Thứ 3, 23/07/2024, 21:13[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Thụy Liên Còn lắm gian nan

Thứ 3, 08/05/2012 | 15:08:10
3,065 lượt xem
Thụy Liên là xã được huyện Thái Thụy chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Thời gian qua, xã đã tập trung nhiều nguồn lực lập các quy hoạch, dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, chỉnh trang ruộng đồng theo tiêu chí nông thôn mới, bước đầu tạo niềm tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đối với xã điểm nông thôn mới của huyện là từ nay đến năm 2015 phải hoàn thành cả 19 tiêu chí thì xem ra chặng đường xây dựng nông thôn mới của địa phương còn lắm g

Cổng làng Cam Đoài (Thụy Liên - Thái Thụy). Ảnh: Ngọc Linh.

Chủ tịch UBND xã Vũ Thanh Quang chia sẻ: khi được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, Đảng uỷ, chính quyền địa phương xác định khâu khó, quyết định nhất mở đường cho việc xây dựng xóm làng văn minh, sạch đẹp là phải hoàn thành các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, chỉnh trang đồng ruộng. Nhưng khi chủ trương đưa ra, tâm lý nhiều người dân còn e ngại bởi diện tích đất nông nghiệp của địa phương lớn khoảng 646,7ha, đồng ruộng cao thấp không đồng đều, nhiều diện tích chua trũng, quỹ đất 5% công ích phân tán ở nhiều nơi.

 

Để tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân, Đảng uỷ xã đã ra Nghị quyết, UBND xã thành lập BCĐ thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đồng thời xây dựng phương án cụ thể, tổ chức họp từ xã đến thôn tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân trên tinh thần công khai, dân chủ. 11 thôn thành lập các tiểu ban giúp việc BCĐ, xây dựng phương án của từng thôn, tự chủ trong công tác dồn điền đổi thửa và huy động sức dân đào đắp thủy lợi giao thông nội đồng. Vận động nhân dân tự nhận những ruộng xa, ruộng xấu, vùng chuyển đổi tập trung, anh em trong gia đình cùng nhận chung một thửa để tiện sản xuất.

 

Đầu tháng 12/2011, Thụy Liên phát động chiến dịch toàn dân ra quân làm thủy lợi, đắp bờ vùng, bờ thửa với khoảng 1.000 người tham gia, sau đó các thôn chia thành tổ nhóm để làm. Những  bờ thửa nhỏ đào đắp thủ công bằng sức người, bờ vùng lớn thôn thuê máy để làm. Kết quả, sau 1 tháng, toàn xã hoàn thành đắp toàn bộ các tuyến bờ thửa, nhiều tuyến bờ vùng và đường giao thông với khối lượng 60.800 m3/ 76.000m3 (80% tổng khối lượng đào đắp); trong đó các thôn Nghĩa Chỉ, Trung Tỉnh, Cam Đông, Hoành Quan, Cam Đoài hoàn thành 100% khối lượng đào đắp. Không chỉ tích cực tham gia lao động, mỗi hộ dân đã tự nguyện góp 25m2 đất để làm bờ vùng, bờ thửa,  quy hoạch đất xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ dân sinh.

 

Đến ngày 25/12/2011 ( âm lịch), Thụy Liên hoàn thành việc chia ruộng cho dân ngoài thực địa. Từ 5 thửa/hộ, sau khi dồn điển đổi thửa, trung bình còn 1,9 thửa/hộ. Ruộng to-bờ lớn, xã vận động nhân dân quy vùng sản xuất, hỗ trợ mỗi sào 1 kg thóc giống, HTX đầu tư thuốc trừ cỏ để  mở rộng diện tích gieo sạ nhằm tiết kiệm công, chi phí sản xuất. Kết quả, vụ lúa xuân năm 2012, toàn xã gieo sạ được 70 ha làm tiền đề nhân rộng cho những vụ sau.

 

Đồng chí Nguyễn Duy Bích, trưởng thôn An Lệnh chia sẻ: “Đón chủ trương xây dựng nông thôn mới, người dân An Lệnh ai cũng hồ hởi, phấn khởi nên khi họp, bàn lấy ý kiến vào phương án dồn điền đổi thửa chỉ mất 3 buổi. Thôn có 523 hộ thì 400 hộ tự nguyện nhận chỗ, ghép ruộng với nhau, còn 123 hộ phải bốc số. Bà con ai cũng hăng hái tham gia làm thủy lợi, đào đắp bờ vùng, bờ thửa, có gia đình 2 đến 3 người tham gia làm suốt cả tháng liền. Đến nay, thôn đã hoàn thành khoảng 80% tổng khối lượng đào đắp, phấn đấu cuối năm nay sẽ đắp xong 100% khối lượng. Không chỉ tích cực tham gia dồn điền đổi thửa, nhân dân An Lệnh còn góp công, góp của đầu tư xây dựng nhà văn hoá thôn diện tích sàn 160m2 với tổng kinh phí 400 triệu đồng dự kiến đến cuối năm nay sẽ khánh thành đưa vào sử dụng.”

 

Theo lời anh Quang: mặc dù đã cố gắng nỗ lực, đạt được kết quả bước đầu; nhưng qua khảo sát, đánh giá của các cơ quan chức năng: đến nay Thụy Liên mới có 9/19 tiêu chí đạt chuẩn, trong đó phần lớn là các tiêu chí đã đạt trước khi thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để trở thành xã nông thôn mới vào năm 2015, cũng đồng nghĩa từ nay đến lúc đó xã phải hoàn thành 10 tiêu chí còn lại (trung bình  1 năm thực hiện 2 tiêu chí), trong khi hầu hết là những tiêu chí khó thực hiện như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hoá, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động....

 

Kèm theo đó, nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới trong 5 năm (2011-2015) cần khoảng 136,88 tỷ đồng. Trong đó, xã đề nghị tỉnh-huyện hỗ trợ 102,480 tỷ đồng,  nguồn ngân sách địa phương 15,25 tỷ đồng và chủ yếu trông chờ vào nguồn bán đất; 19,15 tỷ đồng còn lại huy động vốn nhân dân đóng góp nhưng về cơ bản địa phương vẫn là xã thuần nông, hầu hết người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp nên xem ra "sức dân" cũng có hạn. Để giải quyết nhiệm vụ " khá nặng nề" nêu trên, Thụy Liên đã đưa ra nhiều giải pháp tổ chức thực hiện: trước hết tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để toàn dân hiểu được vai trò chủ thể của mình chung sức xây dựng nông thôn mới. Tổ chức khảo sát, điều tra, đánh giá lại thực trạng nông nghiệp-nông dân-nông thôn trên địa bàn toàn xã để hoàn thiện lập và phê duyệt các quy hoạch, đề án nông thôn mới lấy đó làm căn cứ, đưa ra lộ trình, thời gian, giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện từng tiêu chí theo hướng dễ làm trước, khó làm sau.

 

Trên cơ sở đồng ruộng đã dồn điền đổi thửa, quy vùng sản xuất, hàng năm tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình trình diễn, ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hoá vào sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Phối hợp với các tổ chức, đơn vị mở các lớp đào tạo nghề như: thợ hồ, móc sợi, may công nghiệp, vận hành, sửa chữa các máy móc sản xuất nông nghiệp… kết hợp thu hút các ngành nghề mới vào địa phương để giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp, chuyên môn hoá các khâu dịch vụ, mở rộng liên kết " bốn nhà"  để cung ứng vật tư, bao tiêu nông sản cho nông dân. Vận động nhân dân đóng góp, huy động con em xa quê, các doanh nghiệp ủng hộ cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi, chợ và các công trình phúc lợi công cộng khác….

 

Các giải pháp Thụy Liên đưa ra rất phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cụ thể cho từng tiêu chí sẽ sớm đưa Thụy Liên trở thành xã nông thôn trong tương lai không xa.

Nguyễn Hình

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày