Thứ 3, 23/07/2024, 21:15[GMT+7]

Dồn điền đổi thửa - Kinh nghiệm từ Vũ Lăng

Thứ 3, 15/05/2012 | 16:16:30
2,412 lượt xem
Đến thời điểm này, việc dồn điền đổi thửa ở Vũ Lăng không còn một ý kiến thắc mắc. Tổng số hộ toàn xã là 1.318 hộ với 9.660 khẩu tham gia dồn điền đổi thửa, đạt 100% kế hoạch. Tổng số thửa sau khi dồn đổi còn 2.069 thửa, bình quân 1,47 thửa/hộ, giảm 3.315 thửa (62,1%) so với dồn điền đổi thửa  năm 2002.

Đường thôn và mương dẫn nước của Vũ Lăng đã được cứng hóa bằng bê tông. Ảnh: Phan Đức Lợi

Học và làm

 

Vũ Lăng là xã nội đồng, nằm cuối trục đường liên xã (thị trấn Tiền Hải – Tây An – Vũ Lăng) nên rất khó để phát triển CN, TMDV. Đồng đất Vũ Lăng  không bằng phẳng, không đồng đều, nhiều diện tích chua trũng. Hơn 60 ha ở cánh đồng rừng ngay trong khoán 10, không hộ nào nhận, đoàn thể cũng bỏ... Sau dồn điền đổi thửa lần thứ nhất (năm 2002) ruộng đất Vũ Lăng vẫn còn manh mún (5.453 thửa), bình quân 3,9 thửa/ hộ, có hộ có tới 7 thửa trên nhiều xứ đồng.

 

Theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới, tiếp thu nghị quyết của Đảng, hướng dẫn của các cấp, các ngành, Vũ Lăng đã có hàng chục cuộc họp từ trong Đảng đến quần chúng nhân dân để quán triệt, bàn thảo tìm ra cách đi phù hợp với điều kiện  địa phương. Riêng việc dồn điền đổi thửa, Vũ Lăng đã thành lập ban chỉ đạo cấp xã do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, 5  tiểu ban chỉ đạo ở thôn do các đồng chí trưởng thôn làm trưởng tiểu ban. Không kể các kỳ họp của xã phổ biến triển khai các bước và tập huấn nghiệp vụ dồn điền đổi thửa, ngay trong các thôn cũng phải tổ chức họp dân từ 5 – 7 cuộc để quán trịêt, bình xét nhóm đất, cách chia ruộng đất trên phương án, bốc thăm để nhận ruộng ngoài thực địa...

 

Phức tạp nhất là xác định nhóm đất và tỷ lệ chia nhóm đất. Do đặc thù ruộng đất của địa phương, nên xã thống nhất và được nhân dân chấp thuận, chia 6 hạng đất thành 3 nhóm  (nhóm A, gồm đất hạng 1, 2, 3; nhóm B là đất hạng 4, 5; nhóm C là hạng 6). Trước đây, hộ sản xuất thích hạng đất xấu (hạng đất 4, 5, 6) để đầu tư tăng năng suất lúa dễ hơn hạng đất 1, 2, 3, mức khoán cũng thấp hơn. Nay bước vào cơ chế thị trường, lương thực không còn khó khăn mà chú trọng chất lượng, hiệu quả kinh tế, vì vậy hộ nào cũng thích nhận đất nhóm A (đất tốt). Để bảo đảm công bằng, các thôn tổ chức họp dân thống nhất, chỉ bốc thăm nhận ruộng nhóm A. Hộ không trúng nhóm đất A, phải chấp nhận đất nhóm B và C. Chia đất trên thực địa cũng phải bốc thăm tránh mâu thuẫn gần, xa, cao thấp xảy ra. Do thực hiện các bước đúng quy trình và dân chủ cơ sở được tôn trọng nên thôn Trưng Vương đã hoàn thành chia đất trên thực địa vào ngày 7/1/2012, tiếp đó là các thôn Tam Đồng, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt.

 

Sau khi nhận đất, nhân dân 4 thôn phấn khởi chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2012. Riêng thôn Hưng Đạo có hàng chục hộ phản ứng quyết liệt cách làm của thôn. Nhận thức rõ đây là vấn đề nhạy cảm, Ban Thường vụ Đảng uỷ xã, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa xã Vũ Lăng đã xuống thực địa để tìm hiểu nguyên nhân và thừa nhận ý kiến của nhân dân là hoàn toàn đúng. Bởi vì đất nhóm A, lẽ ra chia cho 107 hộ đã bốc trúng thăm thì tỷ lệ chỉ là 42% nhưng thôn lại chia tỷ lệ đất A 50% kèm 50% đất hạng C  nên 27 hộ không còn đất A. Cách làm này không đúng với hướng dẫn của xã, do vậy không nhận được sự đồng thuận của nhân dân trong thôn. Nhận ra thiếu sót, ngay lập tức thôn trưởng và tiểu ban tổ chức họp dân thống nhất lại cách làm mới theo hướng dẫn của ban chỉ đạo xã bảo đảm công bằng, dân chủ, bỏ cách làm duy ý chí, chủ quan trước đó. Đồng thời tổ chức bốc thăm để chia ruộng ngoài thực địa. 19 giờ 30 phút ngày 29 tháng 12 âm lịch  (đêm giao thừa), hộ cuối cùng của thôn Hưng Đạo được giao đất theo phương án dồn điền đổi thửa. Bác Minh (đội 10, Vũ Lăng) cho biết, gia đình bác có 5 khẩu được chia 2 thửa, rất thuận lợi cho sản xuất, đến nay toàn thôn phấn khởi, đồng thuận sẵn sàng cho việc xây dựng nông thôn mới. Bà con trong thôn thống nhất góp 200 nghìn đồng/sào để xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, việc thu chia thành 3 vụ, bắt đầu từ vụ xuân 2012.

 

Kết quả và bài học kinh nghiệm

 

Đến thời điểm này, việc dồn điền đổi thửa ở Vũ Lăng không còn một ý kiến thắc mắc. Tổng số hộ toàn xã là 1.318 hộ với 9.660 khẩu tham gia dồn điền đổi thửa, đạt 100% kế hoạch. Tổng số thửa sau khi dồn đổi còn 2.069 thửa, bình quân 1,47 thửa/hộ, giảm 3.315 thửa (62,1%) so với dồn điền đổi thửa  năm 2002. Do dồn điền đổi thửa nhanh gọn nên Vũ Lăng đã đưa ruộng đất vào sản xuất vụ xuân 2012 kịp thời vụ, gieo cấy đúng cơ cấu giống và đúng vùng canh tác. Dồn điền đổi thửa thành công còn giúp Vũ Lăng huy động được nguồn lực tại chỗ để kiến thiết cơ sở hạ tầng. Nhân dân đồng thuận góp mỗi khẩu 50m2 đất làm giao thông, thuỷ lợi. Có cánh đồng “mẫu lớn” ra đời, đường giao thông, thuỷ lợi mở rộng (tuy mới là nền đất), nhiều hộ đã đầu tư mua nông cụ cơ giới để tham gia vào dịch vụ làm đất, thu hoạch. Toàn xã đã có 9 máy làm đất đa năng, một máy gặt đập liên hợp, 70 máy cày cầm tay, để làm dịch vụ tại xã và phục vụ bà con nông dân xã bạn...

 

Có được kết quả trên là do ý Đảng, lòng dân trong mọi công việc phải luôn hoà quyện làm một. Đồng thời không được coi nhẹ công tác tuyên truyền. Ngoài hàng chục cuộc họp từ xã xuống thôn, Vũ Lăng còn đa dạng hoá hình thức vận động từ loa truyền thanh đến thông qua các tổ chức đoàn hội để nhân dân nắm vững mục đích, ý nghĩa xây dựng nông thôn mới và dồn điền đổi thửa, nắm chắc đề án, các bước tiến hành. Mọi việc làm phải công khai, dân chủ tạo sự đồng thuận cao mới tiến hành. Cán bộ phải là người tận tâm, tận lực với công việc, vô tư khách quan, nắm chắc quy trình, bước tiến hành và đề xuất tham mưu giải quyết những vướng mắc của nhân dân cho Ban chỉ đạo. Các thành viên trong Ban chỉ đạo, đặc biệt là cấp xã cần chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, tránh tư tưởng lệch lạc, trông chờ, ỷ lại.

                                                                                   

Phan Anh

(Tác phẩm tham dự Cuộc thi báo chí viết về Đề tài nông thôn mới)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày