Thứ 3, 23/07/2024, 21:16[GMT+7]

Khi “nhà báo xã” góp sức xây dựng nông thôn mới

Thứ 3, 19/06/2012 | 14:49:05
1,432 lượt xem
“Nhà báo xã”- đó là những từ chúng tôi dùng trong bài viết này để đặt cho những người làm công tác truyền thanh ở cơ sở. Vì lòng đam mê, nhiệt huyết yêu nghề nên họ đã vượt qua mọi khó khăn vất vả, hàng ngày cần mẫn tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Và từ khi Thái Bình thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) thì vai trò trong công tác tuyên truyền của những “nhà báo xã” càng trở nên quan trọng hơn.

Bác Nguyễn Đức Chinh luôn cần mẫn, trách nhiệm với vai trò "Phát thanh viên" của Đài truyền thanh xã Thanh Tân (Kiến Xương)

 Đã 16 năm nay, mùa hè cũng như mùa đông, rét mướt, mưa dầm hay gió bão công việc một ngày của bác Nguyễn Đức Chinh, Trưởng Đài truyền thanh xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương) đều bắt đầu từ 4giờ 30 phút sáng và kết thúc lúc 6 giờ 30 phút tối. Việc đầu tiên là bác đến phòng kiểm tra, mở máy cho ổn định, sau đó đến giờ tiếp âm chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Đài truyền thanh huyện, cuối cùng là chương trình Đài phát thanh của xã. Tất cả được thực hiện đều đặn ngày 2 lần sáng-tối. Bác Chinh chia sẻ:” Để có 15 đến 20 phút chương phát thanh tin địa phương với người làm truyền thanh cơ sở không đơn giản chút nào. Vừa phải lấy tin, lựa chọn thông tin rồi viết nên mất rất nhiều thời gian. Nhưng khi đã nhận công việc này, tôi cũng xác định: dù trình độ còn hạn chế, viết có thể chưa hay nhưng ít nhất thông tin phải bảo đảm yêu cầu ngắn gọn, chính xác, rành mạch, rõ ràng để khi bà con nghe có thể hiểu được ngay”.

Đặc biệt, từ tháng 3/2009 đến nay, Thanh Tân triển khai xây dựng NTM thì các thông tin được truyền tải rất đều đặn: bắt đầu rành rọt từ 19 tiêu chí, chủ trương, cơ chế chính sách, sau đến việc vận động, biểu dương điển hình thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, hiến đất làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, có lúc lại phổ biến kinh nghiệm cấy lúa, trồng màu, cách phòng trừ sâu bệnh…. Qua truyền thanh, người dân được nghe, kiểm chứng, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, quy chế dân chủ ở cơ sở nhờ vậy được phát huy. Đến nay, Thanh Tân đạt 14/19 tiêu chí, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của Thái Bình.

Còn với xã Thái Dương- điểm xây dựng NTM của huyện Thái Thụy, những năm qua Đài truyền thanh đã được đầu tư, nâng cấp với 22 loa, 7,8 km đường dây phục vụ nhu cầu thông tin của gần 4.000 người dân trong xã. Ông Tăng Văn Thanh, Trưởng Đài truyền thanh xã khẳng định: “Hiện nay, mời người dân tham gia các cuộc họp thôn thông thường chỉ đạt 50% hộ đến dự, vì vậy Đài truyền thanh xã đóng vai trò quan trọng truyền tải mọi thông tin đến tận các ngõ xóm, hộ gia đình. Mỗi bản tin thông báo, phản ánh sự kiện, các buổi tường thuật trực tiếp các kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, lễ giao quân… nhân dân đều lắng nghe chăm chú.

Cũng nhờ loa truyền thanh cổ vũ, động viên, tuyên truyền nên thời gian qua, người dân xã Thái Dương  tích cực đóng góp ý kiến vào các quy hoạch, đề án xây dựng NTM, thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và góp sức đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng với tổng khối lượng hơn 80.000m3”. Chị Nguyễn Thị Bích, Giám đốc Đài phát thanh huyện Thái Thụy cho biết: “Xác định đội ngũ làm truyền thanh cơ sở là người cuối cùng và cũng là những người truyền tải thông tin gần nhất tới nhân dân nên Đài truyền thanh huyện phân công 2 cán bộ làm kỹ thuật hàng ngày trực, theo dõi, hỗ trợ 48 Đài truyền thanh xã, thị trấn tiếp âm, phát sóng đều đặn các chương trình. Cử phóng viên hướng dẫn đài xã viết tin, bài, sản xuất chương trình gốc đồng thời mời những nhà báo phát thanh có kinh nghiệm về tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phát thanh cơ sở. Có một điều ghi nhận là: những người làm phát thanh ở cơ sở của huyện dù trình độ, lứa tuổi khác nhau, nhưng đều tâm huyết, nhiệt tình, yêu và say mê nghề, có đồng chí mấy chục năm gắn bó với nghề. Ngoài tiếp sóng đầy đủ các chương trình đài tỉnh, huyện, ghi sổ nhật ký, nhiều Đài truyền thanh xã còn sản xuất từ 1 đến 2 chương trình gốc/tuần, trên máy vi tính, mở các chuyên mục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, biểu dương các điển hình tiên tiến, khuyến học-khuyến tài, xây dựng đời sống văn hoá, điểm thời sự trong tuần… với nhiều thông tin phong phú, đa dạng.

Hiện nay, hệ thống đài truyền thanh của Thái Bình đã phủ kín 286/286 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh hiện có gần 860 cán bộ truyền thanh cơ sở. Mỗi người thực sự là “linh hồn” để từng chiếc loa cứ sáng sáng- chiều chiều lại vang vọng khắp thôn xa, xóm lẻ. Với ưu thế: ở bất kỳ đâu, làm việc gì người dân vẫn nghe được đài, nắm bắt kịp thời tình hình thời sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, các mô hình điển hình tiên tiến ở trong và ngoài, tỉnh và ở ngay địa phương, chính những người đang sống xung quanh mình.

Đặc biệt, nhờ đài truyền thanh, nông dân có thể nắm bắt chính xác thông tin thời tiết để chủ động bố trí sản xuất, lao động phù hợp. Trong bão lũ, khi mọi phương tiện thông tin đại chúng bị tê liệt vì mất điện, thì thông tin phát ra từ chiếc loa truyền thanh càng trở nên “quý giá”. Cũng nhờ thông tin của loa truyền thanh, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, họ đã biết vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, áp dụng các tiến bộ KHKT vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thi đua sản xuất, phát triển kinh tế gia đình vươn lên xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của hệ thống Đài truyền thanh cơ sở gặp rất nhiều khó khăn: máy móc, thiết bị, đường dây, loa của nhiều đài được lắp đặt từ mấy chục năm về trước hiện xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên hỏng hóc, gặp sự cố ảnh hưởng tới việc truyền tải thông tin đến người dân. Cán bộ đài hầu hết chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, phần lớn là quen việc, tự làm, một số cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc. Đặc biệt, hiện nay chế độ phụ cấp cho cán bộ quá thấp: trưởng đài được 724.000đ/tháng, 2 nhân viên còn lại còn thấp hơn, ngoài ra họ không được hưởng thêm chế độ nào khác như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nên chưa thực sự yên tâm, gắn bó với nghề.

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin nhưng ai cũng phải thừa nhận không thể thiếu vắng được tiếng nói của phát thanh, không thể xem nhẹ vai trò của hệ thống Đài truyền thanh cơ sở. Vì vậy, Nhà nước, cần sớm có cơ chế chính sách, quan tâm hơn đến những “nhà báo xã” để họ tiếp tục phát huy hết tâm huyết, lòng yêu nghề vào công việc để đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến gần hơn nữa với người dân…góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

                                   Bài, ảnh:  Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày