Thứ 3, 23/07/2024, 23:28[GMT+7]

Mô hình HTX kiểu mới trong quá trình xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 27/04/2012 | 15:34:22
1,992 lượt xem
Những năm qua, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc chuyển tải, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chủ trương của Ðảng và chính sách của Nhà nước đến nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần quan trọng ổn định sản xuất và ổn định tình hình nông thôn.

Cán bộ HTX DVNN xã Ðiệp Nông (Hưng Hà) cùng nông dân kiểm tra sự phát triển của cây đậu tương trồng trên vùng bãi ven sông. Ảnh: Hiền Trâm

Thái Bình có trên 500 HTX trong đó, có 327 HTX dịch vụ nông nghiệp, còn lại là các loại hình HTX khác và có tới 80% số HTX được thành lập từ thời bao cấp. Từ khi có Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, tình hình hoạt động của các HTX trong tỉnh đã có những tiến bộ nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ. Do vậy, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta.

 

Ngay sau khi Luật HTX, Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy và Quyết định số 944 của UBND tỉnh về việc chuyển đổi các HTX nông nghiệp hiện có thành HTX dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) được ban hành, hệ thống các HTX trong toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi và đăng ký lại HTX theo Luật HTX. Ðến nay, toàn tỉnh có 327 HTXDVNN; trong đó, đã chuyển đổi 317 HTX, giải thể 1 HTX và thành lập mới 9 HTX. Ngay sau chuyển đổi, bộ máy quản lý được bố trí lại theo hướng tinh giảm gọn nhẹ từ 5-8 người, phần lớn là 5 người gồm: 1 chủ nhiệm, 1 phó chủ nhiệm, 1 trưởng kiểm soát, 1 kế toán trưởng và 1 thủ kho kiêm thủ quỹ.

 

Các khâu dịch vụ mà HTX chủ yếu duy trì bao gồm: dịch vụ tưới tiêu nước (chiếm 100%), BVTV - KHKT (chiếm 96%) và cung ứng vật tư nông nghiệp (chiếm 75%). Ngoài ra, một số HTX còn thực hiện thêm các khâu dịch vụ khác như: tiêu thụ sản phẩm (chiếm 6,3%); dịch vụ máy nông nghiệp (chiếm 5%); giống, kho lạnh (chiếm 15,7%), dịch vụ thú y (chiếm 19,29%) và dịch vụ tín dụng nội bộ HTX (chiếm 3%). Nhờ thực hiện tốt các khâu dịch vụ và thường xuyên đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, năm 2011, toàn tỉnh có 88% số HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động có lãi; 236 HTX đạt loại khá, giỏi, chiếm 75%; 70 HTX trung bình, chiếm 22% và 15 HTX yếu kém, chiếm 5%.

 

Những năm qua, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc chuyển tải, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chủ trương của Ðảng và chính sách của Nhà nước đến nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần quan trọng ổn định sản xuất và ổn định tình hình nông thôn. Bên cạnh đó, các HTX còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng quy hoạch phân vùng, bố trí lại sản xuất, đưa giá trị sản xuất từ 31 triệu đồng/ha (năm 2006) đến nay đã đạt  trên 50 triệu đồng/ha. Nhiều HTX đã có lãi và dành một phần tích lũy để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, giúp đỡ những hộ xã viên neo đơn, khó khăn.

 

Cùng với những kết quả đã đạt được, hoạt động của hệ thống các HTX dịch vụ nông nghiệp trong toàn tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Việc chuyển đổi HTX theo luật còn mang tính hình thức, chưa tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc HTX, Xã viên không tự nguyện làm đơn tham gia vào HTX chuyển đổi. Phạm vi, quy mô và nội dung hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX còn nhỏ bé, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Ðội ngũ cán bộ HTX còn yếu cả về năng lực chuyên môn và tổ chức sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế trong các HTX còn thấp, thu nhập của người lao động chưa bảo đảm. Các HTX chưa có sự liên doanh, liên kết, hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, khai thác thị trường.

 

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới là thực sự cần thiết, là điều kiện dần đưa nông thôn phát triển theo hướng bền vững; góp phần giúp các địa phương sớm hoàn thành tiêu chí 13 về “Hình thức tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới, xã viên và người lao động có quyền sở hữu về tư liệu sản xuất; tự nguyện góp vốn, góp sức lao động, trí tuệ và kinh nghiệm kinh doanh tham gia vào HTX.

 

Ðể xây dựng mô hình HTX kiểu mới, các cấp, các ngành cần tổ chức triển khai giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn Ðảng, toàn dân, tạo nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể; vận động sáp nhập các HTX theo thôn thành HTX liên thôn và xã; giải thể những HTX yếu kém, chỉ tồn tại mang tính hình thức và tạo điều kiện hình thành các tổ hợp tác hoặc HTX mới theo nhu cầu thực tế của các hộ nông dân. Các giải pháp về chính sách hỗ trợ phát triển HTX cũng cần được triển khai tổ chức thực hiện kịp thời, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư như: đất đai, tài chính tín dụng, đào tạo, hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường.

 

Bên cạnh đó, các HTXDVNN cũng phải vươn lên làm tốt dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản xuất. Ngoài ra, các cấp, các ngành cần khuyến khích và tạo điều kiện thành lập nhiều mô hình HTX mới như: HTX chuyên cây, HTX chế biến, HTX tiêu thụ, HTX chợ nông thôn, HTX môi trường; ở những địa phương có nghề và làng nghề nên đề xuất thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp; ở những địa phương chưa có quỹ tín dụng nhân dân, HTXDVNN nên mở dịch vụ tín dụng nội bộ.

 

Minh Hương

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày