Thứ 3, 23/07/2024, 23:29[GMT+7]

Phát triển hệ thống chợ đạt chuẩn nông thôn mới Khó nhiều bề

Thứ 3, 03/04/2012 | 16:24:53
2,814 lượt xem
Để trở thành một xã nông thôn mới (NTM), mỗi địa phương cần phải hoàn thiện đủ 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia do Chính phủ ban hành. Trong đó tiêu chí số 7 yêu cầu có chợ đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên hầu hết các chợ ở khu vực nông thôn đều chưa đạt chuẩn và việc đầu tư xây dựng hệ thống các chợ theo tiêu chí NTM hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Khu bày bán sản phẩm của làng nghề truyền thống tại chợ Đông Xuyên huyện Tiền Hải. Ảnh: Minh Đức

Từ lâu trên địa bàn tỉnh ta, nhất là khu vực nông thôn đã hình thành khá nhiều chợ. Đây không chỉ là nơi mua bán hàng hoá mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi vì thế chợ như một điểm hẹn văn hoá chốn thôn quê. Ngày nay, bên cạnh các loại hình chợ truyền thống còn xuất hiện nhiều loại hình chợ mới như chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ ẩm thực... Sự phát triển đa dạng cả về quy mô và hình thức của hệ thống chợ đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy thương mại nội địa phát triển.

 

Toàn tỉnh hiện có 233 chợ các loại, trong đó khu vực nông thôn chiếm hơn 80%; khu vực thành thị chỉ có 46 chợ, chiếm chưa tới 20%. Mặc dù số lượng khá nhiều nhưng hiện mới có 26 chợ đạt tiêu chí NTM, chiếm hơn 10%. Trong đó riêng Thái Thuỵ có 12 chợ đạt chuẩn, các huyện, thành phố còn lại chỉ có từ 1- 4 chợ đạt chuẩn. Hơn 200 chợ còn lại đều chưa đạt tiêu chí theo quy định. Chỉ xét riêng về diện tích, tổng quỹ đất giành cho hệ thống chợ là 600.000m2 nhưng chỉ có 44 chợ đạt tiêu chí về diện tích, tức là bằng hoặc lớn hơn 3.000m2, diện tích sử dụng cho 1 điểm kinh doanh bằng hoặc lớn hơn 3m2/ 1 người. Các chợ còn lại đều nhỏ hơn 3.000m2, thậm chí có những chợ chỉ rộng chưa tới 1.000m2. Đặc biệt về cơ sở vật chất, toàn tỉnh mới có 38 chợ (chiếm khoảng 16%) được xây dựng kiên cố; còn lại 45% số chợ xây dựng bán kiên cố và có tới 39% số chợ đang ở trong tình trạng dựng lều tạm, nền đất, thậm chí không có mái che phải họp ngoài trời. Chưa kể đến vị trí một số chợ chưa phù hợp với quy hoạch, điều kiện vệ sinh, môi trường, hệ thống cấp- thoát nước và bãi chứa rác chưa hoàn thiện. Gần nửa số chợ vẫn chưa có bộ máy quản lý, với những chợ đã có bộ máy quản lý thì 85% số cán bộ chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ...

 

Trong định hướng, quy hoạch phát triển hệ thống chợ đến năm 2020, dự kiến trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 281 chợ các loại, tăng 48 chợ so với hiện nay. Trong đó giai đoạn từ nay đến năm 2015 phải có ít nhất trên 70 chợ đạt tiêu chí theo quy định. Từng bước giảm bán kính phục vụ trung bình mỗi chợ xuống còn 2km/ điểm và duy trì số lượng dân cư phục vụ trung bình mỗi chợ khoảng 7.000- 8.000 người. Tăng tỷ lệ hàng hoá và dịch vụ lưu thông qua hệ thống chợ chiếm 55% vào năm 2015 và giảm xuống 30% vào năm 2020. Riêng với khu vực nông thôn sẽ từng bước xoá bỏ các chợ tạm, nền đất, mái tranh, tập trung nâng cấp, cải tạo theo hướng kiên cố và bán kiên cố; các chợ khu vực thị trấn, thị tứ sẽ cải tạo hoặc xây mới thành chợ trung tâm loại I và loại II.

 

Định hướng phát triển hệ thống chợ như trên là rõ ràng và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên để biến mục tiêu thành hiện thực  không dễ dàng bởi chỉ riêng  về kinh phí dự kiến giai đoạn 2011- 2015 cần khoảng 250 tỷ đồng và giai đoạn 2016- 2020 cần thêm 208 tỷ đồng. Trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách đầu tư cho phát triển hệ thống chợ hiện rất thấp. Để khắc phục khó khăn này, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ theo hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao). Tuy nhiên hiện mới chỉ có các chợ ở khu vực thành phố và các thị trấn, thị tứ là thu hút được doanh nghiệp tham gia, còn khu vực nông thôn, nhất là những xã nghèo, thưa dân sẽ rất khó thu hút doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư bởi chi phí xây dựng chợ khá tốn kém, thu hồi vốn lâu và cơ chế ưu đãi về đất đai, thuế, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, rõ ràng. Ngay cả khi đã thu xếp được vốn cũng không dễ xây dựng các chợ đạt chuẩn theo quy định bỡi lẽ rất nhiều chợ hiện nay có diện tích nhỏ hơn 3.000m2 nhưng lại khó mở rộng thêm  do nằm sát khu dân cư hoặc các công trình công cộng khác đòi hỏi chi phí về giải phóng mặt bằng rất tốn kém. Còn nếu chọn phương án di dời ra chỗ khác thì lại vấp phải khó khăn do thói quen họp chợ của người dân đã thành nếp. Rõ ràng yếu tố tâm lý, thói quen của cư dân nông thôn rất cần được cân nhắc  khi chọn phương án mở rộng chợ bằng hình thức di dời ra chỗ mới.

 

Xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân nông thôn giữ vai trò chủ thể. Thời gian qua, người dân ở các xã đã hiến đất, hiến công và đóng góp kinh phí tham gia xây dựng hệ thống giao thông thôn xóm, thuỷ lợi nội đồng, nhà văn hoá thôn... Tuy nhiên hiện vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng để thu hút người dân tham gia xây dựng chợ, còn với các doanh nghiệp và những người có vốn khác muốn đầu tư xây dựng chợ với mục đích kinh doanh thì cơ chế hiện có lại chưa đủ mạnh để khuyến khích họ bỏ vốn xây dựng các chợ ở nông thôn.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày