Thứ 3, 24/12/2024, 03:30[GMT+7]

Tân Phong Thực hiện tiêu chí 10 và 11 về xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 04/05/2012 | 17:02:59
1,710 lượt xem
Tân Phong (Vũ Thư) - một trong 70 xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015. Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, mức sống cho nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thực hiện tiêu chí 10, 11: Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người/năm cao hơn mức bình quân chung của tỉnh 1,5 lần, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3%, đạt xã nông thôn mới vào năm 2015.

Vùng luân canh cây màu đem lại nguồn thu cao hơn cấy lúa 1,5 – 2 lần, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn  là nhiệm vụ ưu tiên xuyên suốt trong chương trình hành động của Đảng bộ Tân Phong thực hiện Nghị quyết TW khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020.

 

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, Tân Phong đã hoàn thành cuộc “cách mạng” chỉnh trang đồng ruộng theo quy hoạch, thực hiện dồn đổi 320 ha đất nông nghiệp từ 2,86 thửa/hộ, xuống còn 1,35 thửa/hộ. Tổng khối lượng đào đắp toàn bộ bờ lô, bờ vùng 164.712 m3, làm thay đổi toàn diện  diện mạo ruộng. Canh tác trên những ô thửa lớn, là tiền đề để xã quy vùng sản xuất hàng hóa tập trung: vùng (2 lúa + vụ đông) diện tích 169 ha; vùng bãi 27 ha luân canh 4 vụ, vùng màu nội đồng 23 ha chuyên sản xuất rau xanh cung cấp cho thành phố đưa hệ số sử dụng đất năm 2011 đạt 2,63 lần. Từ năm 2009 – 2012, UBND xã và Hợp tác xã DVNN đã đầu tư hỗ trợ sản xuất tổng kinh phí 904 triệu đồng.

 

Các đoàn thể nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh nỗ lực khai thác các nguồn vốn, làm dịch vụ ủy thác, tín chấp với ngân hàng giúp hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế hộ, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đây là giải pháp đem lại hiệu quả rõ rệt và thiết thực, nhất là đối với những hộ nghèo thiếu vốn. Kết quả khảo sát của huyện năm 2011, Tân Phong có 255 hộ nghèo, chiếm 10,5%; hộ cận nghèo 105 hộ, chiếm 4,14%. Nguồn vốn Ngân hàng CSXH lãi suất ưu đãi hiện cho vay 749 hộ, tổng dư nợ 8.107 triệu đồng. Trong đó có 320 hộ nghèo, cận nghèo dư nợ 2.571 triệu đồng; 278 hộ hoàn cảnh khó khăn được vay 4.280 triệu đồng nuôi con là học sinh, sinh viên ăn học; 16 hộ vay vốn chương trình giải quyết việc làm, dư nợ 320 triệu đồng (bình quân 20 triệu đồng/hộ).

 

Mới đây, Ngân hàng vừa rải ngân cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường 117 hộ, dư nợ 936 triệu đồng, bình quân 8 triệu đồng/hộ. Nhiều gia đình được Ngân hàng cho vay vốn chăn nuôi, mua phân bón lúa, mở mang ngành nghề đã xóa đói, giảm nghèo như chị Trần Thị Hường, chồng chết, làm nghề đóng gạch thuê nuôi 2 con nhỏ, trong đó 1 con tàn tật... nhờ được Ngân hàng CSXH cho vay vốn để phát triển chăn nuôi, chữa bệnh cho con, nay gia đình chị đã thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Son, hộ nghèo được tổ bình xét cho vay 6 triệu đồng mua 1 con bê, chị nuôi một thời gian bán con bò lấy vốn chuyển sang nghề làm giá đỗ, nay đã hoàn trả vốn cho ngân hàng. Chị Đồng Thị Hoa vay vốn giải quyết việc làm 20 triệu đồng, phát triển gia trại nuôi lợn gà, buôn cá giống ổn định cuộc sống gia đình.

 

Tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên cùng với việc phát động phong trào tương thân, tương ái, MTTQ xã cùng các đoàn thể, các thôn đã chủ động huy động sức dân xóa 14 nhà dột nát cho hộ nghèo. So với đầu nhiệm kỳ 2005-2010, tỷ lệ hộ nghèo của Tân Phong giảm 3,5%. Nguồn vốn của Ngân hàng CSXH thực sự giúp cho nhiều hộ ở Tân Phong thoát nghèo. Đặc biệt toàn xã không có trường hợp nào nợ quá hạn. 

 

Khai thác lợi thế nằm ở cửa ngõ phía bắc Thành phố Thái Bình, thuận lợi để phát triển ngành nghề, dịch vụ, cấp ủy, chính quyền xã tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân vay vốn Ngân hàng NN & PTNT,  Quỹ TDND xã, mở mang 23 loại ngành nghề, dịch vụ tập trung thành 4 nhóm: Nhóm nghề cơ khí gò hàn có trên chục hộ; nhóm chế biến đồ gỗ có 24 cơ sở, mỗi cơ sở từ 5-10 lao động, nhóm nghề may mặc thêu ren, nhóm kinh doanh chế biến lương thực, thực phẩm, mỗi nhóm có hàng chục cơ sở. Tổng giá trị thu nhập từ ngành nghề TTCN của Tân Phong bình quân mỗi năm tăng 16,5%. Ngành dịch vụ thương mại tăng 17,8%/năm. Năm 2011, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt trên 174,66 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2010. Trong đó ngành nghề TTCN- TMDV đạt 98.657 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 60,2%, ngành nông nghiệp chiếm trên 39,8% cơ cấu kinh tế.

 

Với những nỗ lực trên, năm 2011, bình quân thu nhập của nhân dân Tân Phong đạt 18,2 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung của huyện hơn 2 triệu đồng. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trên 3000 lao động trong độ tuổi đều có việc làm ổn định. Tuy nhiên, Tân Phong đang còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nông thôn mới.

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày