Chủ nhật, 19/01/2025, 19:31[GMT+7]

Thấy gì qua cuộc kiểm tra thực hiện Nghị quyết 02 về xây dựng nông thôn mới ở Thái Thụy

Thứ 6, 30/03/2012 | 14:16:39
3,080 lượt xem
Vừa qua, đoàn kiểm tra của Tỉnh uỷ Thái Bình đã đi kiểm tra, khảo sát ở một số xã trong huyện Thái Thụy về xây dựng nông thôn mới cho thấy quá trình triển khai ở cơ sở hiện nay còn nhiều khó khăn, đòi hỏi huyện và mỗi địa phương cần rà soát, đánh giá lại những việc đã làm và chưa làm được, đưa ra giải pháp thực hiện để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Nông dân Thái Sơn (Thái Thụy) đào đắp chỉnh trang bờ vùng bờ thửa sau dồn điền đổi thửa.

Sau gần một năm, Thái Thụy  thực hiện Nghị quyết số 02 của  Tỉnh uỷ về “Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020” bước đầu đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp-nông dân-nông thôn.

 

Xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển tổng thể về kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng nên thời gian qua Thái Thụy đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc cùng thực hiện. Đến nay, 100% xã hoàn thành lập quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, 17/47 xã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng. 20 xã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và chỉnh trang đồng ruộng, bình quân 1,75 thửa/hộ. Huyện và các địa phương đã lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn vốn, huy động sức dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền khoảng 82,161 tỷ đồng. Trong đó, UBND huyện hỗ trợ 30 triệu đồng/xã thực hiện công tác quy hoạch chung, đồng thời ban hành cơ chế hỗ trợ vốn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 là 40 triệu đồng/km kiên cố kênh mương cấp I, 20 triệu đồng/xã thực hiện dồn điền đổi thửa, 50 triệu đồng/xã chỉnh trang đồng ruộng. Nhân dân tự nguyện đóng góp vốn cho chỉnh trang đồng ruộng ở các xã thực hiện dồn điền đổi thửa khoảng 29,3 tỷ đồng với khối lượng đào đắp 1.170.122m3//2.142.793m3.

 

Dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng hiện nay một số cấp uỷ, chính quyền địa phương và một bộ phận nhân dân trong huyện vẫn chưa nhận thức đầy đủ về xây dựng nông thôn mới, cho rằng xây dựng nông thôn mới chính là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiếu quan tâm đến các nội dung khác: (xây dựng hệ thống chính trị, an  ninh trật tự xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập....) nên có tư tưởng trông chờ, ỷ nại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác khảo sát, đánh giá thực trạng, lập quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới còn chậm so với yêu cầu đề ra. Cụ thể 46/48 xã đã lập xong quy hoạch chung nhưng đến nay mới có 18 xã hoàn thiện hồ sơ theo quy định.  

 

Đối với quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, 17 xã đã được phê duyệt, 27 xã đang thực hiện, 3 xã chưa lựa chọn được đơn vị tư vấn. Thậm chí, một số xã chưa hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, không có phương án dồn điền đổi thửa nhưng vẫn tiến hành dồn điền đổi thửa. Và cũng do làm thiếu, làm tắt quy trình, không đúng hướng dẫn, thiếu hồ sơ, thủ tục nên đến nay dù đã dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng xong nhưng chưa xã nào thanh toán được vốn hỗ trợ của Nhà nước. Có 6 xã đăng ký dồn điền đổi thửa trong năm 2011 nhưng không thực hiện được phải chuyển sang năm 2012, trong đó có cả những xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Thậm chí, có xã đã dồn điền đổi thửa, nhưng 5/9 thôn bình quân 3 thửa/hộ, buộc phải dồn đổi lại.

 

Việc lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm, chỉ có xã Thái Dương thực hiện, 35/45 xã ký xong hợp đồng với đơn vị tư vấn, số còn lại vẫn đang lựa chọn. Việc xây dựng đề án là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên đến nay 23 xã xây dựng xong đề án nhưng phần lớn không bảo đảm yêu cầu: nội dung còn sơ sài, chưa đánh giá đúng thực trạng các tiêu chí, các danh mục công trình đầu tư không lập theo thứ tự ưu tiên và mức hỗ trợ theo Quyết định 09 của UBND tỉnh. Các xã cũng không có hoặc chưa đưa ra được những giải pháp có tính khả thi, không xác định rõ nguồn vốn  địa phương có thể huy động đối ứng từ ngân sách xã, vốn huy động của nhân dân và các nguồn vốn huy động khác theo đúng thực lực hiện có. Thậm chí, có xã lập đề án trong đó dự toán nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn mới riêng năm 2012 tới gần 100 tỷ đồng mà chủ yếu đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, thiếu tính thực tế. Vì vậy, đến nay toàn huyện chưa có xã nào được phê duyệt đề án...

 

Từ những tồn tại trên, vấn đề quan trọng trước hết đối với Thái Thụy là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, học tập, chủ trương về xây dựng nông thôn mới để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu đúng: xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, cấp uỷ Đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành, cộng đồng dân cư là chủ thể, quyết định, tổ chức thực hiện. Khẩn trương hoàn thành các quy hoạch, bởi quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở cho đầu tư xây dựng các công trình, chỉnh trang, phát triển nông thôn và thực hiện các tiêu chí còn lại. Tổ chức rà soát, đánh giá đúng thực trạng của địa phương để hoàn chỉnh đề án xây dựng nông thôn mới sát với yêu cầu thực tế. Mỗi tiêu chí, phải đề ra nhiệm vụ, kế hoạch, giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể, trong đó ưu tiên lựa chọn những nội dung, phần việc bức thiết cần làm trước, khả năng huy động vốn, huy động nhân dân là chính có lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn xã và các nguồn lực bổ sung.

 

Cùng với việc lập quy hoạch, xây dựng đề án, thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, tổ chức họp bàn phương án dồn đổi công khai, dân chủ để huy động tối đa sức dân tham gia chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất. Việc nâng cao thu nhập cho người dân chính là mấu chốt trong xây dựng nông thôn mới, vì vậy, mỗi địa phương cần phải căn cứ vào điều kiện tình hình thực tiễn để lựa chọn mô hình phát triển kinh tế cho phù hợp như: phát triển nghề, thương mại dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi...

 

Sau đồn điền đổi thửa, tổ chức sản xuất trên đồng ruộng đúng theo vùng đã quy hoạch, xây dựng các mô hình sản xuất điểm để nhân ra diện rộng kết hợp đưa cơ giới hoá vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, đầu mối tiêu thụ nông sản giúp bà con yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, hăng say xây dựng xóm làng ngày càng văn minh, giàu đẹp.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày