợi,  quy vùng diện tích đất 5% công ích, diện tích đất thực hiện dồn đổi, tính toán khối lượng làm giao thông thủy lợi, xác định hộ đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ đất theo các dự án đã thu hồi, hộ đã chuyển đổi đất nông nghiệp không thực hiện chuyển đổi…. bảo đảm lợi ích hài hoà giữa cá nhân và tập thể. Thái Sơn cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp từ xã tới thôn để họp bàn phương án, lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân  trên tinh thần công khai, dân chủ. Nơi nào có ý kiến, nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, thành viên tổ công tác trực tiếp xuống họp với dân tuyên truyền, vận động, giải thích để tạo sự đồng thuận.

 

Trên cơ sở diện tích đất nông nghiệp thực hiện dồn đổi theo từng vùng sản xuất đã được quy hoạch, các thôn, các tổ họp dân xác định cụ thể diện tích đất xa, xấu, đất cấy lúa kém hiệu quả để bình nhóm đất. Vận động, khuyến khích các hộ gia đình tự nhận  ruộng xa, vùng chuyển đổi, người cùng dòng họ, bố con, anh em… nhận chung một thửa ruộng lớn, sau đó tổ chức bốc thăm cho những hộ còn lại. Giữa tháng 12/2011, Thái Sơn ra quân làm thủy lợi, đào đắp bờ vùng bờ thửa, mỗi ngày có hàng ngàn người dân tham gia lao động trên khắp các xứ đồng. Không chỉ góp công, nhân dân tự nguyện đóng góp mỗi khẩu 25m2 đất để chỉnh trang ruộng đồng, cam kết tổ chức sản xuất theo vùng đã quy hoạch. Chỉ trong 48 ngày, xã hoàn thành đào đắp toàn bộ tuyến bờ thửa, một số tuyến bờ vùng với tổng khối lượng 125.000m3 và chia ruộng xong cho dân. Riêng nguồn kinh phí nhân dân đóng góp cho việc đào đắp giao thông thủy lợi gần 3,8 tỷ đồng. Kết quả, sau dồn điền đổi thửa, số thửa ruộng của Thái Sơn giảm từ 9.185 thửa xuống còn 3.383 thửa, trong đó 375 hộ 1 thửa, 1.504 hộ 2 thửa, bình quân 1,8 thửa/hộ. Đất 5% của xã trước đây phân tán nhỏ lẻ ở nhiều nơi giờ được quy thành những vùng tập trung.

 

Theo chân Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Bùi Công Thoán, đi một vòng qua các cánh đồng, tôi nhìn thấy những bờ vùng, bờ thửa đắp to rộng, bố trí rất khoa học, hợp lý. Trên những thửa ruộng lớn, lúa xuân đang vươn những mầm xanh non mơn mởn. Chị Nguyễn Thị Đào ( thôn Nam Hưng Tây) cho biết:" Gia đình tôi có 6 sào ruộng, trước kia có tới 8 mảnh, mỗi chỗ một tý cấy cày vất vả lắm. Nhưng sau dồn đổi ruộng còn có 2 mảnh, vụ này hai vợ chồng gieo sạ hết vừa không phải gieo mạ, đắp bờ mà lại tiết kiệm bao nhiêu chi phí". Chung niềm vui với chị Đào, trưởng thôn Phạm Huy Mão chia sẻ: " Nam Hưng Tây có 85 ha đất nông nghiệp, những năm trước tưới tiêu khó khăn, cả tuần mới bơm đủ nước phục vụ sản xuất nên mặc dù có truyền thống gieo sạ  diện tích cũng chỉ đạt 40 đến 50%. Nhưng ở vụ xuân này, sau khi dồn điền đổi thửa, bờ vùng bờ thửa to rộng, mương lớn, chỉ cần 2 đến 3 ngày đã bơm đủ nước cho toàn bộ diện tích nên nhân dân ai cũng phấn khởi, diện tích lúa gieo sạ đạt 90%. Thậm chí, vụ mùa tới, diện tích gieo sạ toàn thôn có thể đạt 100% diện tích".

 

Anh Thoán cho biết thêm: thực tế, 4 năm nay nhân dân Thái Sơn đã tổ chức gieo sạ, riêng năm 2011 đạt 35%, đặc biệt ở vụ mùa HTX thử nghiệm mô hình gieo sạ 20 mẫu lúa SQ2, lá lúa không bị cháy,  ít sâu bệnh, năng suất đạt 2,3 tạ/ sào. Tuy nhiên, với vụ xuân năm 2012, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, việc tổ chức gieo sạ gặp một số khó khăn do nhiều xã viên sợ chậm thời vụ, ruộng chưa được cải tạo không bằng phẳng khó gieo. Trước tình hình đó, khi chưa chia ruộng, HTX hướng dẫn các hộ tính toán, cân đối diện tích chủ động mạ, đồng thời cung ứng đủ nguồn giống, phân bón, hỗ trợ 10 triệu đồng tổ chức 3 lần  đánh chuột, bảo dưỡng các máy bơm để bơm nước phục vụ sản xuất cho kịp thời vụ. Một số thôn còn hợp đồng với máy cày tổ chức cày tập trung, sau khi nhận ruộng, diện tích nhà ai bao nhiêu thì sẽ tính toán trả cho chủ máy. Kết quả, đến ngày 23/2, toàn xã  hoàn thành việc gieo cấy lúa xuân, trong đó lúa gieo sạ chiếm gần 50% diện tích, quy thành những vùng tập trung ở tất cả các thôn. Sau mô hình thử nghiệm lúa SQ2, vụ này, HTX đã xây dựng tiếp 2 mô hình khảo nghiệm mới: mô hình gieo sạ giống lúa lai Trung Quốc do Trung tấm khuyến nông hỗ trợ và mô hình gieo sạ lúa năng suất cao giống Nam Dương 99 theo chương trình dự án nông thôn mới.

 

Cùng với dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, Thái Sơn huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm này xã đã đạt 9/19 tiêu chí. Dự kiến năm 2012, địa phương tiếp tục hoàn thiện chỉnh trang đồng ruộng, cứng hoá một số tuyến kênh mương, xây dựng trường mầm non, trạm y tế, phấn đấu đạt tiêu chí về môi trường… với tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỷ đồng, riêng huy động sức dân 3,8 tỷ đồng.

 

 Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày